Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên hơn 108.000 người, với ít nhất 27.000 trường hợp ngoài Trung Quốc. Trong khi tình hình khá lên ở một số quốc gia châu Á. Châu Âu và Bắc Mỹ có vẻ tồi tệ hơn.
Đến nay đã có ít nhất 3.821 người đã chết vì Covid-19, đa phần ở Trung Quốc đại lục. Nhưng trong khi cuộc sống ở Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, tình hình ở châu Âu, Trung Đông và Mỹ ngày càng nghiêm trọng.
Chậm lại ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, tổng số người nhiễm Covid-19 đã tiệm cận mốc 7.500, nhưng tốc độ lây lan đang chậm lại sau khi giới chức hoàn tất xét nghiệm cho các thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa.
Hàn Quốc hôm qua báo cáo 96 ca nhiễm mới, thấp hơn nhiều so với con số 248 của hôm trước và các ngày trước đó. Nước này ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Hàn Quốc lên 51, chủ yếu là người già đã mắc sẵn bệnh khác.
Thứ trưởng y tế Hàn Quốc Kim Ganglip cho biết tốc độ lây lan của Covid-19 đang chậm lại, nhưng số ca nhiễm bên ngoài 2 ổ dịch là TP Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đang tăng lên. Ông Kim cũng cảnh báo tình trạng ca bệnh về từ nước ngoài, trong đó có Ý.
Tại Triều Tiên, chưa có ca nhiễm nào được xác nhận chính thức, nhưng giới chuyên gia y tế toàn cầu cảnh báo nước này cực kỳ dễ bị tổn thương do có chung đường biên giới dài với Trung Quốc trong khi năng lực y tế hạn chế.
Báo chí Iran cho biết 16 người ở Ahvaz, miền nam nước này, vừa thiệt mạng vì ngộ độc rượu. Đây là hậu quả của niềm tin rằng rượu có thể giúp diệt Covid-19.
Ông Ismail Najjai, người đứng đầu cơ quan quản lý khủng hoảng Iran, là quan chức mới nhất của nước này nhiễm Covid-19. Hôm qua, Iran có thêm 194 người chết vì Covid-19, tăng so với con số 145 của ngày hôm qua, Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cho biết trên truyền hình. Iran cũng có thêm 743 ca nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 6.566. Iran vẫn là nước có dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ở Trung Đông.
Bao trùm châu Âu
Từ hôm qua, hơn 16 triệu người ở miền bắc Ý phải sống trong cảnh bị phong toả như tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Những vùng khác của Ý cũng bị hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau, trong bối cảnh nước này đã có 7.300 ca nhiễm và 366 trường hợp tử vong.
Toàn bộ vùng Lombardy và 14 tỉnh khác của Ý bị hạn chế nghiêm ngặt, tác động tới tất cả các ngành từ giao thông vận tải, khách sạn, thực phẩm, đồ uống và giải trí.
Sắc lệnh về phong toả miền bắc bị rò rỉ trước đó khiến nhiều người chạy xuống miền nam. Bạo loạn xảy ra ở nhiều nhà tù của nước này sau khi chính quyền áp dụng quy định cấm người thân tù nhân vào thăm. Để hạn chế thiệt hại, chính phủ Ý đang chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là những ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Pháp, số ca nhiễm đã tăng lên hơn 1.100, với ít nhất 19 người tử vong, trong nỗi lo dịch bệnh sẽ phủ kín châu Âu. Đức và Tây Ban Nha cũng đều đã báo cáo hàng trăm ca bệnh.
Mỹ đã có gần 500 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận và 19 trường hợp tử vong. New York và California là 2 bang nghiêm trọng nhất.
Thống đốc nhiều bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có cả Washington DC. Một người dự Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC) tại Maryland, sự kiện có cả Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tham dự, đã được xác định dương tính với Covid-19. Nhưng khi được hỏi có lo lắng sau khi dự sự kiện này, ông Trump khẳng định: “Tôi chẳng lo chút nào”.
Tổng thống Mỹ đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì có vẻ cố hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch bệnh và những hiểm nguy mà nước Mỹ đang đối diện, cũng như lan truyền nhiều thuyết âm mưu như báo chí đang nói vống lên về Covid-19 để hạ uy tín của chính quyền.
Nhưng 2 lập luận chủ chốt của ông để thuyết phục cử tri đã bị Covid-19 tác động: thị trường chứng khoán lao dốc và các buổi tập trung nghe diễn thuyết bầu cử.
Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc, hôm qua dự báo rằng Covid-19 sẽ lây lan khắp thế giới ít nhất đến tháng 6 năm nay.