Ngày 27/2, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội Pháp đã tổ chức hội thảo quốc tế về tình hình trên Biển Đông, với chủ đề “Biển Đông: Thách thức và thời cơ đối với Pháp và Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, các nhà ngoại giao, nhà báo.
Nội dung chính tại Hội thảo
Hội thảo gồm 2 nội dung chính, được tổ chức làm 2 phiên thảo luận trong buổi sáng và buổi chiều. Phiên thảo luận buổi sáng diễn ra tại trụ sở Quốc hội Pháp. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và các chính trị gia, cũng như những người tham dự, tập trung thảo luận về đề tài “các thách thức địa chiến lược và pháp lý trên Biển Đông đối với các quốc gia ven biển Đông và các cường quốc, giữa căng thẳng và hợp tác”. Phiên thảo luận buổi chiều được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp, tập trung vào các thách thức và tiềm năng kinh tế, sinh thái, khoa học và văn hóa tại Biển Đông. Hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông được tổ chức đồng thời tại cả Thượng viện và Quốc hội Pháp là một sự kiện mang tính chính trị đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của nước Pháp tới tình hình diễn ra trên Biển Đông. Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Stéphanie Do, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt trong Quốc hội Pháp cho biết Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt đặt ưu tiên tập trung triển khai chính sách ngoại giao nghị viện, trong đó các thách thức đặt ra cho cộng đồng quốc tế trên Biển Đông là các thách thức về chính trị, địa chiến lược và pháp lý.
Vai trò, ý nghĩa của Hội thảo
Những buổi hội thảo như trên cho thấy sự quan tâm đặc biệt của dư luận tạ Pháp, trong đó Biển Đông được nước Pháp xác định là trung tâm của một khu vực rộng lớn mà Pháp cũng như một số quốc gia khác sử dụng thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong năm 2019 vừa qua, nước Pháp đã đề ra một chiến lược cụ thể đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó tập trung vào Biển Đông, nơi đang xảy ra nhiều căng thẳng, đe dọa tới quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế.Trong chiến lược này, nước Pháp cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông nhằm góp phần đảm bảo an ninh, đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực biển quốc tế quan trọng này.
Trước đó, Quỹ Gabriel Péri của Pháp hôm 25/2 đã tổ chức một cuộc hội thảo về tình hình Biển Đông tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, với chủ đề “Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm sao để đảm bảo an ninh chung?”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu đến từ các Trung tâm nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, học viên Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông.Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, mọi tranh chấp trên Biển Đông đều cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Biển Đông là khu vực biển quốc tế, quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cần được đảm bảo. Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, các quốc gia có chủ quyền trên biển Đông và tất cả các quốc gia có hoạt động trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cần có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và khai thác bền vững các nguồn hải sản trong khu vực biển này.