Kiểm soát hoàn toàn Biển Đông là một trong những mục tiêu không đổi trong suốt nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc. Để đạt được điều này, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến lược tổng lực, liên tục trên tất cả các khía cạnh.
Về mặt chiến lược
Đối với ASEAN, Trung Quốc vừa thực hiện chiến lược lôi kéo, vừa tìm cách chia rẽ đoàn kết ASEAN nhằm ngăn chặn khu vực hóa những tranh chấp Biển Đông. Không những vậy, để ngăn hải quân Mỹ và các nước đồng minh tiến tới quá gần lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Trung Quốc đang bắt đầu tăng cường năng lực chống xâm nhập cùng với các phương tiện như tàu ngầm tấn công hạt nhân và phát triển lực lượng tàu sân bay hùng hậu. Khả năng chống xâm nhập này phụ thuộc vào việc sử dụng tên lửa diệt tàu sân bay DF-21C có tầm hoạt động trong vòng 1.500 km, được dùng để phát hiện mục tiêu di động bằng hệ thống dò tìm cảm biến quan sát vượt tầm nhìn để định vị và theo dõi chuyển động của tàu đang di chuyển. Tuy nhiên điều đó chưa đủ. Trên thực tế, để đảm bảo chiến lược tiền diên phòng ngự bằng cách dựa vào đường xanh và sau đó là đưa các phương tiện hải quân tiến xa ra khỏi Trung Quốc và tới gần lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc cần những con đường an toàn tiến ra biển khơi. Đây là một trong các lý do Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành một thánh địa, để có thể đảm bảo triển khai đội tàu ngầm một cách an toàn từ Tam Á tới phần sâu nhất của Biển Đông.
Đối với bên ngoài, Trung Quốc tìm mọi cách buộc Mỹ và phương Tây phải ra khỏi Đông Nam Á, Đông Á và Tây Thái Bình Dương bằng cách gây hao mòn chiến lược và chính trị hoặc đẩy Mỹ vào tình thế bị động chiến lược bằng chính sách bên miệng hố chiến tranh hiếu chiến trên tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân để thu hẹp khoảng cách với ưu thế hải quân vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu rộng hơn là tạo ra khả năng triển khai lực lượng không chỉ ở vùng duyên hải của Trung Quốc mà còn cả ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách duy trì các tranh chấp trên Biển Đông luôn ở mức độ áp lực vừa phải để Mỹ không thể trực tiếp can thiệp quân sự, nhưng vẫn đủ để gây sức ép chiến lược với Mỹ.
Về mặt pháp lý
Trung Quốc đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền các văn bản pháp quy quan trọng về quản lý, quy hoạch biển, cụ thể: Trung Quốc công bố “Cương yếu quy hoạch đất đai toàn quốc Trung Quốc năm 2016, tầm nhìn năm 2030”; Luật an toàn giao thông biển sửa đổi; Đại cương “Phương án sử dụng và khai thác hải đảo không người cư trú”; Quốc vụ viện Trung Quốc cũng phê chuẩn “Phương án giám sát Hải dương”; Trung Quốc lần đầu công bố Sách Trắng về “Chính sách hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó có nội dung xuyên tạc cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận”.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng trao Cục Hải dương Quốc gia quyền giám sát quản lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, kiểm soát, giám sát tàu thuyền và thiết bị, hoạt động hàng hải của nước ngoài trong vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc đối với các địa phương ven biển và cơ quan thực thi luật biển. Các địa phương ven biển của Trung Quốc đưa ra các quy định, kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển về sử dụng, khai thác, kiểm tra giám sát và bảo vệ môi trường biển. Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12h ngày 1/5/2018 đến 12h ngày 16/8/2018 ở Biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.)… nhằm phối hợp với chiến lược tổng thể của Chính phủ Trung Quốc, nhất là việc triển khai phát triển du lịch ở Biển Đông, để từng bước hợp thức hóa cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng phi pháp.
Về mặt kinh tế, kỹ thuật
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực. Không những vậy, Trung Quốc cũng lợi dụng việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ASEAN, ép buộc một số nước phải lệ thuộc và ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tỉnh Hải Nam Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể năm 2016-2020”, khẳng định sẽ nâng cấp các sản phẩm du lịch dưới nhiều hình thức nhằm kết nối (trái phép) Hải Nam và Hoàng Sa; cái gọi là “Thành phố Tam Sa” thông qua phương án “Quy hoạch thực thi đồng bộ dịch vụ cảng Phú Lâm”; kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13. Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch quản lý biển, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực. Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thiện việc đặt tên cho 255 cấu trúc ở Biển Đông, mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, cho phép “Công ty vận tải tư nhân Hải Hiệp” đưa khách du lịch (đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa); xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, phủ sóng mạng di động, bệnh viện, rạp chiếu phim… ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Về mặt quân sự, thực địa
Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị quân sự mới như hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên; thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong 5C (DF-5C), Đông Phong 16 (DF-16), máy bay tiêm kích J-20…; tăng cường các hoạt động tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam); triển khai tàu chiến, radar, pháo phòng không ra Biển Đông… Ngoài ra, Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật; một số tàu chiến của Trung Quốc được đánh giá là có tính năng ưu việt so với mặt bằng chung của các nước, như: Tàu khu trục lớn nhất châu Á Type 055; tàu đổ bộ Type 071 (dài 210 m và độ choán nước 25.000 tấn); 4 tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Tấn (lượng giãn nước 11.000 tấn) là khả năng tấn công hạt nhân, mỗi tàu được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và tên lửa chống tàu. Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ). Ngoài ra, Trung Quốc hiện có tàu sân bay Liêu Ninh đưa vào sử dụng từ năm 2012 và tàu sân bay nội địa đầu tiên Sơn Đông vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2019.
Trên thực địa, Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp các thực thể đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Tại quần đảo Hoàng Sa, lợi dụng tình trạng kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự phi pháp như xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu, bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm; xây dựng trái phép căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa. Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi. Cụ thể: Đá Tư Nghĩa: Trung Quốc cải tạo Đá Tư Nghĩa thành khu vực rộng 62.710m2; xây dựng kiên cố nhiều công trình như các công sự ven biển, bốn pháo phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Đá Ga Ven: Trung Quốc đã xây dựng tại phía Tây đá Ga Ven một bãi lớn bằng bê tông, một bến tàu cùng nhiều ụ súng, radar và các thiết bị thông tin liên lạc khác.