Khi một số chính khách và người nổi tiếng trên thế giới gọi virus viêm phổi đang gây nên đại dịch toàn cầu là virus Trung Quốc, chính quyền nước này đã phản ứng rất quyết liệt, có phần làm người ta thấy khó hiểu. Vì sao phải “nhạy cảm” quá mức như vậy?
Nhưng có lẽ cũng có một cách lý giải, để hiểu vì sao chính quyền Trung Quốc cố tránh gắn mình với thứ virus kinh hoàng này. Tác giả Thái Lạp Phủ trên trang Khán Trung Quốc (Secretchina) đã đưa ra một góc nhìn thú vị, cho thấy sự giống nhau không đáng tự hào giữa Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và virus Vũ Hán. Lẽ nào vì vậy mà ĐCSTQ muốn phủ nhận mọi sự liên đới?
Từ ngày 1/1 khi nhà chức trách phỏng vấn 8 bác sĩ bị cáo buộc là ‘sản xuất tin đồn’ đến việc chính thức đóng cửa Vũ Hán vào ngày 23/1, cục diện thay đổi chóng mặt làm người ta kinh sợ. Theo thời gian, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và toàn bộ Trung Quốc thất thủ trong dịch bệnh. Các quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu có người nhiễm dịch, số ca mắc bệnh tăng lên hàng ngày.
Và điều đáng sợ hơn cả chính là đặc tính ẩn núp của virus Vũ Hán. Trong khi lan truyền, nó sử dụng chiến lược ‘che giấu dài hạn’, lợi dụng điều kiện bên ngoài để phát triển. Mặc dù đây là loại virus mới, nhưng các đặc điểm của nó lại cho người ta cảm giác quen thuộc, dường như đã gặp đâu đó rồi. Sự tương đồng ấy liệu có phải ngẫu nhiên, hay tạo hóa đang trêu ngươi để ta phải nhận ra điều gì đó?
Nếu bạn vẫn cho rằng điều này thật bí ẩn khó hiểu, vậy thì hãy cùng so sánh sự tương đồng dưới đây.
Che giấu và tích lũy sức mạnh lâu dài
Sự kiện Tây An 1936 đã giúp ĐCSTQ thoát khỏi vòng diệt vong và trở thành quân đoàn 8 của quân đội quốc gia. Bề ngoài họ ra vẻ chủ trương “cùng đất nước vượt qua quốc nạn”, nhưng trên thực tế lại âm thầm ra lệnh cho các đơn vị cấp cơ sở không được đánh địch, mà phát triển lực lượng một cách bí mật. Chiến lược này được gọi là “che giấu và tích lũy sức mạnh lâu dài”.
Virus viêm phổi Vũ Hán cũng cho thấy đặc trưng của chiến lược này: Thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày, người nhiễm bệnh không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nên có thể vô tình lây nhiễm sang cộng đồng. Điều này gây khó khăn cho việc đề phòng dịch bệnh.
Theo ông Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, thì khả năng kiểm soát virus càng ngày càng nhỏ. Giáo sư Paul Hunter đến từ Học viện Y khoa Norwich thuộc Đại học East Anglia cho biết, nếu viêm phổi Vũ Hán có thể lây lan rộng trong thời kỳ ủ bệnh thì sẽ vô cùng đáng sợ.
Đặc điểm “che giấu và tích lũy sức mạnh lâu dài” của virus corona thực sự là mối đe dọa tiềm tàng. Trong quá trình virus ẩn núp, quy mô và lực lượng sẽ tăng lên đáng kể. Theo các chuyên gia Mỹ, trong vòng 18 tháng virus corona có thể cướp đi sinh mạng của 65 triệu người. Chúng ta hy vọng con số thực tế sẽ nhỏ hơn nhiều so với ước tính, mặc dù nếu chỉ nhỏ bằng một phần mười hoặc một phần trăm thì cũng là một con số khủng khiếp, số người tử vong sẽ là từ 650.000 đến 6,5 triệu người.
Dựa vào ký chủ sản xuất đội ngũ
Virus Vũ Hán là một loại virus RNA, ký sinh trong cơ thể vật chủ, dựa vào vật chất trong đó để tạo ra mọi thứ nó cần như protein, từ đó tạo ra nhiều virus hơn. Dựa vào vật chủ để sinh sôi nảy nở, điểm này rất giống với tình huống ĐCSTQ “ký sinh” trong Quốc Dân Đảng. Nếu Stalin so sánh Quốc Dân Đảng là một “quả chanh”, thì cộng sản quốc tế không ngại vắt kiệt nước và sau đó thuận tay vứt bỏ vỏ.
Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ thực tế về vấn đề này. Ví dụ, trong Văn kiện tuyển chọn về phong trào vận động công nhân của ủy ban trung ương ĐCSTQ có viết: “Chúng ta nên tới làm công nhân trong Quốc Dân Đảng, mượn điều này cải tạo công đoàn của Quốc Dân Đảng thành công đoàn của đấu tranh giai cấp”.
Một ví dụ khác, khi thành lập Học viện Quân sự Hoàng Phố, các thành viên ĐCSTQ như Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Uẩn Đại Anh, Bao Huệ Tăng… đều đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong trường. Họ sử dụng nguồn lực của học viện để phát triển đội ngũ cho tổ chức. Sau khi bắt đầu cuộc viễn chinh phương bắc, ĐCSTQ đã trắng trợn chia rẽ quân đội cách mạng của Quốc Dân Đảng, lấy lực lượng ấy để sử dụng cho riêng mình. Ở Hán Khẩu, Vũ Hán và nhiều nơi khác, ĐCSTQ phát động phong trào công nhân quy mô lớn nhằm cố gắng chiếm đoạt và “nhuộm đỏ” khu vực quản lý của chính phủ Quốc dân.
Nhân lúc cháy nhà đi vơ của, lợi dụng cơ hội phát triển lớn mạnh
Trong 5 lần bị quân đội Quốc Dân bao vây, ĐCSTQ gần như bị tiêu diệt. Sau đó Dương Hổ Thành và Trương Học Lương đã phát động biến cố Tây An, để lại mầm mống cho virus ĐCSTQ lan truyền trong tương lai. Nếu không nhờ cuộc xâm lược của Nhật Bản, ĐCSTQ cũng không thể mượn gió bẻ măng, lợi dụng cơ hội để bành trướng. Cuối năm 1936, ĐCSTQ chỉ còn chưa đầy 20.000 thành viên, tới năm 1945 khi quân Nhật tuyên bố đầu hàng, quân đội chính quy đã lên tới 910.000 người, dân quân hơn 2,2 triệu, lôi cuốn 95,5 triệu dân ở 19 tỉnh.
Nhìn lại quá trình phát triển của dịch viêm phổi Vũ Hán, nếu chính phủ không che giấu khi dịch mới khởi phát ở giai đoạn đầu, rất có thể nó đã sớm bị khoanh vùng và tiêu trừ. Sự vô trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu cùng với việc phong tỏa và kiểm soát dư luận một cách độc tài đã tạo cơ hội cho virus lan truyền. Tình huống ấy cũng giống như việc ĐCSTQ lợi dụng quân Nhật sang xâm lược để che đậy bản thân, từ đó bành trướng ra toàn quốc. Ngày hôm nay virus đã xâm nhập tới các quốc gia với quy mô càng ngày càng rộng lớn, càng ngày càng không thể kiểm soát. Nếu virus có thể nói chuyện, liệu người mà nó muốn cảm ơn nhất có phải là ĐCSTQ hay không?
Kẻ nội ứng và truyền bá siêu việt
Trong quá trình thành lập và phát triển của ĐCSTQ, có một mặt trận vô cùng bí mật gọi là ‘cánh quân thứ năm’, cũng tức là đặc vụ (gián điệp). Số lượng lớn các đặc vụ là lợi thế của ĐCSTQ, nhiều người trong số họ từng giữ vị trí cao trong Quốc Dân Đảng, thâu tóm quyền lực thực sự và không được biết đến trong một thời gian dài.
Ví dụ, Quách Nhữ Quế là trưởng phòng tác chiến bộ quốc phòng. Trong cuộc chiến với Quốc Dân Đảng, Quách không chỉ trực tiếp xây dựng một số kế hoạch chiến đấu, mà còn thực hiện các nhiệm vụ bí mật như lập kế hoạch tấn công vào tỉnh Sơn Đông, sắp xếp lực lượng quân sự của bộ tư lệnh Từ Châu, điều động quân đội ở Đại Biệt Sơn, giải vây tỉnh Duyễn Châu, giải vây Trường Xuân, phòng ngự quân sự sông Trường Giang, triển khai lực lượng quân sự ở Vũ Hán, Thiểm Tây, Cam Túc và Tây Nam… Các kế hoạch này đều được gửi tới ĐCSTQ.
Giống như khả năng nội ứng siêu việt của ĐCSTQ, khả năng lây lan siêu thường của virus Vũ Hán cũng làm người ta kinh sợ. Vào cuối tháng Một, kẻ truyền bá siêu việt này đã khiến 15 nhân viên y tế thuộc bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán mắc bệnh, gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của nó. Kỳ thực, con số thực tế đâu chỉ có 15 nhân viên y tế? Theo giáo sư Michael Osterholm, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Minnesota, thì ngoài 15 nhân viên y tế trên có thể còn có nhiều ca siêu lây lan khác đang truyền bệnh. Số lượng bệnh nhân bị lây nhiễm, dù không được chính quyền tiết lộ, chắc chắn sẽ là con số khiến người ta giật mình.
Ông Lương Trác Vỹ đến từ Đại học Y khoa Hồng Kông cho rằng: “Điều quan trọng là Bộ Y tế cần phát hiện việc lây nhiễm siêu tốc của virus này từ giai đoạn đầu”, “Đây là điều hiếm thấy, nhưng nó có thể gây ra hậu quả thảm khốc”.
Quốc gia đất rộng người đông đang hướng ra thế giới
Dịch viêm phổi ở Vũ Hán có thể lây lan với tốc độ nhanh chóng như vậy, một mặt bởi nó khác với phương thức lây truyền tuyến tính của virus SARS, sự lây truyền bề mặt của nó hiệu quả hơn. Mặt khác, nó đã sử dụng hai bàn đạp để đạt được hiệu ứng mang tính quy mô: Đầu tiên là lợi dụng quy mô và đặc điểm địa lý đặc thù của thành phố Vũ Hán; thứ hai lợi dụng Vũ Hán là nơi dân số đông (14 triệu dân), đất rộng, giao thông hiện đại để ‘lên men’ dịch bệnh trong thành phố, lan tràn ra toàn quốc, kết quả lây lan ra thế giới.
Vũ Hán là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, là trái tim của kỹ nghệ Trung Quốc. Nhìn trên bản đồ, thành phố này nằm ngay giữa trung tâm kỹ nghệ được liên kết với Bắc Kinh – Thiên Tân, Thành Đô – Trùng Khánh, Macao – Hồng Kông, và Thượng Hải. Tỉnh Hồ Bắc có 7 đặc khu kinh tế quan trọng: Khu phát triển kinh tế Hồ Bắc – Kinh Châu – Thành Nam, khu phát triển công nghệ cao Vũ Hán – Đông Hồ, khu phát triển kinh tế công nghệ Vũ Hán, khu chế xuất Vũ Hán, công viên phần mềm, thung lũng quang học, khu phát triển kỹ nghệ Hi-tech Tương Dương. Đặc biệt Vũ Hán có cảng sông hàng đầu và phi trường lớn nhất ở miền trung Trung Quốc.
Điểm này cũng tương tự như thủ đoạn của ĐCSTQ khi lợi dụng dân số đông đúc để bành trướng ra thế giới. Ngay khi ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Hoa, mọi quốc gia Đông Nam Á đều bất an khi nhận ra rằng có một đội quân thứ năm của ĐCSTQ được cài vào nội bộ trong bất cứ quốc gia nào. Đầu những năm 1960, Chu Ân Lai tuyên bố với thế giới rằng Indonesia có nhiều Hoa kiều tới mức có thể thay đổi Đông Nam Á chỉ sau một đêm.
Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu
Người Trung Hoa có câu: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Nếu nói ĐCSTQ là nhân, thì đại dịch viêm phổi Vũ Hán là quả. Bản chất che giấu sự thật của chính quyền Trung Quốc có lẽ là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến những trận đại ôn dịch như thế này. Hơn thế, trong bóng tối bao trùm của lịch sử trăm năm tội ác, chính quyền Trung Quốc đã gây ra quá nhiều nỗi đau cho nhân loại: Đại Cách mạng Văn hoá, Đại Nhảy Vọt, thảm sát Thiên An Môn, đàn áp Phật giáo Tây Tạng, khống chế người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bức hại người tu luyện Pháp Luân Công… Liệu rằng, trận ôn dịch mới nhất lần này có phải là quả báo cho những hành động ấy?