Lựa chọn thời điểm, hành động quyết đoán, hợp lý, Nga đã “chiếu bí” và từng bước buộc Mỹ và phương Tây có sự thay đổi quan điểm đối với khủng hoảng Syria, theo hướng phải tính đến lợi ích của Nga.
Tổng thống Nga đưa ra quyết định can dự ở thời điểm “không thể hợp lý hơn”. Đó là khi nội bộ chính giới Mỹ xuất hiện rạn nứt về chiến lược đối với Syria, nhất là khi kế hoạch trợ giúp vũ khí, trang bị, huấn luyện cho “lực lượng chống đối ôn hòa” không thu được kết quả đáng kể nào; không đẩy lui được khủng bố IS.
Cùng lúc, châu Âu phải vật lộn với khủng hoảng người di cư ở mức độ chưa từng thấy, mà nguyên do chủ yếu là tình hình nội chiến, bất ổn tại Syria, Lybia, Yemen… Khủng hoảng ở Ukraine dần lắng dịu, theo hướng có lợi cho Nga khi chính quyền Kiev phải tính đến công nhận, trao quyền tự quản lớn hơn cho Donbass.
Nga không giấu giếm việc hỗ trợ vũ khí, trang bị, trợ giúp huấn luyện quân sự cho quân đội Syria. Nhưng mục đích thực sự là gì và tầm mức can dự đến đâu là điều mà Moskva không nói, nhưng Mỹ và phương Tây phải dè chừng, ngầm hiểu. Do các lực lượng thánh chiến tại Syria sở hữu một lượng lớn hệ thống tên lửa vác vai (MANPAD), khả năng Nga phát động các chiến dịch không kích quy mô dưới danh nghĩa đại diện cho ông Assad là không lớn.
Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu Nga ở Syria được xem là “đòn gió”, làm phá sản kế hoạch của Washington về thiết lập vùng cấm bay ở miền bắc Syria, tạo thế trận để buộc phương Tây phải xem xét lại chính sách đối với Damascus. Chính ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thừa nhận, can dự quân sự của Moskva hiện mới chỉ dừng ở mục đích bảo vệ các cơ sở tại Tartus và Latkatia.
Nga rất thận trọng với ý tưởng đưa quân can dự trực tiếp tại Syria, vì việc triển khai binh sĩ quy mô lớn, xa cách về mặt địa lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà Moskva hơn ai hết là người “từng trải” rõ nhất trong các chiến dịch can dự ở Afghanistan, tiêu diệt các phần tử khủng bố Hồi giáo Chechnya. Hơn nữa, Nga cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần để duy trì lực lượng bộ binh ở Syria.
Việc Nga tuyên bố sẵn sàng xem xét gửi quân đến Syria một khi Damascus yêu cầu không có nghĩa là Moskva “hứng khởi” đưa binh sĩ tham chiến cùng quân đội của ông Assad. Can dự “có giới hạn” của điện Kremlin nhằm phá sản kế hoạch của Mỹ và đồng minh hơn là duy trì cam kết với Damascus. Ở trong nước, ông Putin qua đây muốn chứng tỏ rằng trong tình cảnh gặp khó khăn trước bao vây, cấm vận, Nga vẫn có vị thế vượt trên một cường quốc khu vực.
Lời nói và hành động quyết đoán, mau lẹ đã tạo cho Nga ưu thế trước Mỹ. Mosvka đã đẩy Washington tới chỗ buộc phải nối lại kênh tham vấn quân sự vốn bị ngưng trệ trong suốt hơn 2 năm qua. Tiến trình tiếp xúc đã được khởi động, mà điểm mấu chốt nhất nằm ở chỗ Mỹ phải chấp nhận “nói chuyện” với Nga ở vị thế bình đẳng.
Tạo ra sự chuyển biến nhanh chóng trên chiến trường Syria, Nga đã tạo ra hình thế về “sự đã rồi”. Ngay cả khi lực lượng trung thành với ông Assad bị đẩy lui, phương Tây khi đó vẫn phải tính đến sự hiện diện lâu dài của Nga ở Syria.
Nga gấp rút nâng cấp Taruts thành căn cứ hải quân quy mô lớn. (Ảnh: DM)
Nga giờ có thể tạm hài lòng với thành quả có được. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Galitov ngày 22/9 nhìn nhận dường như Mỹ và các đồng minh phương Tây đã có sự dịch chuyển quan điểm trong vấn đề Syria. “Tiền đề (việc ông Assad thoái lui) vẫn nằm trong kế hoạch chiến lược của Mỹ.
Nhưng về mặt chiến thuật, Washington đang cố tìm kiếm các bước đi dựa trên cách nhìn nhận có thay đổi về một giải pháp chính trị mà điểm khởi đầu là nối lại đối thoại chính trị giữa các bên có liên quan tới Syria”, ông Galitov bày tỏ.
Trong một diễn biến mới nhất, đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc Bashar al-Jaafari cho biết, có dấu hiệu về sự thay đổi “không thể khác được” trong cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với khủng hoảng Syria mà nguyên do cốt yếu nhất xuất phát từ việc quân đội trung thành với Tổng thống Assad đứng vững trên chiến trường và Damascus đã thực thi một giải pháp ngoại giao khôn khéo.
Chính phủ và người dân Syria không bao giờ chấp nhận một giải pháp do bên ngoài áp đặt; Damascus sẵn sàng tham gia Hội nghị “Geneva 3” một khi các bên có thiện chí – ông al-Jaafari phát biểu trên kênh truyền hình al-Mayadeen (Lebanon) ngày 23/9.