Trang mạng Hải quân Mỹ (03/3) cho biết Hạm đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đến Biển Đông, với sự tháp tùng của Biên đội tàu khu trục số 23.
Theo trang Navy.mil của hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) Theodore Roosevelt đang thực hiện sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dựa trên hình ảnh từ Hải quân Mỹ, USS Theodore Roosevelt đang di chuyển trong đội hình hộ tống nhiều hơn thường lệ, với ít nhất một tuần dương hạm và 5 tàu khu trục. Tất cả tàu hộ tống đều được trang bị tên lửa dẫn đường, với mỗi tàu mang theo gần 100 tên lửa. Theo phân tích của trang Popular Mechanics, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường bao gồm một hàng không mẫu hạm, một tàu tuần dương và 2 – 3 tàu khu trục. Trong đó, tuần dương hạm đóng vai trò chính trong việc hình thành lá chắn bảo vệ tàu sân bay, đặc biệt xử lý các mối đe dọa trên không. Di chuyển gần đó trong lòng biển là một tàu ngầm tấn công hạt nhân để bảo vệ CSG trước những mối đe dọa dưới nước.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) thuộc lớp Nimitz có độ choán nước toàn tải hơn 117.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu dài khoảng 332 m, có thể mang theo tổng cộng 90 máy bay bao gồm nhiều loại khác nhau. Đặc biệt, USS Theodore Roosevelt cũng được Mỹ dùng để thử nghiệm “siêu máy bay” X-47B là dòng máy bay không người lái vũ trang tối tân chuyên dụng cho tàu sân bay.
Trong khi đó, có thông tin cho rằng hạm đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ cùng đội hộ tống bao gồm một tuần dương hạm và năm khu trục hạm đang thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương, sẽ cập cảng Đà Nẵng từ 5-9/3/2020. Trong chuyến thăm lần này, ngoài biên đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt còn có liên đội máy bay số 11 của Không quân Hải quân Mỹ. Trước đó, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson (16/5/2019) cho biết, Mỹ đang trao đổi, thảo luận với phía Việt Nam về việc tàu sân bay của Mỹ sẽ thăm Việt Nam thời gian tới. Đô đốc John Richardsonnhấn mạnh Mỹ đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam và vai trò của ASEAN đối với hòa bình và ổn định tại khu vực; đồng thời cho biết phía Mỹ “đang làm việc với chính phủ Việt Nam và hy vọng chuyến thăm sẽ sớm diễn ra”, khẳng định hợp tác hải quân là một phần trong “quan hệ đối tác đang lên” giữa hai nước.
Có nhiều ý kiến cho rằng Hạm đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ thăm Việt Nam diễn ra ngay sau khi Tổng thống Philippines cho hay đã chính thức thông báo với Mỹ về khả năng chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA), được ký từ năm 1988. Quyết định này của Philippines làm dấy lên lo ngại của các nước trong khu vực Đông Nam Á về sự thiếu vắng hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong khi Trung Quốc ngày càng lấn lướt. Theo Giáo sư Carl Thayer, Mỹ sẽ đàm phán riêng với Philippines để ngăn chặn việc chấm dứt VFA. Thỏa thuận này cung cấp cơ sở pháp lý cho việc triển khai tạm thời các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines. Tàu sân bay Mỹ và các tàu chiến lớn khác thường xuyên đến Philippines. Nhiều khả năng Việt Nam chấp thuận chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ trước khi có động thái nói trên của Philippines. Nhưng nếu quan hệ với Philippines xấu đi đến mức VFA bị chấm dứt, thì điều này sẽ nâng cao tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ tiếp cận các cảng tại Việt Nam một cách thường xuyên nhằm củng cố sự hiện diện của họ trên Biển Đông. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chính sách cho phép tàu nước ngoài cập cảng mỗi năm. Hoa Kỳ sẽ tăng cường nỗ lực vận động hành lang với Việt Nam để bảo đảm mục tiêu này. Bên cạnh đó, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, trong hàng loạt tài liệu chính sách chiến lược, Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính. Năm 2019, Hoa Kỳ gay gắt hơn, cáo buộc Trung Quốc bắt nạt và đe dọa ở Biển Đông. Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho thấy Mỹ đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược quân sự, bao gồm: hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ, hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom, và tự do hoạt động hàng hải. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ cũng có chính sách lâu dài là tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông, nhằm chứng minh rằng Mỹ sẽ bay và đưa tàu tới khu vực Biển Đông nơi luật pháp quốc tế cho phép. Đây là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc nhằm tìm cách đẩy các quốc gia nước ngoài ra khỏi vùng biển nằm trong đường yêu sách “đường chín đoạn” do họ tự vạch ra.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều tàu hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh của Việt Nam. Trước đó, theo Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, nhiều tàu quân sự của Hải Quân Mỹ đã ghé thăm Khánh Hòa, như tàu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ đã cập cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 5/2018; tàu vận tải đổ bộ USNS Fall River thăm Cam Ranh vào tháng 5/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ do Đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ do thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu đã cập cảng Cam Ranh vào tháng 6/2017; tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ cũng ghé thăm Cam Ranh vào tháng 12/2016; đặc biệt, vào năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm tàu USNS Richard E. Byrd khi neo đậu tại Cam Ranh. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Mỹ (5/2017) đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau cho Cảnh sát biển Việt Nam qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Sau khi được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam, tàu được đổi tên thành CSB 8020. Trong tháng 3/2019, Mỹ cũng đã chuyển giao 6 xuồng cao tốc Metal Shark cho Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam. Động thái trên là một bước tiến quan trọng nữa trong việc mở rộng hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Nó còn thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực thực thi luật hàng hải, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, hợp tác trợ giúp nhân đạo hàng hải trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.