Nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại của ông Putin sẽ kết thúc vào năm 2024. Những thay đổi mới ở nước Nga sẽ mở đường cho ông cầm quyền đến năm 2036.
Thay đổi lớn đối với Hiến pháp Nga liên quan nhiệm kỳ Tổng thống
Hôm 10/3/2020, Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) đề xuất sửa đổi hiến pháp, theo đó giới hạn nhiệm kỳ tổng thống của nước này sẽ gỡ bỏ, cho phép đương kim Tổng thống Nga Putin có thể ra ứng cử tổng thống vào năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống hiện nay của ông kết thúc. Hôm 11/3, sau 3 lần bỏ phiếu, đề xuất này đã được Hạ viện Nga chính thức thông qua.
Đề xuất dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đã nhận được sự hưởng ứng khi Đại biểu Duma Quốc gia Valentina Tereshkova giới thiệu về đề xuất này. Theo đó Putin có thể ra ứng cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa (với tổng thời gian là 12 năm), và nếu tái đắc cử 2 lần nữa, ông có thể nắm quyền đến năm 2036.
Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin tất nhiên ủng hộ ý tưởng này.
Nghị sĩ Duma Quốc gia Tereshkova nói thẳng: “Tôi đề xuất rằng chúng ta hoặc dỡ bỏ giới hạn về số nhiệm kỳ tổng thống hoặc nêu trong phần trình bày về dự luật này rằng tổng thống sắp hết nhiệm kỳ, như bao công dân khác, có quyền ứng cử lần nữa sau khi hiến pháp mới có hiệu lực”.
Quốc hội Nga dành 90 phút để gọi điện cho ông Putin và hỏi ý kiến của ông về việc này. Và sau đó Putin đích thân xuất hiện tại Quốc hội Nga.
Putin nói rằng ông chống lại việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nếu Tòa án Hiến pháp Nga cho rằng việc sửa lại giới hạn này là hợp pháp thì việc sửa đổi đó và các đề xuất thay đổi hiến pháp khác có thể được thông qua trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 22/4.
Trong chuyến thăm gần đây (hôm 6/3) tới thành phố Ivanovo, cách Moscow 241km, Putin bác bỏ ý tưởng cũ về việc phân quyền. Ông nói: “Có một số gợi ý trao cho Hội đồng Nhà nước một số quyền đặc biệt và để cho tôi làm người đứng đầu hội đồng đó. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó tương đương với 2 chế độ quyền lực trong đất nước chúng ta. Tình hình đó là nguy hiểm chết người đối với nước Nga”.
Và hôm 10/3, Putin cho rằng việc trao cho Hội đồng An ninh hay Hội đồng Nhà nước – các cơ quan vốn không được dân bầu, những quyền lực lớn lao liên quan tới chế độ tổng thống là sai, không thể chấp nhận được, thậm chí còn nguy hiểm.
Vẫn gây bất ngờ
Thực ra nhiều người đã nhận định ông Putin sẽ không lặng lẽ rút khỏi chính trường vào năm 2024. Nhưng sự kiện vừa qua vẫn là một bất ngờ.
Tổng thống Putin vừa giới thiệu một loạt cải cách hiến pháp vào tháng 1/2020 – nhằm dọn đường cho ông rút lui khỏi vị trí tổng thống và gây ảnh hưởng theo một cách khác.
Nhưng vào hôm 10/3 này, ông lại có dấu hiệu gạt bỏ đáng kể ý tưởng đó và hướng tới lộ trình trực diện hơn: tiếp tục làm tổng thống thêm ít nhất một nhiệm kỳ nữa.
David Szakonyi, một chuyên gia về Nga tại Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng động thái này khiến nhiều người bất ngờ, nhất là khi việc sửa đổi đã được đề xuất với tốc độ nhanh và ông Putin đã đồng thuận ngay. Như vậy diễn biến mới là khác biệt đáng kể với các đề xuất do chính ông đưa ra vào hồi tháng 1.
Ông Szakonyi nói: “Với những diễn biến hôm nay thì thực sự khó hiểu về động thái của Putin hồi tháng 1 liên quan đến hiến pháp”.
Đại biểu Duma Quốc gia Tereshkova phát biểu ở Moscow hôm 10/3/2020, đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga. Ảnh: Reuters. |
Khéo léo thể hiện việc ủng hộ thay đổi Hiến pháp
Bề ngoài ông Putin tỏ ra không đồng ý với ý tưởng loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Song vấn đề không đơn giản như vậy. Ở một góc độ nào đó, ông lại đồng tình với ý tưởng này.
Trước các nhà lập pháp Nga vào hôm 10/3, ông Putin phát biểu như sau: “Khi một đất nước đang trải qua những biến cố lớn và những khó khăn, thì sự ổn định có thể là điều quan trọng hơn và nên được ưu tiên”.
Tổng thống Putin nói tiếp: “Về dài hạn, xã hội phải có những bảo đảm cho sự thay đổi quyền lực thường xuyên. Đây là lý do vì sao tôi không tin rằng việc xóa bỏ giới hạn về số nhiệm kỳ tổng thống khỏi Hiến pháp là một điều ổn thỏa”.
Nói cách khác, việc xóa bỏ nhiệm kỳ không phải lúc nào cũng là ý tưởng hay, nhưng ở thời điểm hiện tại có thể là ý tưởng tốt cho nước Nga.
Tổng thống Putin nói: “Tôi không nghi ngờ gì rằng sẽ đến một ngày mà quyền lực tối cao, của tổng thống ở Nga sẽ không bị gắn chặt quá mức với một cá nhân cụ thể nào đó”.
Tất nhiên ngày đó sẽ là ngày trong tương lai, không phải hiện thời.
Ở đây Tổng thống Nga đang nhấn mạnh rằng mọi thứ đang diễn ra một cách tự nhiên và dân chủ. Ông lưu ý, sự thay đổi Hiến pháp này chỉ đạt được nếu các đề xuất sửa đổi được Tòa án Hiến pháp Nga phê chuẩn, đồng thời được công chúng đồng thuận thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 22/4 tới.
Trong bài phát biểu hôm 10/3, Putin còn nói rằng ông không muốn quay trở lại thời Xô viết.
Nhưng các chuyên gia nhận định cả tòa án và cử tri Nga đều không tạo ra trở ngại đáng kể nào đối với khả năng ông Putin tiếp tục làm tổng thống Nga nhiệm kỳ tới. Ông Putin đã nắm quyền ở nước Nga từ năm 2000 cho tới nay, và việc sửa đổi nói trên có thể giúp ông Putin tại vị tới năm 2036.
Chớp cơ hội thuận lợi
Thời điểm xuất hiện đề xuất sửa đổi Hiến pháp có thể hàm chứa câu trả lời cho các thắc mắc.
Đề xuất này xuất hiện vào thời điểm đồng ruble Nga rớt giá xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua do giá dầu giảm sau sự sụp đổ của thỏa thuận hợp tác giữa Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) – đây là một nhân tố gây bất ổn định và đòi hỏi một chính quyền mạnh, ổn định, và có tính kế thừa để ứng phó lại.
Chính Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko đã nói với các phóng viên trên truyền hình rằng đề xuất đưa ra vào ngày 10/3 (và được thông qua vào ngày 11/3) sẽ giúp “mọi người bình tĩnh lại”.
Ngoài ra, giống như nhiều nước khác, Nga đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và tác động xấu của dịch bệnh này lên nền kinh tế của họ.
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh có nhiều khủng hoảng như thế này, ông Putin có thể có lý do để mở rộng vai trò lãnh đạo của mình như một yếu tố cần thiết cho sự ổn định.
Vẫn trong phát biểu hôm 10/3, ông Putin cho rằng một chế độ tổng thống với quyền lực mạnh, tập trung từ trên xuống là tuyệt đối cần thiết cho nước Nga vào lúc này. Putin sau đó nhắc tới tình hình kinh tế của nước Nga hiện nay và tình hình khó khăn trong các lĩnh vực khác nữa.
Có lẽ đây chính là lý do Putin đã đột ngột từ bỏ cách tiếp cận trước đó (về việc gây ảnh hưởng từ hậu trường).
Maksym Eristavi, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Atlantic, cho rằng cách tiếp cận trước đây của ông Putin là do khi đó chưa có cơ hội nào cho ông cả, còn bây giờ đã xuất hiện thời cơ từ vấn đề giá dầu, dịch bệnh Covid-19 và các cuộc khủng hoảng khác khiến yếu tố bất ổn định tăng lên. Eristavi nhận định Putin là người “rất giỏi chớp cơ hội”.
Có khả năng các đề xuất sửa đổi này sẽ vấp phải ít sự phản đối từ dân chúng, do có lệnh hạn chế tụ tập đông người để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 ở Nga. Còn trên thế giới, dư luận cũng có thể sẽ không chú ý nhiều đến những thay đổi này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành và về nhiều mặt đã vượt qua đại dịch SARS hồi năm 2002-2003