Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 16/3 đã đề xuất đóng cửa toàn khối và cấm người nước ngoài nhập cảnh trong 30 ngày để chiến đấu với đại dịch Covid-19.
“Càng đi lại hạn chế thì chúng ta càng có thể kiểm soát virus. Vì vậy, tôi đề xuất người đứng đầu các quốc gia và chính phủ đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại tạm thời đối với các hoạt động đi lại không cần thiết tới Liên min châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong một tuyên bố trên video được chia sẻ trên Twitter ngày 16/3.
“Các hạn chế đi lại này có thể được áp dụng trong thời gian đầu là 30 ngày, nhưng cũng có thể được kéo dài hơn nếu cần thiết”, bà cho biết thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch châu Âu cũng đề cập tới các trường hợp ngoại lệ, bao gồm những người sống ở khối EU lâu năm, thành viên của các công dân châu Âu, các nhà ngoại giao, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19.
Một quan chức EU cho biết lệnh cấm có thể được áp dụng với hơn 30 quốc gia – tất cả các nước thành viên EU ngoại trừ Ireland, cũng như 4 quốc gia không thuộc khối EU vốn cùng tham gia với khối này trong khu vực Schengen.
“Ireland và Anh được khuyến khích tham gia”, quan chức trên nói. Ireland không phải là một thành viên của khối Schengen, còn Anh đã rời EU hồi tháng 1.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về đề xuất phong tỏa trên trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 17/3.
Cho tới nay, EU đã gặp khó khăn trong việc đưa ra một biện pháp thống nhất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này và một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới đơn phương.
“Ủy ban cho rằng việc thống nhất đề xuất trên sẽ khiến các biện pháp hạn chế trong nội khối Schengen không còn cần thiết nữa”, một quan chức EU thứ hai nói với Reuters.
Một quan chức EU khác cho hay, khối này đang cố gắng thúc đẩy sáng kiến trên, sau khi dịch Covid-19 gây những bất đồng giữa các thành viên trong khối.
“Chúng tôi biết rằng mối đe dọa đã ở bên trong chứ không còn đến từ bên ngoài nữa. Vì vậy đó là một thông điệp chính trị nhiều hơn”, quan chức giấu tên nói.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia EU đang đối phó với số ca nhiễm mới và tử vong tăng nhanh trong những ngày gần đây. Italia, Pháp, Tây Ban Nha hiện là các điểm nóng của dịch Covid-19, với các ca nhiễm mới tăng chóng mặt mỗi ngày.