Thiệt hại kinh tế nặng nề buộc Trung Quốc phải xem xét nới lỏng lệnh phong tỏa, nhưng điều đó có thể hủy hoại nỗ lực chống dịch Covid-19.
Không khí căng thẳng tại Trung Quốc gần đây hạ nhiệt đáng kể khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch Covid-19 ở nước này đã đạt đỉnh từ ngày 23/1 đến 2/2, số ca bệnh đang giảm dần và nhiều tỉnh không có thêm ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp. Trung Quốc hôm nay ghi nhận 29 ca tử vong do nCoV, thấp nhất trong một tháng qua.
Dù số ca tử vong đã chạm mức 2.800 người, những tín hiệu khả quan khiến nhiều người tin tưởng nCoV đã được kiểm soát tại Trung Quốc. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp và một số quan chức địa phương đang tích cực kêu gọi điều chỉnh quy định kiểm dịch, nhằm tạo điều kiện mở cửa lại nhà máy, cũng như đưa nhân công và nguồn cung ứng trở lại trước khi tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn ngập ngừng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra cho họ nhiệm vụ dường như bất khả thi: vừa duy trì các biện pháp phòng chống nCoV, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Những mục tiêu dường như mâu thuẫn này được cho là nguyên nhân dẫn đến phản ứng lộn xộn tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19. Chính quyền thành phố hôm 24/2 thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép những người khỏe mạnh hoặc có lý do đặc biệt rời thành phố.
Tuy nhiên, quyết định này được rút lại chỉ vài giờ sau đó. Chính quyền Vũ Hán cho biết thông báo trên được ban hành mà không nhận được sự chấp thuận từ “các lãnh đạo chủ chốt” của thành phố, nên “hoàn toàn vô giá trị” và những người có liên quan đã bị “xử lý nghiêm khắc”.
Nhiều thành phố khác, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, cũng thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển trong những tuần gần đây, sau khi xuất hiện thêm ca nhiễm nCoV trong lúc họ thử nghiệm một số động thái nới lỏng phong tỏa.
Ngay cả những phát biểu của ông Tập dường như cũng không nhất quán. Chủ tịch Trung Quốc từng yêu cầu chính quyền thúc đẩy “cuộc chiến của nhân dân” chống lại dịch Covid-19, nhưng sau đó vẫn kêu gọi hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế. Giới chức cho biết để đạt được điều này, Trung Quốc cần tăng trưởng ít nhất 5,5% trong năm nay.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập cho hay tác động của dịch Covid-19 với kinh tế Trung Quốc chỉ là “tạm thời”, nói thêm rằng họ “vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng”, Xinhua đưa tin.
Bất chấp sự tự tin của ông Tập, nền kinh tế Trung Quốc bị đánh giá đang suy yếu nhanh chóng. Hàng loạt nhà máy vẫn đóng cửa từ Tết Nguyên đán, tiêu dùng và đầu tư lao dốc. Trong khi Trung Quốc hoãn công bố dữ liệu kinh tế cho tới giữa tháng 3, những chỉ số khác cho thấy nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn lớn.
Mức tiêu thụ than trung bình tại các công ty điện lực Trung Quốc thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết, thêm rằng doanh số bán căn hộ chỉ bằng 1/4 mức bình thường và nhu cầu thép tương đương khoảng 50% so với chỉ số ba năm qua.
Dựa trên dữ liệu di chuyển của công ty Baidu, tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura ước tính mới chỉ hơn 1/3 số người Trung Quốc quay lại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến sau dịp Tết Nguyên đán, trong khi vào thời điểm này năm ngoái, hầu như tất cả đều đã có mặt để làm việc. Người di cư chiếm khoảng 40% lực lượng lao động của Trung Quốc và các nhà máy khó nối lại sản xuất nếu thiếu họ.
Với việc hơn 780 triệu người, tương đương khoảng một nửa dân số, đang bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức nhằm ngăn nCoV lây lan, một số lĩnh vực kinh tế tại Trung Quốc đang “kêu cứu” khẩn cấp.
“Chúng tôi phải đóng cửa gần như toàn bộ văn phòng bất động sản một cách chóng vánh. Mọi hoạt động giao dịch cũng dừng lại”, Hiệp hội Bất động sản tỉnh Giang Tây viết trong lá thư gửi chính quyền địa phương. Các thành viên của hiệp hội, bao gồm nhiều doanh nghiệp tư nhân, “phải đối mặt với áp lực tài chính lớn và đang khó duy trì kinh doanh”.
Tập đoàn thép Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, cảnh báo lợi nhuận quý đầu tiên của họ sẽ giảm tới 3 tỷ tệ (khoảng 428 triệu USD), tương đương mức giảm 14% so với lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái, do những gián đoạn trong hoạt động sản xuất vì dịch bệnh. “Nhu cầu thị trường giảm và hàng tồn kho đang chất đống nhanh hơn dự kiến”, Zhang Jinggang, phó giám đốc tập đoàn, cho biết hôm 22/2.
“Tuyên bố đó không thể thay đổi được sự thật. Dựa trên mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại kinh tế trong quý đầu tiên, mọi người có thể thấu hiểu và chấp nhận việc hạ thấp các mục tiêu tăng trưởng”, Zhang Anyuan, nhà kinh tế học tại công ty chứng khoán CFC Financial, nêu ý kiến.
Một quan chức giấu tên trong chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết các ngân hàng quốc doanh tại địa phương đang cố gắng giúp một số công ty vượt qua khủng hoảng tiền mặt. “Tuy nhiên, chúng tôi phải hết sức thận trọng trong việc nới lỏng lệnh cấm đi lại và những hạn chế khác. Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về nCoV. Chúng tôi không muốn thấy tất cả nỗ lực bị đổ sông đổ bể”, quan chức nói thêm.
Loạt lệnh phong tỏa khiến nhiều doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động bình thường. Wang Yifeng, chủ một công ty sản xuất vải polyester ở tỉnh Chiết Giang, cho biết hầu hết công nhân của ông đều từ địa phương khác và họ không thể trở lại làm việc do lệnh cấm đi lại tại quê nhà. “Tất cả quản lý đều đang ở đây, nhưng toàn bộ máy móc chưa vận hành”, ông Wang nói.
Ông Tập cho rằng lãnh đạo các tỉnh thành nên quyết định cách thực hiện và cân nhắc khả năng nới lỏng biện pháp phong tỏa dựa trên tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng sự mơ hồ về nCoV khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn.
“Làm sao bạn có thể tuyên bố chiến thắng dịch bệnh nếu nCoV thực sự trở thành cuộc đấu tranh y tế lâu dài thay vì thứ gì đó có khả năng bị tiêu diệt hoàn toàn?” Carl Minzer, giáo sư về luật và chính trị Trung Quốc tại Đại học Fordham, Mỹ, cho hay.
Truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho một phó thị trưởng của Vũ Hán về việc vội vã thông báo nới lỏng phong tỏa trong thành phố khi chưa được cấp trên đồng ý. Với những quan chức Vũ Hán khác, đây là bằng chứng cho thấy áp lực đặt trên vai chính quyền thành phố, khi họ phải đấu tranh để đáp ứng hai mục tiêu song song của ông Tập.
“Dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào? Các nhà máy có thể hoạt động trở lại không? Làm thế nào để cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế?”, cựu quan chức ngân hàng trung ương Wu Ge nói. “Những câu hỏi đó trở thành một loạt vấn đề mâu thuẫn mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải đối mặt”.