Trong những năm gần đây, để đánh lạc hướng dư luận và ngụy biện cho hành động cũng như yêu sách “chủ quyền” phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã huy động lượng lớn chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cũng như giới truyền thông tích cực viết bài vu cáo, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông.
Điểm nhấn mới
Trong chiến lược này của giới cầm quyền Bắc Kinh, việc tuyên truyền nhằm vu cáo, xuyên tạc diễn biến tình hình Biển Đông, cũng như đổ lỗi cho các bên “xâm chiếm”, “gây rối” ở Biển Đông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, giới cầm quyền Trung Quốc cũng muốn thông qua các hoạt động tuyên truyền trên để định hướng dư luận trong nước, tìm cách hướng lái sự chú ý của người dân trước những bất mãn về sự quản lý yếu kém của chính phủ trong một số lĩnh vực. Trong quá trình triển khai chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh có một số điểm nhấn sau:
Đầu tiên, nếu như năm 2014, Trung Quốc lén lút đưa giàn khoan Hài Dương Thạch Du 891 vào vùng EEZ ở ngoài khơi Quảng Ngãi của Việt Nam hòng tạo ra một sự đã rồi để cố biến một vùng không tranh chấp thành một vùng tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, thì năm 2019, hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 08 của Trung Quốc nhằm nhiều mục đích cùng lúc. Năm nay, chiến thuật giả tạo vùng tranh chấp (“vùng xám”) của Trung Quốc ở phía Bắc bãi Tư Chính là hoạt động lợi dụng quy định của UNCLOS-1982 về việc “đi qua không gây hại” của các tàu thuyền phi quân sự trên vùng EEZ của nước khác. Vì vậy, mục tiêu giả tạo một “vùng xám” trong EEZ của Việt Nam vẫn là mục tiêu chính của các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó Trung Quốc còn nhằm nhiều mục tiêu khác với nhiều thủ đoạn tổng hợp tinh vi hơn, quy mô hơn so với trước đây.
Thứ hai, mục tiêu quấy rối, cản trở các hoat động liên doanh khai thác dầu khí của Việt Nam với các đối tác như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc một mặt tung dư luận vu cáo Việt Nam cả trên làn sóng truyền hình, phát thanh và internet toàn cầu. Mặt khác, trên thực địa, Trung Quốc không chỉ quấy rối, cản trở bằng tàu bè mà còn dùng loa phóng thanh công suất lớn gắn trên tàu Hải Dương Địa chất 08và các tàu hải cảnh liên tục phát các cảnh báo về việc các công ty nước ngoài đã “nghe lời xúi giục của Việt Nam” xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Đây là một thủ đoạn mới của Trung Quốc nhằm cản trở và phá hoại các hoạt động thăm dò khai thác của Việt Nam trên EEZ của Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc muốn hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận hai vai trò quốc tế đặc biệt quan trọng, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, từ giữa năm 2018 đến nay, bộ máy truyền thông của Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động tuyên truyền bịa đặt, vu cáo Việt Nam đi đôi với các hoạt động vận động công khai và ngấm ngầm cho chủ thuyết “đường lưỡi bò” vô lý.
Thứ tư, Trung Quốc đẩy mạnh việc tuyên truyền cho cái gọi là “vùng nước lịch sử”, bằng các thủ đoạn mới. Bên cạnh việc huy động bộ máy tuyên truyền công khai tăng dày mật độ thông tin về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc ngấm ngầm đưa nội dung này vào các tài liệu, vật dụng… Nếu như năm 2008, Trung Quốc chỉ đưa bản đồ có hình “đường lưỡi bò” vào góc dưới bên phải màn hình trung các buổi truyền hình Olympic Bắc Kinh và năm 2014, chỉ dám đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu dưới hình thức bóng chìm, hình nền của các trang hộ chiếu thì nay, thủ đoạn này vẫn tiếp tục được thực hiện và hơn thế nữa, đã được Trung Quốc mở rộng ra nhiều hình thức khác. Trong đó có một số ví dụ điển hình như hình “đường luỡi bò” trên các phim hoạt hình mà Trung Quốc hợp tác với điện ảnh Mỹ được lồng ghép một cách tinh vi, khó nhận biết; hình “đường lưỡi bò” được gài trong thiết bị định vị vệ tinh gắn trên các xe của một số hãng ô tô Mỹ và phương Tây sản xuất tại Trung Quốc và một số xe này đã nhập khẩu vào Việt Nam đã bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện;hình ảnh “đường lưỡi bò” được in trên một số thiết bị điện, thiết bị thông tin-tin học, thiết bị gia dụng của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam…
Thứ năm, Trung Quốc làm phân tâm sự chú ý của thế giới đối với những diễn biến phức tạp đang diễn ra tại Hồng Công. Bịa đặt và vu cáo Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông, Trung Quốc muốn hướng sự chú ý của dư luận quốc tế cũng như sự quan tâm của người dân Trung Quốc ra ngoài biên giới, che giấu tình hình bạo loạn ngày một gia tăng ở Hồng Công.
Thứ sáu, mục tiêu này của Trung Quốc sâu xa hơn, đó là gián tiếp phá hoại việc chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, gây nhiễu loạn trong tâm lý người dân Việt Nam, phá hoại uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam để dễ bề thao túng, đặt điều kiện “trịch thượng” đối với Việt Nam trong hoạch định chính sách quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và các quan hệ quốc tế khác của Việt Nam nói chung. Đây cũng là việc đã trở thành quy luật bởi trước thềm các đại hội lần thứ X và XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đều chủ động “gây hấn” tại vùng EEZ của Việt Nam và các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam một cách công khai và trắng trợn đã trực tiếp tạo cớ cho các thế lực phản động thù địch lợi dụng cái vỏ “chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền” để chống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, chống phá chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam, gây mất ổn định nội bộ Việt Nam.
Thứ bảy, Trung Quốc gây sức ép đối với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung để buộc những nước này phải chấp nhận COC có lợi cho Trung Quốc. Nếu không đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ dây dưa trong các cuộc đàm phán về COC và sẽ đổ lỗi cho Việt Nam gây cản trở tiến trình đi đến một COC bình đẳng, công bằng, chia sẻ lợi ích hợp lý phù hợp với công pháp quốc tế. Mục tiêu-thủ đoạn này của Trung Quốc rất giống với thủ đoạn của Mỹ trong đàm phán hòa bình Việt-Mỹ ở Paris (1968-1973) trước khi Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
Thứ tám, Trung Quốc lợi dụng hoạt động thăm dò trái phép của Hải Dương Địa chất 08 trong EEZ của Việt Nam làm bình phong che đậy cho các hoạt động trinh sát điện tử nhằm thăm dò hệ thống phòng thủ biển của Việt Nam. Dĩ nhiên là phía Việt Nam đã biết và đã có các biện pháp đối phó thích hợp, đã vô hiệu hóa các hoạt đông đó của phía Trung Quốc.
Bước thực hiện cũ
Về cơ chế tuyên truyền, để tạo được sự thống nhất trong tuyên truyền từ trung ương xuống địa phương và từ chính phủ đến các bộ ban ngành, hay nói cách khác là cơ chế kép trong tuyên truyền, từ năm 2004, Trung Quốc thực thi cơ chế “ba tầng tin tức” và cơ chế “người phát ngôn”. Cơ chế “ba tầng tin tức” là để chỉ tầng tin tức từ Quốc vụ viện, tầng tin tức từ các bộ ban ngành và tầng tin tức chính quyền địa phương; tương tự như vậy, các bộ ban ngành và các tỉnh thành của Trung Quốc đều thiết lập cơ chế “người phát ngôn” để thống nhất tiếng nói của Đảng. Ban Tin tức Quốc vụ viện là cơ quan hạt nhân nắm giữ vai trò điều phối cơ chế 3 tầng và cơ chế người phát ngôn này. Chính nhờ cơ chế này mà Trung Quốc có sự thống nhất trong tuyên truyền từ Đảng cho đến chính phủ và đến các bộ ban ngành và địa phương, rồi ra đến các cơ quan nghiên cứu, truyền thông, báo chí.
Hiện nay, cách thức tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc rất đa dạng, nhiều cấp độ hướng đến nhiều tầng lớp và bao trùm lên quảng đại người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Để làm được điều đó, Trung Quốc rất kiên trì và nhất quán trên mặt trận thông tin, sẵn sàng đầu tư lớn để kiểm soát các nền tảng truyền thông đại chúng. Về cách làm, Trung Quốc sử dụng nhiều nguồn phát cả chính thức và không chính thức, cả Trung Quốc và quốc tế, thông qua nhiều phương tiện, công cụ khác nhau để kể “câu chuyện của Trung Quốc” cho nhiều đối tượng khác nhau. Có thể kể đến các kênh tuyên truyền sau đây:
Báo, tạp chí nghiên cứu, ấn phẩm in hiện nay vẫn là một trong những kênh tuyên truyền truyền thống phổ biến nhất của Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ trên trang mạng của Thư viện Quốc gia Trung Quốc (NLC), tính đến nay, Trung Quốc đang lưu trữ khoảng hơn 125.188 bài báo viết và báo cáo về Biển Đông; khoảng hơn 1.000 cuốn sách viết về Biển Đông bằng tiếng Trung và khoảng 250 đầu sách bằng tiếng Anh về Biển Đông đã được xuất bản.
Số bài nghiên cứu của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông được đăng trên tạp chí cũng tăng dần qua các năm. Đặc biệt là năm 2016 trong bối cảnh vụ kiện trên Biển Đông mà phần thua thuộc về Trung Quốc, có tới 1.751 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí được cho là “khoa học” khác nhau. Đáng chú ý, Trung Quốc bỏ nhiều tiền để thuê học giả viết bài, mua cổ phần, tiến tới sở hữu các tờ báo có tiếng, mua chuyên mục trên các báo có uy tín… để truyền bá các thông tin mà Trung Quốc mong muốn.
Phát thanh, truyền hình vẫn là một kênh được đầu tư lớn. Hiện nay ở Trung Quốc có 187 đài truyền hình và 2.269 đài phát thanh và truyền hình bao phủ rộng khắp 98,88% cả nước Trung Quốc. Trung Quốc đầu tư lớn đến thiết lập hệ thống truyền hình quốc tế kết hợp TV và radio thành kênh hợp nhất. Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) là đài phát thanh truyền hình phổ biến nhất hiện tuyên truyền về Biển Đông chủ yếu trên kênh CCTV4 – kênh chuyên phát sóng những chương trình truyền hình quốc tế. Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) là kênh phát thanh tuyên truyền đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc cũng được phát thanh vấn đề Biển Đông trên hai kênh FM 101 và FM 102.
Kênh internet, gồm các websites, mạng xã hội như Weibo, Weixin,… cũng trở thành những công cụ tuyên truyền hết sức nhanh chóng và tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân của Trung Quốc. Theo thống kê, hiện nay ở Trung Quốc người dùng di động truy cập tin tức qua Weixin chiếm 35% và qua Weibo chiếm đến 20%. Do đó, việc lan toả tin tức Biển Đông qua những trang mạng xã hội này trở nên phổ biến, không những thế, những ứng dụng mạng xã hội này ở Trung Quốc có quy trình kiểm soát thông tin bên ngoài chặt chẽ do đó tránh được những luồng tin từ nước ngoài lan toả ở Trung Quốc cũng như có sự thống nhất trong luồng thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên truyền về yêu sách Biển Đông thông qua nhiều dạng sản phẩm, hoạt động và sự kiện như thông qua các hội thảo quốc tế, hội chợ du lịch, sự kiện thể thao, thông qua các triển lãm, cuộc thi, các chuyến thăm quan, các tác phẩm phim ảnh, nghệ thuật… Tại các hội thảo trong nước và quốc tế, Trung Quốc vẫn tận dụng vai trò chủ nhà, vai trò nhà tài trợ để định hình chương trình nghị sự, nắm vai trò dẫn dắt để tuyên truyền về Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Các phim ảnh của Trung Quốc như Điệp vụ Biển Đỏ, Abominable là những minh chứng rõ nhất về việc lồng ghép ý đồ chính trị vào các sản phẩm đại chúng.
Dẫn chứng điển hình
Tờ “Tin tức Tham khảo” – một trong những tờ báo lớn của Trung Quốc thường xuyên đăng tải các bài viết của giới học giả Bắc Kinh vu cáo, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông. Trong vụ việc năm 2014, khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, giới nghiên cứu Trung Quốc đã được huy động viết các bài phân tích xuyên tạc và dọa dẫm Việt Nam. Trong đó, bài viết “Học giả: Việt Nam nắm không thỏa đáng chiến lược ‘cân bằng’ sẽ tự chuốc lấy họa”.
Bài viết dẫn lời Cao Ca mang danh “giáo sư” của Đại học dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc kiên trì (quan điểm xuyên tạc, lòe bịp cho hành động xâm lược) cái gọi là Biển Đông “do tổ tiên để lại”, “một tấc không thể để mất”; trong khi đó, ông Cao Ca xuyên tạc rằng, chủ trương của Việt Nam là do thế kỷ trước, thực dân Pháp thống trị Việt Nam từng chiếm lĩnh 9 đảo, đá ở Trường Sa. Lời lẽ của “học giả” mang danh giáo sư của Trung Quốc cho thấy ông ta không cố tình không hiểu lịch sử và xem bản đồ chính thống của Trung Quốc, thích bịa chuyện này nọ, cắt xén lịch sử, tìm cách xuyên tạc đánh lừa dư luận, trong khi một quốc gia luôn coi trọng ghi chép sử sách một cách có hệ thống như Trung Quốc lại chẳng có cuốn sử, bản đồ nào viết, vẽ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của họ.
Theo Cao Ca, một mặt Trung Quốc hiện đã nắm chắc công nghệ khoan dầu khí nước sâu, nên không thể “bị động chống lại, nhẫn nhịn” như trước đây, bởi vì không có hành động (nhảy vào ăn cướp) thì có nghĩa là “ngầm thừa nhận” lãnh thổ, lãnh hải của nước khác; mặt khác, thu nhập từ dầu khí của Việt Nam chiếm 30% tổng thu nhập tài chính của chính phủ Việt Nam, chiếm cao như vậy, Việt Nam sẽ không dừng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông (nên Trung Quốc thèm thuồng, ghen ghét, nhảy vào dọa nạt, ăn cướp). Cao Ca tưởng tượng cho rằng, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương, “tranh chấp biển Trung-Việt” (thực chất là Trung Quốc nhảy vào gây gổ để xâm chiếm, đòi hỏi quyền lợi bất hợp pháp) chỉ có thể rơi vào “cục diện bế tắc có thể quản lý, kiểm soát”, sự phát triển của cục diện này sẽ “tùy thuộc vào sự phát triển sức mạnh quốc gia của Mỹ” – một luận điệu đổ lỗi cho bên thứ ba, trong khi chính Trung Quốc đang tiến hành các hành động giống như cướp biển đảo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cao Ca cho rằng, chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục “làm cho Trung Quốc không thoải mái, nhưng lại chưa đến mức để bạn phải đánh lại”, muốn dùng Việt Nam và Philippines để tiến hành ngăn chặn chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng Mỹ có thể trở thành “chỗ dựa” thực sự của Việt Nam hay không là một dấu hỏi, đặc biệt là Mỹ đã tổn thương lớn nguyên khí trong chiến tranh Afghanistan và Iraq, sức mạnh quốc gia suy giảm, đến năm 2020 dự đoán sức mạnh quốc gia của Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu. Theo suy đoán và xuyên tạc của bài báo, trong nhiều năm qua, Việt Nam giỏi sử dụng thuật “cân bằng nước lớn”, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam “đi trên dây” giữa Trung Quốc và Liên Xô, trong một thời gian từng thực hiện thuận lợi. Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam hoàn toàn không có “phản hồi tích cực” (ý muốn nói Việt Nam phải nhượng bộ hoàn toàn Trung Quốc) với chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” của Trung Quốc (do Trung Quốc luôn đặt điều kiện vô lý: chủ quyền thuộc về Trung Quốc), trái lại, những năm gần đây, Việt Nam tích cực “lôi kéo” các nước Mỹ, Nga, Ấn Độ để gia tăng “thẻ bài chống chọi” với Trung Quốc. Bài viết cho rằng, sau khi xảy ra “đối đầu” giữa tàu thuyền Trung-Việt (thực chất là Trung Quốc cho giàn khoan 981, tàu chiến, máy bay quân sự xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phê phán hành vi khiêu khích đơn phương (bất chấp luật pháp quốc tế) của Trung Quốc. Nhưng, báo Trung Quốc coi đây là Mỹ bênh Việt Nam và kích thích Việt Nam “đối đầu” (chấp pháp) với Trung Quốc.
Không những vậy, nhà nghiên cứu Triệu Minh Long, Viện trưởng Viện nghiên cứu dân tộc, Viện khoa học xã hội Quảng Tây thì tưởng tượng cho rằng, Việt Nam tuy có tâm trạng mâu thuẫn “vừa nương tựa vừa lo sợ” đối với Trung Quốc, nhưng cũng “không dám dựa quá gần” vào Mỹ, để đề phòng Mỹ chuyển “cách mạng màu sắc” vào Việt Nam. Triệu Minh Long muốn “chuyền quả bóng” cho Việt Nam, cho rằng, sự phát triển của tình hình Biển Đông ở mức độ rất lớn sẽ tùy thuộc vào “phương hướng chính sách chiến lược” của Việt Nam, nếu Việt Nam hoàn toàn “ngả” sang Mỹ, dựa vào Mỹ để ép Trung Quốc, “bất chấp lời khuyên thiện chí” (đe dọa và đánh lừa) của Trung Quốc, “khư khư cố chấp chiếm trước, khai thác tài nguyên ở Biển Đông”, “không ngừng tấn công (thực thi pháp luật, yêu cầu TQ rút tàu, giàn khoan, tàu chiến) giàn khoan Trung Quốc” thì “tranh chấp biển và quan hệ Trung-Việt chắc chắn sẽ trầm trọng và xấu đi, cuối cùng Việt Nam cũng có thể tự chuốc họa vào thân”.
Từ những vấn đề trên cho thấy, tuyên truyền của Trung Quốc đa phần là sai trái, cố tính tạo ra quan điểm sai nhưng “ăn sâu vào tiềm thức” của người dân về cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi áp đặt quan điểm đó với nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc lại lấy “cớ” cái gọi là “sự đồng thuận” để thúc đẩy những chính sách quyết đoán, hành động phi pháp trên Biển Đông. Trên hồ sơ Biển Đông, yêu sách hiện nay của Trung Quốc hết sức phi lý và phi pháp, trong khi đó, nước này lại áp dụng những biện pháp thiên về sức mạnh như xây dựng đảo, quân sự hóa, ngoại giao pháo hạm, chủ động gây hấn, ngang ngược triển khai thăm dò dầu khí trong vùng biển của quốc gia khác,… Do đó, dễ hiểu Trung Quốc phải dùng các kênh tuyên truyền để “lu loa” lớn tiếng lấn át sự phản đối của các nước khác và quốc tế.