Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (WindEurope), tính đến cuối năm 2019, châu Âu có 5.047 turbine điện gió ngoài khơi được kết nối với lưới điện tại 12 quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc phát triển điện gió. Năm ngoái, các trang trại điện gió trên cạn và ngoài khơi của Trung Quốc cho sản lượng điện lần lượt chiếm 44% và 37% thị trường toàn cầu.
Châu Âu đang dẫn đầu đuổi theo Trung Quốc
Theo báo cáo Offshore Wind in Europe – Key trends and statistics 2019 của WindEurope, trong năm 2019, 502 turbine điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt tại 10 trang trại điện gió đã được kết nối với mạng lưới điện ở châu Âu. Những turbine điện gió mới này, với tổng công suất gần 3,6 GW, được lắp đặt tại 5 quốc gia: Anh (252 turbine, 1.764 MW), Đức (160 turbine, 1.111MW), Đan Mạch (45 turbine, 374 MW), Bỉ (44 turbine, 370 MW) và Bồ Đào Nha (1 turbine 8 MW). Hà Lan cũng bắt đầu xây dựng các trang trại điện gió Borssele 3 và 4, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.
Tính đến cuối năm 2019, những turbine mới lắp đặt đã nâng tổng số turbine điện gió ngoài khơi ở châu Âu lên 5.047 với tổng công suất 22,1 GW. WindEurope cho biết, hiện có 110 trang trại điện gió ngoài khơi đang hoạt động tại 12 quốc gia châu Âu. Anh và Đức lần lượt chiếm 44% và 34% tổng số turbine điện gió ngoài khơi ở châu Âu. Pháp hiện chỉ có một trang trại điện gió ngoài khơi kết nối với mạng lưới điện (Floatgen 2 MW). Trong những năm tới, Pháp sẽ đưa vào hoạt động 4 trang trại điện gió ngoài khơi mới (EolMed, Provence Grand Large, EFGL, Eoliennes Flottantes de Groix).
Báo cáo cho biết, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp 2% tổng lượng điện tiêu thụ ở châu Âu. Hệ số tải điện gió ngoài khơi ở châu Âu tăng nhẹ vào năm 2019 (38% so với 37% vào năm 2018). Năm 2019, công suất trung bình của một turbine điện gió ngoài khơi ở châu Âu là 7,8 MW, cao hơn 1 MW so với năm 2018. Kể từ năm 2014, công suất trung bình của mỗi turbine điện gió ngoài khơi đã tăng trung bình 16%/năm. V164 của MHI Vestas với công suất 8,4 MW là turbine điện gió mạnh nhất được kết nối lưới điện trong năm 2019. WindEurope cũng cho biết, nguyên mẫu turbine điện gió GE Haliade-X với công suất 12 MW đã được lắp ráp và bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tại cảng Rotterdam.
Hiện Siemens Gamesa và MHI Vestas đã cung cấp 90% lượng turbine điện gió mới được kết nối với lưới điện ở châu Âu trong năm 2019 (Siemens Gamesa chiếm 62%, MHI Vestas chiếm 28%). Tập đoàn Ørsted của Đan Mạch là nhà điều hành lớn nhất các trang trại điện gió ngoài khơi ở châu Âu (chiếm 16% tính đến cuối năm 2019), vượt RWE (12%), Vattenfall và Macquarie Capital (7%). Các trang trại điện gió ngoài khơi đang tiếp tục được phát triển, công suất trung bình của các trang trại điện gió mới đang được xây dựng đã tăng gần gấp đôi so với cách đây 10 năm, trung bình 621 MW năm 2019 so với 313 MW năm 2010). Trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất hiện đang kết nối với lưới điện là Hornsea One ở Anh với công suất lắp đặt 1.218 MW. Bên cạnh đó, những trang trại điện gió ngày càng nằm cách xa bờ biển, ở những vùng nước ngày càng sâu hơn. Những trang trại điện gió được xây dựng trong năm 2019 nằm cách bờ biển trung bình 59 km (so với 35 km vào năm 2018). Turbine điện gió ngoài khơi hiện được lắp đặt tại các khu vực ngày càng có độ sâu hơn (108m ở trang trại Hywind ở Scotland).
Trung Quốc vẫn dẫn đầu
Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc phát triển điện gió. Năm ngoái, các trang trại điện gió trên cạn và ngoài khơi của nước này cho sản lượng điện lần lượt chiếm 44% và 37% thị trường toàn cầu. Trong năm 2016, Trung Quốc công bố Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), trong đó trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới sản xuất năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu cung – cầu năng lượng, xây dựng hệ thống năng lượng hiện đại, an toàn, hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó quy định cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển. Trung Quốc đặt mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái sinh như gió, điện mặt trời, trong đó tập trung xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành “Nguyên tắc thực thi tạm thời quản lý xây dựng khai thác điện gió trên biển”, trong đó quy định khoảng cách từ bờ biển đến các tua bin điện gió ít nhất là khoảng 10km, tại các vùng biển có độ sâu tối thiểu trên 10m và hoàn thành “Phương án xây dựng phát triển điện gió trên toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016”, trong đó đề cập đến 44 dự án, tổng công suất tua bin đạt 10 GW (10.000 MW). Hiện Trung Quốc đang vận hành trang trại điện gió nằm ở phía Đông thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cách bờ biển 43km. Với diện tích 90 km2, trại điện gió Đại Phong có công suất lắp đặt lên tới 302,4 nghìn kW. Tổng cộng 72 tua bin gió dự kiến tạo ra khoảng 870 triệu kWh điện mỗi năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sắp đưa vào sản xuất mẫu turbine gió ngoài khơi lớn nhất tại thành phố Trùng Khánh. Thiết bị, có tên mã là H210-10MW, do công ty năng lượng HZ Windpower thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc phát triển, là loại turbine gió đầu tiên có đường kính cánh quạt lớn hơn 200 m. H210-10MW có công suất thiết kế 10 MW. Khi đi vào hoạt động, mỗi turbine ước tính tạo ra sản lượng điện lên tới 40 triệu kWh mỗi năm, cao gấp đôi các mẫu turbine gió hiện nay. Dự kiến, turbine H210-10MW sẽ được lắp đặt tại các trang trại điện gió ven biển ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông.
Mặc dù trong quy hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu tìm kiếm và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bắt kịp xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc nước này thúc đẩy phát triển điện gió ở Biển Đông lại có những động cơ, mục đích khác, không chỉ đơn thuần là vấn đề năng lượng. Đầu tiên, việc phát triển điện gió hiện nay sẽ tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Theo tờ Asatimes đánh giá, mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hai là, việc Trung Quốc xây dựng các công trình điện gió trên biển là nhằm khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực, giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ, vì hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ba là, việc thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các dự án điện gió được báo chí truyền thông Trung Quốc triệt để sử dụng để tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò của Trung Quốc trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió sẽ góp phần giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội hẳn so với các nước ở Biển Đông.
Việt Nam có tiềm năng, lợi thế
Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió trên biển ở tầng cao 100 m đạt mức rất cao so với thế giới. Tổng công suất tiềm năng tầng 100 m toàn thể 5 khu vực biển Việt Nam với độ sâu 0-30 m đạt 64.841 GW, khu vực 30 – 60 m là 106.658 GW. Tổng diện tích biển VN từ 0 đến 60 m là (111072+142411=253.483) km2 và công suất là 151.509 GW. Đặc biệt, khu vực Bình Thuận – Cà Mau (0m – 30m, 30m – 60 m) tầng 100m có công suất lần lượt là 26.262 GW và 67.980 GW (tổng bằng 94.242 GW) là vùng có tiềm năng gió cao nhất và hầu như không có bão biển. Các trang trại tuabin gió tại đảo Phú Quý và Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuốc bin 20 năm. Trang trại gió biển Khai Long, Cà Mau đang bắt đầu xây dựng từ tháng 1/2016, với công suất giai đoạn 1 là 100 MW. Trang trại gió biển đóng góp ngân sách cho các địa phương nguồn thu ổn định, mới và rất lớn. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng Chiến lược chính sách phát triển điện gió biển. Các công trình năng lượng gió trên biển Việt Nam nếu được sủ dụng đồng thời các phương án giải pháp kết hợp với các nguồn khác như mặt trời, sóng biển, năng lượng sinh khối, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn, giúp ngăn ngừa xói sạt lở bờ biển và là những điểm tham quan, du lịch học tập tuyệt vời, là mắt thần quan sát biển giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển.