Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChạy đua vũ khí hạt nhân sẽ gia tăng khi Hiệp ước...

Chạy đua vũ khí hạt nhân sẽ gia tăng khi Hiệp ước START-3 sẽ kết thúc

Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Vladimir Ermakov cho biết, Nga và Mỹ gần như đã không còn khả năng tiếp tục duy trì Hiệp ước START-3 trên cơ sở song phương.

Theo ông Vladimir Ermakov, Nga và Mỹ sẽ không thể tiếp tục thỏa thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) trên cơ sở song phương. Để tiếp tục quá trình đàm phán, cần phải kết nối với Anh và Pháp, đó là các cường quốc hạt nhân và là các đồng minh của Mỹ trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Ermakov cũng nhấn mạnh rằng đề nghị của Moscow về việc gia hạn thỏa thuận START không có nghĩa là Nga không quan tâm đến việc tái trang bị một số loại vũ khí vi phạm Hiệp ước START của Mỹ; đồng thời cho rằng Mỹ đang hợp pháp hóa các vũ khí này bằng việc tuyên bố chúng đã được chuyển đổi và không phù hợp để sử dụng làm vũ khí hạt nhân. Nga hy vọng các bên nên nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ của thỏa thuận và không cố gắng tạo ra các lợi ích đơn phương cho mình.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu không có Hiệp ước với Nga và Trung Quốc về kiểm soát vũ khí, Mỹ sẽ xây dựng lực lượng hạt nhân “mạnh nhất” trên thế giới. Ông Donald Trump cho biết, hiện cả Nga lẫn Trung Quốc đều muốn đàm phán với Mỹ, để ngăn chặn khoản chi phí khổng lồ hàng tỷ hàng tỷ USD đầu tư vào vũ khí hạt nhân. Song con đường duy nhất, khi Mỹ không có thỏa thuận này là xây dựng lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Về phía Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông (16/10/2019) cho biết, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp độ với Nga và Mỹ, nên Bắc Kinh sẽ không đàm phán về cắt giảm vũ khí này. Ông Phó Thông cho biết, Trung Quốc lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, đồng thời cho rằng động thái của Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với ổn định và cân bằng chiến lược toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu cũng như đối với hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế; nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cảnh báo, Trung Quốc sẽ không ngồi yên và có biện pháp đáp trả thích đáng. Ngoài ra, ông Phó Thông cho rằng Trung Quốc đã nhiều lần phản đối, đồng thời khẳng định tương quan sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp độ với Nga và Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ không tham gia vào đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa hai nước Nga – Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng có những lo ngại thực tế là nếu đến năm 2021 Donald Trump vẫn là Tổng thống, ông có thể quyết định hủy bỏ hiệp ước START-3. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ lâu là nhân vật chỉ trích mạnh mẽ hiệp ước này và bản thân Tổng thống Trump cũng gọi đây là “một thỏa thuận tồi”. Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ rút khỏi INF, ông đã tránh đưa ra cam kết rằng hiệp ước START-3 sẽ không phải chịu chung số phận. Không ai ngạc nhiên với điều đó vì Chính quyền Trump đã có thành tích coi thường tất cả các hiệp ước quốc tế. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có nguy cơ thực sự là các cường quốc chủ yếu – không chỉ Mỹ và Nga, mà cả Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt đầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ. Chúng ta có nguy cơ phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới với quy mô chưa từng có kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Không có nước lớn nào đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ khi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện được Liên hợp quốc thông qua năm 1996, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không phê chuẩn.

Được biết, về tương quan đầu đạn hạt nhân của các nước, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc là những nước đang sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Theo đó, Nga hiện có 6.850 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.600 thiết bị đã được triển khai. Mỹ có tổng cộng 6.450 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.750 đầu đạn ở trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa. Cả Nga và Mỹ hiện tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ với độ chính xác cao. Trung Quốc được cho là hiện sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân. Trong số vũ khí hạt nhân Trung Quốc đang sở hữu, có nhiều loại đủ khả năng tấn công tới cả Mỹ và Nga, gây ra mối đe dọa an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, SIPRI cũng cho biết Trung Quốc hiện chưa lắp đặt các đầu đạn hạt nhân của nước này vào tên lửa hoặc triển khai tại các bệ phóng sẵn sàng khai hỏa. Các đầu đạn của Trung Quốc phần lớn được bảo quản tại các cơ sở lưu trữ.

RELATED ARTICLES

Tin mới