Khó có thể đánh giá và dự báo về cặp quan hệ Mỹ -Trung hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại dịch này đã thổi bùng lên những mối quan ngại ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác về sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong các thể chế quản trị toàn cầu then chốt.
Khó có thể đánh giá mức độ tác động mà Covid-19 sẽ gây ra đối với Thỏa thuận thương mại Giai đoạn I vốn bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2/2020. Gần đây, Bắc Kinh đã khẳng định rằng họ có ý định thực hiện thỏa thuận này đến cùng. Mặc dù đã có những mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể không thể đáp ứng được cam kết mua thêm 200 tỷ USD giá trị hàng hóa trong 2 năm, nhưng phần lớn cam kết này được phân bổ vào giai đoạn sau, vì giá trị hàng hóa được lên kế hoạch mua sắm trong năm 2020 chỉ ở vào khoảng 75 tỷ USD. Nếu phải đối mặt với khó khăn, Bắc Kinh có thể viện tới các điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận, như những gì Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã làm để hủy bỏ một số hợp đồng khí đốt hóa lỏng.
Về phần mình, Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã gửi đi những thông điệp lẫn lộn về thỏa thuận này. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết virus có thể trì hoãn các thương vụ nông sản cũng như những phương diện khác của thỏa thuận. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue lại bác bỏ nhận định của Kudlow. Thay vào đó, họ xác nhận rằng Trung Quốc đang có những bước tiến trong cam kết mua hàng nông sản và đang nới lỏng những hạn chế thương mại khác. Trong một tuyên bố chung, Perdue cho biết họ “hoàn toàn trông đợi sự tuân thủ đầy đủ các phần của thỏa thuận”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đưa ra khẳng định tương tự vào ngày 23/2 khi cho rằng Covid-19 sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đối với thỏa thuận giai đoạn 1, dù ông có đề cập rằng dịch bệnh bùng phát có thể khiến các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 bị trì hoãn. Tuy nhiên, khi được hỏi vào ngày 3/3 liệu Chính quyền Mỹ có xem xét đình chỉ thuế quan đối với Trung Quốc và châu Âu hay không, Mnuchin thừa nhận rằng chính quyền sẽ “xem xét tất cả các phương án” khi tác động kinh tế của dịch Covid-19 trở nên rõ ràng hơn. Nếu một trong hai bên gặp khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết, thì dịch Covid-19 có thể đưa ra một lối thoát. Khi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, Trump có khả năng sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm ngăn không cho thỏa thuận này tan vỡ hay bị bêu riếu như là một thất bại. Bắc Kinh cũng muốn duy trì thỏa thuận này nhằm tránh khỏi việc trở lại với các mức thuế quan cũng như bầu không khí bất ổn gia tăng như trước đây, nhất là trong bối cảnh những nỗ lực kích thích nền kinh tế Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, đã xuất hiện những tin tức chi tiết về tình trạng chậm trễ đáng kể của các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) ở Bangladesh, Indonesia, Nepal và Sri Lanka do dịch Covid-19. Các biện pháp hạn chế đi lại đã ngăn không cho các công nhân Trung Quốc trở lại các công trường BRI ở nước ngoài, trong khi việc đóng cửa các nhà máy Trung Quốc cung cấp máy móc và nguyên liệu thô cho các dự án BRI đã cản trở tiến độ của các dự án này. Những sự chậm trễ này có thể gây thêm căng thẳng đối với các quốc gia vốn đã phải vật lộn với gánh nặng nợ nần.
Hơn nữa, thế bế tắc kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2020 chắc chắn sẽ buộc chính phủ phải có phản ứng, có khả năng là dưới hình thức cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay và áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa. Ngay cả nếu nền kinh tế hồi phục, thì chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với sức ép đầu tư nguồn lực ở trong nước thay vì nước ngoài. Bất chấp những bước lùi đáng kể, khả năng là Bắc Kinh sẽ không từ bỏ BRI trong tương lai gần. Tương tự như vai trò trung tâm của thỏa thuận thương mại đối với nghị trình của Trump, BRI là biểu tượng của sự nổi lên của Trung Quốc như là một nước lớn và là dự án đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngân hàng phát triển Trung Quốc gần đây đã đưa ra một tuyên bố về các kế hoạch hỗ trợ các công ty BRI bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các quốc gia được hưởng lợi từ những cơ hội đầu tư và phát triển to lớn mà BRI mang lại, chẳng hạn như Campuchia, cũng đã lên tiếng bảo vệ Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đã chỉ trích các quốc gia khác vì đã áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người đến từ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục duy trì biên giới mở. Đáp lại, Tập Cận Bình nói với Hun Sen: “Một người bạn trong lúc hoạn nạn là một người bạn thực sự”. Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các quốc gia vẫn đang phải vật lộn tìm cách phục hồi sau những cú sốc kinh tế có liên quan có thể lấy sự bùng phát này làm cái cớ để loại bỏ những dự án không thành công hoặc không được lòng người dân về mặt chính trị. Trái lại, Bắc Kinh có thể tìm ra những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn của BRI tại các quốc gia tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhìn chung, do tác động của dịch bệnh, cộng thêm với những mối quan tâm về nội bộ nên tạm thời Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy những hoãn binh trong cuộc chiến thương mại, vốn đã chi phối hầu như toàn bộ các quan hệ quốc tế, để nhường chỗ cho mối quan tâm chung hiện nay là Covid-19. Và vì vậy, chừng nào dịch bệnh này chưa kết thúc thì diễn biến tiếp theo trong cặp quan hệ giữa cường quốc số 1 và số 2 còn là ẩn số.