Sáng ngày 05/03/2020, hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của Mỹ, có tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) tháp tùng, đã đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài cho đến ngày 09/03/2019, đánh dấu 25 năm ngày hai nước Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm của tàu sân bay Theodore Roosevelt lần này nối tiếp chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) cách đây tròn 2 năm vào ngày 0/5/3/2018, khi lần đầu tiên sau hơn 40 năm một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam.
Từ các giới chức chính quyền Bắc Kinh đến các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, các học giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc thì hầu hết tỏ ra không hài lòng thậm chí tức tối khi tàu sân bay Theodore Roosevelt thăm Việt Nam. Ngay từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bắc Kinh đã tỏ ra không vui, họ tìm mọi cách ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ phát triển. Cứ sau mỗi bước phát triển của quan hệ Việt – Mỹ, Bắc Kinh lại “làm mình làm mẩy” để gây sức ép với Việt Nam.
Nguyên nhân Trung Quốc tỏ thái độ không hài lòng khi quan hệ Việt – Mỹ phát triển, nhất là quan hệ quốc phòng thể hiện qua các chuyến ghé thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ:
Một là, từ trong lịch sử xa xưa, Trung Quốc luôn tìm mọi các khống chế Việt Nam, thúc ép Việt Nam đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc còn muốn dùng Việt Nam làm lá chắn bảo vệ cho họ ở phía Nam, Bắc Kinh giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ là nhằm mục tiêu này. Việc Việt Nam cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến yêu cầu này của Bắc Kinh vì thế mà họ tìm cách ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ.
Hai là, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên gay gắt khi Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ nguy hiểm nhất” thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực. Quan hệ Việt – Mỹ, nhất là quan hệ quân sự phát triển giúp cho Mỹ tăng cường sự hiện diện ở khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến những mục tiêu của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ.
Ba là, Việt Nam là nước láng giềng có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông; hai bên đã nhiều lần xảy ra va chạm trên biển, thậm chí xung đột khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Quan hệ Việt – Mỹ phát triển sẽ tạo thêm sức mạnh cho Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Là nước chịu nhiều sức ép nhất từ Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, trong 25 năm qua, Việt Nam âm thầm, từng bước phát triển quan hệ với Mỹ. Từ chỗ là thù địch, giờ đây hai bên đã xây dựng được một mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện và đang hướng mối quan hệ chiến lược. Mỹ trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Nếu như cách đây 25 năm, kim ngạch thương mại song phương chỉ chưa đầy 500 triệu USD, thậm chí một vài năm trước đó con số này gần như bằng 0. Nhưng hiện tại giá trị thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt mức hơn 60 tỉ USD mỗi năm. Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng du học sinh đứng thứ 5 trên thế giới tại Mỹ với trên 30.000 sinh viên.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Tổng thống Mỹ Obama gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam cách đây 4 năm; Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý biển, cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra cỡ lớn: Mỹ giúp Việt Nam đào tạo phi công và đang xem xét việc bán máy bay tuần tra cho Việt Nam….
Rõ ràng những con số kể trên không làm giới cầm quyền Bắc Kinh hài lòng. Những người lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng nhiều cách, thông qua nhiều kênh (kể cả kênh hợp tác 2 Đảng) để ngăn cản quan hệ Việt – Mỹ. Từ chỗ cảnh báo dùng quan hệ chính trị ý thức hệ đến công khai đe dọa Việt Nam đừng “dẫn sói về nhà”, thậm chí là tiến hành các hoạt động răn đe trên biển.
Tuy nhiên, Hà Nội không chịu khuất phục mà kiên trì đường lối độc lập, tự chủ từng bước tăng cường hợp tác mọi mặt với Mỹ. Hai chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong năm 2018 và việc Việt Nam mua vũ khí và tàu tuần tra của Mỹ cũng như để tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng lần này cho thấy rõ điều đó.
Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng những hoạt động gây hấn lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông chính là chất xúc tác thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ phát triển; chính việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và ngày càng hung hăng đã thôi thúc Hà Nội thấy cần ngấm ngầm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông.
Nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn tìm cách đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi Biển Đông, họ còn cao giọng yêu cầu các nước ASEAN đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nội dung này trong đàm phán (COC) với các nước ASEAN. Sự hiện diện của tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng trong vòng 5 ngày qua đã đi ngược lại tính toán này của Bắc Kinh.
Cách đây 2 năm, khi tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hằn học nói rằng đó là một hành động mang tính thù địch và phê phán Hoa Kỳ là gây ra căng thẳng trong vùng.
Trung Quốc tránh công khai phê phán Việt Nam bởi họ biết rõ điều này là vô lý là can thiệp vào công việc của Hà Nội. Bắc Kinh đã thúc đẩy quan hệ với Mỹ tranh thủ vốn và kỹ thuật công nghệ của Mỹ để phát triển và cho tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng biển của Trung Quốc trước Việt Nam từ lâu nên họ không có lý do gì để công khai lên tiếng phê phán Hà Nội.Bắc Kinh đổ tất cả cho phía Mỹ, bởi vì họ muốn đánh lừa dư luận rằng nếu không phải là phía Mỹ, tất cả vấn đề trong vùng sẽ được ổn định và tất cả vấn đề có gì xấu thì đều là do Mỹ cả.
Mỹ và Việt Nam đều có các chiến lược và tiếp cận riêng về an ninh, quân sự và quốc phòng của mình ở khu vực, trong đó với phía Mỹ có điều chỉnh trọng tâm liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, còn Việt Nam dường như vẫn tiếp tục các nguyên tắc của mình trên tổng thể chiến lược cân bằng không đứng về phía Trung Quốc hay ngả về Mỹ.
Chuyến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ lần này là một minh chứng về sự trùng hợp về lợi ích giữa Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.
Đó là duy trì một Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới chứ không phải “ao nhà” của Bắc Kinh mà họ có quyền làm gì thì làm.
Thái độ hằn học của Bắc Kinh đối với chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ lần thứ 2 này thể hiện rõ qua ý kiến của ông Chen Xiangmuo, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc nói với hãng truyền thông Sputnik – Nga hôm 06/3/2020 rằng “Việt Nam đang cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn của Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ông ta còn cáo buộc rằng “Mỹ và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về chuyến thăm của tàu sân bay đến Đà Nẵng ngay sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông hồi năm ngoái. Đây có thể được coi là một kế hoạch để chống lại Trung Quốc”. Ông ta kêu gọi để đáp trả điều đó, Trung Quốc nên củng cố vị thế “một cường quốc hàng hải” và tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân.
Có lẽ ông Chen Xiangmuo hiểu đúng về nguyên nhân của việc tăng cường hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ là do hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 năm ngoái. Ấy vậy thì ông ta nên khuyên nhà cầm quyền Bắc Kinh hãy hành xử có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng vùng biển của các nước láng giềng chứ đừng tỏ ra hằn học một cách vô lý và đưa ra những lời kêu gọi hiếu chiến như vậy.