Đài Loan là bên liên quan trực tiếp đến những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.Vì vậy, trong 5 năm qua Chính quyền Đài Bắc đã có nhiều động thái, chính sách trong vấn đề này, nhất là đối với những đòi hỏi chủ quyền của hòn đảo này.
Năm 2015
Tháng 1, Đài Loan nhờ tàu của một công ty vận tải biển của Thượng Hải đến đảo Ba Bình, để vận chuyển vật liệu cho công trình xây dựng một hải cảng trên đảo này do không tìm được công ty của Đài Loan thực hiện. Hai tàu khác của Đài Loan đã giám sát tàu của công ty Trung Quốc khi tàu này bốc dỡ vật liệu xây dựng các cầu tàu trên đảo Ba Bình.
Tháng 5, khi tàu tuần tra Philippines đang kéo tàu ngư dân Đài Loan được cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển của Manila vào bờ thì tàu bảo vệ bờ biển Đài Loan xuất hiện và ngăn cản tàu Philippines. Phía Đài Loan yêu cầu thả người của họ nhưng Philippines từ chối.
Tháng 6, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Đài Loan đã đưa hai tàu tuần duyên lớn nhất với tải trọng 3.000 tấn vào biên chế trong ở Biển Đông. Hai tàu CG-128 Yilan và CG-129 Kaohsiung của Đài Loan có chiều dài 119 m và khối lượng 3.000 tấn. Chúng có thể neo đậu tại một bến cảng mà Đài Loan đang xây dựng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 10, Đài Loan hoàn thành xây dựng đường băng trái phép có chiều dài 1.200 m và một cảng mới trên đảo Ba Bình. Cơ quan Cảnh sát biển đảo Đài Loan khẳng định “đối với các vấn đề liên quan tới đảo Thái Bình, Đài Loan tiếp tục nhấn mạnh vai trò dân sự nhiều hơn quân sự.
Năm 2016
Tháng 1, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã cùng đoàn quan chức đi thị sát trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước. Reuters cho biết, ông Mã Anh Cửu và đoàn quan chức Đài Loan đã bay ra đảo Ba Bình vào sáng 28/1. Chuyến đi trái phép này diễn ra trong một ngày, với mục đích mà phía Đài Loan tuyên bố là để “chúc Tết” quân, dân của Đài Loan đang hoạt động phi pháp trên đảo. Chuyến đi của ông Mã diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng vì các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều bên, bao gồm Mỹ vốn là đồng minh lớn nhất của Đài Loan, đã lên tiếng phản đối kế hoạch ra đảo Ba Bình của ông Mã.
Tháng 3, Tuần duyên Đài Loan bắt 41 ngư dân Trung Quốc đại lục, trên con tàu chở 15 tấn san hô và rùa quý hiếm gần một đảo san hô Đông Sa tranh chấp ở Biển Đông. Cụm đảo Đông Sa là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Quần đảo san hô này nằm ở đông bắc Biển Đông, cách cảng Cao Hùng của Đài Loan khoảng 240 hải lý, hiện do Đài Loan kiểm soát. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Tháng 4, Chính quyền đảo Đài Loan tổ chức chuyến đi trái phép dành cho các học giả quốc tế đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tuyên bố chuyến đi “nhằm khẳng định đảo Ba Bình là một hòn đảo, không phải bãi đá”.
Tháng 6, Đài Loan đã cử một tàu chiến thực hiện cuộc tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà chính quyền này đang chiếm đóng phi pháp. Trước khi tàu chiến khởi hành, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm và phát biểu trước các thủy thủ ở đây. Bà Thái ngang nhiên chỉ đạo lực lượng này “bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan” ở Biển Đông cùng cái gọi là “chủ quyền Đài Loan” ở quần đảo Trường Sa.
Tháng 7, phản ứng trước việc Tọa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết phán quyết về vụ kiện Biển Đông, đặc biệt là kết luận về đảo Ba Bình, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của Đài Loan ở các đảo tại Biển Đông và vùng nước xung quanh. Nữ lãnh đạo Đài Loan khẳng định quan điểm của chính quyền này là “ủng hộ giải quyết các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các quốc gia khác thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở bình đẳng”.
Tháng 12, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm khôi phục sự kiểm soát của Đài Loan đối với Đảo Ba Bình ở Biển Đông. Cùng với Đài Loan, Trung Quốc cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm chiếm đóng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) ở Biển Đông, khẳng định “yêu sách” chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.
Năm 2017
(1) Tháng 3, Lực lượng hải quân Đài Loan sẽ tăng cường hoạt động tuần tra thường xuyên trên Biển Đông, liên kết huấn luyện với không quân để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan phát biểu trước Viện Lập pháp Đài Loan: “Trước sự chuyển đổi trong chiến lược của Trung Quốc và những đầu tư của họ cho vũ khí trang bị mới, quân đội chúng ta sẽ phải có những bước cải cách trong huấn luyện. Hải quân ngoài việc thường xuyên tuần tra trên Biển Đông, sẽ phải kết hợp huấn luyện cùng lực lượng không quân trong việc bảo vệ ngư dân, tàu thuyền hàng hải, cứu hộ nhân đạo, mở rộng khả năng sẵn sàng chiến đấu và tuần tra trên không, trên biển”
(2) Tháng 4, Quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo tờ Apple Daily, Bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển. Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không 40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.
(3) Tháng 7, Lực lượng quân sự Đài Loan diễn tập trên không và trên biển ngoài khơi Bành Hồ ngay khi đội tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan. Tổng tham mưu trưởng Lý Hỷ Minh đã giám sát các cuộc diễn tập với sự tham gia của 7 tàu chiến, trực thăng chống tàu ngầm S-70C và máy bay P-3C.
(5) Tháng 8, Chính quyền Đài Loan lên tiếng tái khẳng định chủ quyền của họ trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, sau khi Việt Nam phản đối Đài Bắc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo này. Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho rằng là đảo Thái Bình (tên Đài Loan gọi đảo Ba Bình ) là một phần lãnh thổ quốc gia và Đài Bắc hoàn toàn có quyền tiến thành các cuộc tập trận thường xuyên trên đảo này. Thông cáo của họ còn cho rằng Trung Hoa Dân Quốc có chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh những đảo này.
Năm 2018
(1) Tháng 1, Viện Nghiên cứu Nam Hải và Trung tâm An ninh Đại học Chính trị Đài Loan công bố “Báo cáo về tình hình khu vực Biển Đông năm 2016 – 2017”, trong đó chỉ trích phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) và cảnh báo Chính quyền Đài Loan cần có thái độ tích cực hơn để duy trì lợi ích chung giữa Hai bờ.
(2) Từ ngày 15-19/3, Đài Loan đã đưa tàu nghiên cứu Hải Nghiên 1 đến hoạt động tại các đảo Gạc Ma, Tiên Nữ và Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa.
(3) Đài Loan đã 3 lần tổ chức tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, huấn luyện thực chiến của hải quân, lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21-23/3, lần thứ hai diễn ra từ ngày 6-7/5, lần thứ ba diễn ra từ ngày 23-25/5.
(4) Ngày 17/7, Quốc hội Đài Loan thông qua kế hoạch phát triển đội tàu của Cục Tuần duyên Đài Loantrong 10 năm (2018-2028), với kinh phí 13,86 tỷ USD. Theo đó, lực lượng này sẽ được biên chế thêm 141 tàu thuyền các loại.
(5) Tháng 12/2018, Cục cảnh sát biển Đài Loan đã thiết lập hệ thống theo dõi hình ảnh bằng tia hồng ngoại tại 10 địa điểm quanh Đài Loan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Hệ thống này hoạt động 24/24, có thể phát hiện các mục tiêu vào ban đêm và khi thời tiết xấu.
Năm 2019
(1) Tháng 1, khi được hãng tin Telegraph hỏi quan điểm của Đài Loan về sự hiện diện của Anh ở khu vực, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết Đài Loan hoan nghênh “bất kỳ hành động nào giúp duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như duy trì quyền tự do đi lại. Nếu căn cứ của Anh giúp đạt được mục tiêu cuối cùng thì chúng tôi sẽ có thái độ cởi mở đối với nó và chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia có thể hợp tác chặt chẽ trên Biển Đông trước mọi vấn đề và tôn trọng lập trường của nhau”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson thông báo nước này có kế hoạch mở một căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á.
(2) Tháng 2, Đài Loan tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
(3) Tháng 4, phản ứng trước việc Pháp cử tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố vùng eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc nằm trên các hải tuyến quốc tế quan trọng, và “điều cần thiết” là tàu bè của tất cả các quốc gia đều di chuyển qua eo biển này. Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ tiếp tục theo dõi động thái của các tàu nước ngoài trong khu vực.
(4) Tháng 6, tàu sân bay Liêu Ninh đi cùng 5 tàu khác, bao gồm 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và 2 tàu hộ vệ, khi đi qua eo biển Miyako nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako của Nhật Bản trong hành trình tiến vào Thái Bình Dương. Cơ quan thông tấn Đài Loan cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh có thể sẽ tiến vào các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết “Lực lượng phòng vệ có thể thực hiện tất cả các biện pháp tình báo cần thiết để nắm toàn bộ thông tin về hoạt động của nhóm tàu Liêu Ninh, gồm các tàu và máy bay, trong suốt hành trình tại các khu vực liên quan. Lực lượng phòng vệ đủ khả năng bảo vệ Đài Loan, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
(5) Tháng 8, phản ứng trước việc máy bay vận tải chở dầu MC-130J Commando và máy bay trinh sát US RC-135W của Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, Đài Bắc cho biết đây là hoạt động bình thường, không nguy hại. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục gia tăng khi Mỹ thông qua hàng loạt dự luật ủng hộ Đài Loan và điều các tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển đi qua eo biển Đài Loan nhiều lần trong năm nay. Dù phần trung tâm của eo biển Đài Loan rộng 200km là vùng biển và không phận quốc tế, Bắc Kinh thường phản ứng khi Mỹ hay bất kỳ tàu hải quân phương Tây nào đi ngang qua.
Năm 2020
Tháng 1, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, ông Kwei-Bo Huang, Đại diện Quốc dân đảng trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của đảng này đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông sẽ không được giải quyết nếu không có sự tham gia của Đài Loan. Bất kỳ sự phân chia chủ quyền giữa hai bên eo biển Đài Loan, thì cũng cần Đài Loan tham gia.
Tháng 2, Đài Bắc thông báo đã điều động chiến đấu cơ phản lực để ngăn chặn sau khi máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không Đài Loan. Đây là vụ xâm nhập đầu tiên kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử vào tháng 1/2020. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc và phi cơ tháp tùng đã bay ngang qua lằn ranh trên eo biển Đài Loan phân chia không phận giữa hai bên. Chiếc máy bay này đã bay trở lại không phận Trung Quốc sau khi các chiến đấu cơ phản lực của Đài Loan cất cánh để thi hành các biện pháp ngăn chặn và cảnh báo.