Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSợ bị Mỹ trừng phạt, Indonesia ngừng thỏa thuận mua Su-35 của...

Sợ bị Mỹ trừng phạt, Indonesia ngừng thỏa thuận mua Su-35 của Nga

Sau khi Mỹ cảnh báo có thể sẽ trừng phạt bất kỳ đối tác nào mua bán vũ khí với các quốc gia có khả năng đe dọa đến hệ thống quốc phòng của Mỹ, như với Nga và Trung Quốc, đã có thông tin cho rằng Indonesia đã hủy bỏ thỏa thuận mua Su-35 của Nga.

Trước thông tin trên, Giám đốc Cơ quan hợp tác kĩ thuật quân sự liên bang Nga Shugaev cho biết, nước này chưa nhận được lời từ chối chính thức của Indonesia về việc mua các máy bay chiến đấu Su-35; cho rằng đây là thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời nhấn mạnh Nga hy vọng hợp đồng này sẽ được thực hiện do Indonesia đặc biệt quan tâm đến Su-35. Được biết, Nga và Indonesia đã kí thỏa thuận mua bán 11 tiêm kích Su-35 trị giá hơn 1,1 tỉ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019, giới truyền thông đã đưa tin về việc Jakata hủy bỏ thỏa thuận do không hài lòng về tính năng cũng như hiệu suất của Su-35.

Su-35 là tiêm kích chiến đấu đa năng thế hệ 4++ của Nga, được phát triển từ năm 1988 trên cơ sở tiêm kích Su-27 với tên gọi ban đầu là Su-27M. Mẫu thử nghiệm Su-35 cải tiến cất cánh lần đầu tháng 2/2008 và được biến chế năm 2014. Tiêm kích Su-35 nặng 19 tấn, có tốc độ tối đa Mach 2,25 (khoảng 2.778 km/h), có trần bay là 20.000m, tầm bay tối đa 3.600 km và bán kính chiến đấu khoảng 1.600 km. Điểm đáng chú ý của Su-35 là việc nó được trang bị 2 động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều AL-117S, radar đa chức năng có thể theo dõi 30 mục tiêu và có thể tấn công 8 mục tiêu cùng lúc. Phiên bản Su-35 xuất khẩu cho Trung Quốc được trang bị bộ thu tín hiệu vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu thay vì GPS hay GLONASS. Vũ khí chính của loại tiêm kích này bao gồm một khẩu súng phòng không 30 mm, cùng 8 tấn vũ khí bao gồm tên lửa và bom các loại gắn trên 12 điểm cứng dưới cánh máy bay. Su-35 đã phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2015.

Tiêm kích Su-35 của Nga được cho là vượt trội hơn hẳn so với các máy bay thế hệ thứ 4 hiện nay của phương Tây. Sức mạnh tiêm kích Su-35 của Không quân Nga đã khiến các phi công lái F-22, F-35 của Mỹ cũng phải bày tỏ sự lo ngại, sợ sệt. Đợt cuối năm 2014, khi trao đổi về máy bay chiến đấu thế hệ mới, một quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ đã dành những lời khen “có cánh” với tiêm kích Su-35 của Không quân Nga. Một phi công Hải quân Mỹ lái F/A-18 Super Hornet đưa ra nhận định: “Su-35 có thể thắng hầu hết các loại máy bay chiến đấu của Mỹ. Chỉ có tiêm kích tàng hình F-35 là có thể hi vọng vào tính năng tàng hình và khả năng xử lý tổng hợp của hệ thống cảm biến”. Trong khi đó, một sĩ quan không quân có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu F-35 cho biết thêm: “Su-35 có thể có khả năng bay với tốc độ nhanh ở độ cao lớn là một lo ngại không hề nhỏ với các loại chiến đấu cơ của Mỹ, bao gồm cả F-35. Su-35 có thể phóng tên lửa khi đang bay ở tốc độ siêu âm Mach 1,5 trong khi với F-35 là Mach 0,9”.

Bên cạnh đó, Su-35 được phát triển dựa trên nền tảng khung thân tiêm kích đa năng Su-27 Flanker vốn đã rất mạnh. Trong nhiều khía cạnh, hiệu suất khí động học của Su-27 cũng đã cho thấy sự vượt trội hơn máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. “Từ lý thuyết, một máy bay mạnh là máy bay có động cơ lớn, khả năng bay xa và thiết bị điện tử hàng không rất tốt. Nó có một radar mạng pha quét điện tử thụ động, có khả năng tấn công mạnh và thiết bị gây nhiễu tuyệt vời”, một phi công có kinh nghiệm lái F-22 của Mỹ nói. Không chỉ có ưu thế về cơ động, vũ khí, máy bay chiến đấu Su-35 còn được trang bị khả năng tấn công điện tử mạnh mẽ có thể tác động lên các hệ thống radar của Mỹ, phương Tây. Loại vũ khí quân sự này có thể làm mù radar chủ động trên các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 của Không quân Mỹ. Đặc biệt, chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++ Su-35 còn có khả năng tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại mạnh, đặt ra trở ngại lớn cho máy bay chiến đấu của phương Tây. “Su-35 còn được trang bị tổ hợp trinh sát quang-hồng ngoại có thể giúp nó phát hiện máy bay khác, hữu ích cho việc trinh sát từ xa”, phi công máy bay F/A-18 của Mỹ nói. Một ưu thế lớn khác của Su-35 là khả năng mang tên lửa không đối không hạng nặng. “Đặc điểm đặc biệt của Su-35 là nó giống một xe tải cao cấp. Nó có thể mang được vũ khí không đối không nặng 1 tấn tham gia chiến đấu”, sĩ quan Hải quân Mỹ nói.

Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ép Indonesia từ bỏ thỏa thuận này. Theo nguồn tin trên, quyết định hủy thỏa thuận mua Su-35 của Indonesia được đưa ra sau khi giới chức Mỹ nói rõ rằng Indonesia có nguy cơ bị Mỹ cấm vận nếu mua Su-35. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng lo ngại về khả năng Mỹ sẽ có hành động mang tính trừng phạt về thương mại nếu Jakarta tiếp tục đàm phán mua tàu Trung Quốc. Cũng theo nguồn tin trên, trong các cuộc gặp với quan chức Mỹ, phía Indonesia đã nhiều lần hỏi tại sao Mỹ lại đề nghị họ không mua chiến đấu cơ Nga. Phía Mỹ trả lời rằng đó là chính sách của Washington. Khi Jakarta nói Su-35 có thể cung cấp cho Indonesia lợi thế hơn so với hai nước láng giềng Australia và Singapore, phía Mỹ đề nghị Indonesia xem xét mua chiến đấu cơ F-16 Vipers. Tuy nhiên, Indonesia đang xem xét đàm phán mua chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận thông tin trên, song luôn cảnh báo các nước nên từ bỏ việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nếu không Mỹ có thể áp đặt các biện pháp cấm vận theo Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Dự luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt được Thượng viện Mỹ (15/7/2017) bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 98 thuận, 2 chống. Dự luật này sau đó được chỉnh sửa thêm để giải quyết các lo ngại từ Chính quyền Donald Trump và được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống vào ngày 25/7/2017. Nội dung chính của CAATSA gồm: (i) Chống lại những hoạt động gây mất ổn định của Iran: Dự luật này chỉ đạo Tổng thống phải áp đặt lệnh trừng phạt đối với: (1) các chương trình tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran, (2) việc bán hoặc chuyển nhượng các thiết bị quân sự hoặc cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài chính của liên quan cho Iran, và (3) Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các cá nhân nước ngoài của Lực lượng này. Tổng thống có thể xử phạt các cá nhân có trách nhiệm trong việc vi phạm những người con người đã được quốc tế công nhận đối với các cá nhân tại Iran; Tổng thống có thể tạm thời miễn lệnh trừng phạt hoặc tiếp tục tiến hành trừng phạt tùy vào những tình huống cụ thể. (ii) Chống lại ảnh hưởng của Nga ở châu Âu và châu Á. Theo đó, Tổng thống phải gửi cho quốc hội xem xét trước khi thực hiện bất cứ hành động nào nhằm chấm dứt hoặc miễn trừ các lệnh trừng phạt liên quan đến Liên bang Nga; Các lệnh trừng phạt do một số pháp luật hành pháp cụ thể chống lại Nga vẫn tiếp tục có hiệu lực; Tổng thống có thể miễn trừ một số lệnh trừng phạt cụ thể liên quan đến tấn công mạng và Ucraina; Dự luật cũng yêu cầu trừng phạt đối với các hành động liên quan tới: (1) an ninh mạng, (2) các dự án dầu thô, (3) các tổ chức tài chính, (4) tham nhũng, (5) vi phạm quyền con người, (6) tránh né lệnh trừng phạt, (7) các giao dịch với lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo với Nga, (8) đường ống dẫn dầu, (9) tư nhân hóa các tài sản nhà nước của các quan chức chính phủ, và (10) chuyển giao vũ khí cho Syria; Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác với chính phủ Ukraina để tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraina; Dự luật chỉ đạo Bộ Ngân khố soạn thảo một chiến lược quốc gia chống lại việc tài trợ tài chính cho khủng bố và đưa Bộ trưởng Bộ Ngân khố vào Hội đồng An ninh Quốc gia. (iii) Đạo luật Ngăn chặn và Hiện đại hóa Lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Dự luật sửa đổi và tăng cường quyền hạn của Tổng thống khi áp đặt lệnh trừng phạt cho các cá nhân vi phạm những nghị quyết cụ thể của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến Bắc Triều Tiên. Các tổ chức tài chính Mỹ không được thiết lập hoặc duy trì các tài khoản được các tổ chức tài chính nước ngoài sử dụng để cung cấp các dịch vụ tài chính gián tiếp cho Bắc Triều Tiên; Một chính phủ nước ngoài cung cấp hoặc nhận thiết bị hoặc dịch vụ quốc phòng từ Bắc Triều Tiên sẽ bị cấm nhận một số loại hỗ trợ quốc tế cụ thể của Hoa Kỳ; Dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với: (1) Tàu hàng và vận tải hàng của Bắc Triều Tiên, (2) hàng hóa sản xuất toàn bộ hoặc một phần bởi lực lượng lao động bị cưỡng bức hoặc tội phạm tại Bắc Triều Tiên, và (3) người nước ngoài có thuê mướn lao động bị cưỡng bức của Bắc Triều Tiên; Bộ Ngoại giao phải nộp bảng quyết định xem Bắc Triều Tiên có phù hợp với các tiêu chí để bị gọi là quốc gia tài trợ cho khủng bố hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới