Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCăn cứ quân sự của TQ trên đất Campuchia: Phép thử cho...

Căn cứ quân sự của TQ trên đất Campuchia: Phép thử cho an ninh khu vực

Trung Quốc hiện đang xây dựng một sân bay và cảng ở vùng biển Dara Sakor của Campuchia. Sau khi hoàn thành vào năm 2020, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất ở Campuchia, vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại hiện nay và trong tương lai, nó có thể sẽ được dùng cho mục đích quân sự.

Theo truyền thông Mỹ, Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng 20% bờ biển của Campuchia trong 99 năm thông qua Dự án Dara Sakor. Phía Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở đây và biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự thực tế. Dự kiến, sau khi hoàn thành vào năm 2020, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất ở Campuchia. Ở gần sân bay, Trung Quốc đang xây dựng một cảng đủ sâu để các hạm tàu hải quân neo đậu.

Theo lời giải thích của nhà đầu tư, mục đích xây dựng sân bay chủ yếu là từ việc xem xét đến năng lực không đủ của các sân bay ở Phnom Penh và Siem Reap để tăng cường năng lực bay trực tiếp quốc tế của Campuchia. Tuy nhiên, tờ New York Times đã cáo buộc các công ty Trung Quốc phát triển Dự án Dara Sakor ở Campuchia không chỉ phá hoại môi trường mà còn vì mục đích quân sự. Theo đó, trong tình huống không qua trình tự, thủ tục đấu thầu công khai, Tập đoàn công ty Ưu Liên (Youlian) ở Thiên Tân, Trung Quốc đã có được hợp đồng thuê 99 năm với diện tích đất được thuê lớn gấp ba lần mức được Luật đất đai Campuchia cho phép. Công ty này còn được miễn tiền thuê đất trong 10 năm đầu tiên. Các tài liệu tuyên truyền của Tập đoàn Ưu Liên gọi kế hoạch phát triển này là “dự án đầu tư thành phố ven biển lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”. Các dự án mới của Ưu Liên tại Dara Sakor bao gồm một đường băng dài 3.200 mét và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn.

Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Dave Eastburn cho biết, “Mỹ lo ngại về quy mô xây dựng của đường băng sân bay và các cơ sở cảng được xây dựng ở Dara Sakor. Quy mô này vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại hiện nay và trong tương lai, có thể sẽ được dùng cho mục đích quân sự”; nhấn mạnh “bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm mời quân đội nước ngoài đến đồn trú đều sẽ phá hoại hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh Emily Zeeberg, cho biết Washington “lo ngại bất kỳ bước đi nào của Chính phủ Campuchia nhằm chào đón sự hiện diện quân sự nước ngoài ở Campuchia” cũng sẽ quấy rối nền hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, Tướng Joel B. Vowell, Phó Giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (8/2019) cũng cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự gần căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Căn cứ Ream là một cảng nước sâu đối diện với Vịnh Thái Lan và từ đây có thể trực tiếp tiến vào Biển Đông.

Trái ngược với sự lo ngại và chỉ trích của Mỹ, phía Trung Quốc và Campuchia liên tục đưa ra các tuyên bố phủ nhận kế hoạch trên. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen nói rằng, sân bay và cầu cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng nhiệt đới xa xôi này thành một trung tâm logistics toàn cầu. Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Pay Siphan cho rằng “Campuchia sẽ không có quân đội Trung Quốc, hoàn toàn không có! Những người nói có quân đội nước ngoài đồn trú là bịa đặt”. Bộ Quốc phòng Campuchia cũng phủ nhận những tin liên quan và nhấn mạnh rằng Hiến pháp Campuchia cấm Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở đó. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (24/7/2019) bác bỏ tin nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia; khẳng định “cái gọi là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là không đúng sự thật. Quân đội Trung Quốc và Campuchia luôn tiến hành trao đổi và hợp tác tốt trong các mặt huấn luyện quân sự, đào tạo nhân viên và trang thiết bị hậu cần; sự hợp tác này không nhằm vào bên thứ ba”.

Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đánh giá việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là “cực kỳ nguy hiểm” đối với tình hình khu vực. Ông Sophal Ear, một nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở Los Angeles nhận định “điều này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng không quân trong khu vực và nó sẽ thay đổi toàn bộ quy tắc trò chơi”. Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định thỏa thuận có thể giúp Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và khai thác lợi ích kinh tế phi pháp ở Biển Đông cũng như thách thức các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á; hiện các quan chức Mỹ được cho là đang thảo luận nhằm tìm cách thuyết phục Phnom Penh thay đổi quyết định vì căn cứ sẽ giúp Trung Quốc đóng quân, trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến rất gần các khu vực nhạy cảm ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc tìm cách bao biện cho kế hoạch quân sự của Bắc Kinh. Giáo sư Trương Dục Tài, Đại học Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “Trung Quốc là một quốc gia kiểu phòng ngự chiến lược và thực hiện chiến lược phòng thủ trong phạm vi khu vực; các biện pháp được tiến hành chủ yếu để triển khai chiến lược phòng thủ”; khẳng định “Trung Quốc không có chiến lược nào đe dọa các quốc gia khác, cũng không triển khai chiến lược quân sự tấn công và chưa từng có lịch sử đe dọa các quốc gia khác”; đồng thời cho rằng “Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa quân sự mới là hiện thực và điều cấp bách là nếu không có khả năng đối phó nhất định, e rằng một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn chống lại Trung Quốc và một số nước ở Đông Á sẽ sớm xảy ra”.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các dự án hỗ trợ phát triển và cho vay ở Campuchia thông qua các thỏa thuận song phương cùng sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã tạo nên những thay đổi lớn về kinh tế Campuchia cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Chỉ riêng trong 2 năm vừa qua, Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia thời gian này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này. Thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 5,1 tỷ USD. Hàng hóa của Campuchia xuất sang Trung Quốc hầu hết là nông sản như gạo, khoai mì, hạt điều, dầu cọ, trong khi Campuchia nhập của Trung Quốc xe hơi, xe gắn máy, vật liệu xây dựng, vải, thuốc lá, thuốc trừ sâu. Cũng trong năm 2017, Campuchia nhận được khoảng 4,2 tỷ USD từ Trung Quốc dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ. Đến cuối năm 2017, nợ công của chính phủ Campuchia cộng dồn lại là 9,6 tỷ USD, trong đó 42% là nợ Trung Quốc.

Đáng chú ý, từ 2015 đến nay, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia đã chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực cảng biển. Cụ thể là vào tháng 8/2015 và tháng 3/2016, Trung Quốc đã có hai khoản đầu tư có tính chiến lược vào cơ sơ hạ tầng du lịch kèm cảng biển tại Koh Kong (dự án Thành phố Thất Long) với trị giá 3,8 tỷ USD và tại Sihanoukville (Dự án Golden Silver Gulf) với trị giá 5,7 tỷ USD. Xu hướng này đáng chú ý không chỉ vì số vốn đầu tư lớn, mà còn vì tính tiên phong của nó khi mà trước 2015, Trung Quốc không triển khai bất kỳ dự án cảng biển nào tại Campuchia. Nhờ nguồn lực dồi dào, các dự án mới do Trung Quốc đầu tư sở hữu những cơ hội phát triển vượt trội, tiềm năng trở thành các đầu tàu phát triển của Campuchia. Với 9,5 tỷ USD vốn đầu tư và kiểm soát hơn ¼ diện tích bờ biển của Campuchia trong hai khu vực rộng hơn 33 ngàn hecta, hai cảng biển do Trung Quốc đầu tư tại Sihanoukville và Koh Kong sẽ là hai dự án Cảng nước sâu và Cảng quốc tế mới duy nhất của Campuchia trong giai đoạn sắp tới. Dù đây là các cảng đầu tiên do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia, nhưng lợi thế về nguồn vốn đã giúp hai dự án cảng của Trung Quốc sở hữu tiềm năng phát triển vượt trội so với hai cảng quốc tế hiện tại của Campuchia, cũng như các dự án cảng Campuchia dự kiến phát triển.

RELATED ARTICLES

Tin mới