Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN-EU (11/2) ở Brussels (Bỉ), với sự tham dự của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 26 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đoàn Việt Nam đã thay mặt ASEAN thông báo chủ đề, các ưu tiên và một số kết quả dự kiến chính của ASEAN trong năm 2020, qua đó khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ gắn kết giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có EU, để chủ động thích ứng với các thách thức hiện nay đồng thời nắm bắt những cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, đoàn Việt Nam đã thông tin với các nước về một số đề xuất của Việt Nam nhằm tăng cường phối hợp và phản ứng chung của ASEAN trong ứng phó với virus Corona; cập nhật tình hình Biển Đông, tiến trình thực hiện DOC và thương lượng COC, qua đó tái khẳng định tầm quan trọng của các nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông; một số định hướng thúc đẩy gắn kết ASEAN-Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
Tại Hội nghị, các bên đã ghi nhận tiến triển tích cực trong quan hệ ASEAN-EU, nhất là trong việc triển khai chương trình hợp tác lớn như E-READI (đối thoại chính sách và hỗ trợ ASEAN hội nhập), ARISE Plus (hỗ trợ liên kết kinh tế), COMPASS (xây dựng hệ thống thống kê ASEAN), EU SHARE (giáo dục)… Thời gian tới, các nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung như kinh tế-thương mại-đầu tư; thích ứng với các thách thức mới nổi, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu; thúc đẩy kết nối, giao thông, y tế, phát triển bền vững, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển… Hai bên cũng nhất trí sớm hướng tới hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không toàn diện ASEAN-EU và đẩy mạnh các nỗ lực đối với Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU. Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước đã chia sẻ về tình hình ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona nCoV gây ra và nhất trí tổ chức hội nghị trực tuyến giữa ASEAN và EU nhằm cập nhật tình hình và trao đổi kinh nghiệm. Hội nghị cũng chia sẻ về những biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương rộng mở, công bằng, dựa trên luật lệ, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các thách thức toàn cầu, cũng như thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Các nước khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực hướng tới hòa bình, ổn định bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; nhấn mạnh cần thực thi nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trông đợi các giải pháp bền vững đối với vấn đề Rakhine (Ra-khin), Myanmar và Trung Đông.
Về vấn đề Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Được biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt 282,2 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2017; là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của ASEAN với tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 đạt 22 tỷ USD. EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, coi ASEAN là đối tác quan trọng, chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn chiến lược.
Tuy EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng là một bên tham gia ký kết UNCLOS, EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONP). Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống mang chức năng khác nhau. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay. Tuy nhiên, do thái độ, lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ cam kết theo nguyên tắc đối với pháp quyền, do đó những chia rẽ giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU đưa ra một chính sách thống nhất và gắn kết trong vấn đề Biển Đông.
Đáng chú ý, trong năm 2019, EU được đánh giá là có tiếng nói rất mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, thể hiện qua việc các nước trong khu vực này đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, với các hoạt động tự do hàng hải và quan ngại về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Giới chức EU đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện thái độ, quan điểm liêm quan vấn đề Biển Đông. Trong đó, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; khẳng định EU ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác; cho rằng việc quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình trong vùng biển có tranh chấp, không có lợi cho môi trường hòa bình chung; khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ quan điểm và lo ngại của ASEAN về tình hình và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh “EU ủng hộ sự minh bạch và kết thúc nhanh chóng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN”. Người phát ngôn của Ủy Ban Ngoại Vụ, Chính Sách An Ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU Maja Kocijancic (28/8/2019) cho biết, những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực. Theo EU thì tất cả các bên trong khu vực cần thiết phải thực thi kiềm chế, tiến hành những bước cụ thể nhằm trở lại hiện trạng như trước, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua những phương thức hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; đặc biệt là UNCLOS. Trong trường hợp nếu thấy hữu ích, các bên cũng có thể tìm kiến hỗ trợ từ phía thứ ba dưới dạng trung giam hay trọng tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi giải quyết những tranh chấp liên quan. EU sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn các tiến trình do khối ASEAN lãnh đạo nhằm tăng cường hơn nữa trật tự thế giới và khu vực dựa trên căn bản luật pháp, củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với những bên thứ ba. EU trông đợi việc đúc kết nhanh chóng, trong một cách thức minh bạch, các vòng đàm phán về COC tại Biển Đông có hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc. Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Dimitrios Papadimoulis, Uỷ viên Thương mại của EU Cecilia Malmstrom, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange… cũng khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, cho rằng các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, vì hoà bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.