Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả quốc tế: TQ dùng thủ đoạn “nghiên cứu khoa...

Giới học giả quốc tế: TQ dùng thủ đoạn “nghiên cứu khoa học” để thực hiện âm mưu kiểm soát Biển Đông

Ngay sau khi Tân Hoa xã (20/3) tán phát tin Trung Quốc đưa vào sử dụng trái phép 02 Trung tâm nghiên cứu khoa học tại đá Chữ Thập và Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giới học giả quốc tế nhận định đây là một trong những thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc để thâu tóm, kiểm soát Biển Đông.

Theo đó, hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS). Giới chức Trung Quốc cho rằng hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể “hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và các cơ sở này cũng sẽ góp phần cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), về mặt lý thuyết, tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác cho an ninh biển và tài nguyên, tìm ra cách thức bền vững để các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển. Tuy nhiên hành động của Trung Quốc sẽ khiến cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng được. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc không chỉ phá hoại hệ sinh thái biển, tàn phá môi trườngmà còn nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia…. Vì vậy, việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học sẽ không thể đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, nhưng Trung Quốc vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát. Với cách thức này, Bắc Kinh đặt sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi “phục hồi nguyên trạng”, yêu cầu người Trung Quốc rời đi bằng đường ngoại giao hay quân sự. “Núp bóng” nghiên cứu khoa học còn khiến các nước khác nếu can thiệp để người Trung Quốc rút đi thì Bắc Kinh lại đổ vấy rằng đó là hành vi “tấn công vào giới nghiên cứu khoa học”. Bên cạnh đó, động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động. Bằng chứng là hải chiến Hoàng Sa năm 1974 hay sự kiện bãi đá Vành Khăn hồi thập niên 1990. Hiện nay khi các nước lo tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19 thì Trung Quốc tái diễn chiêu trò quen thuộc.

Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự. Theo TS Nagao, Bắc Kinh cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Điển hình như việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật là nhằm đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà Trung Quốc đang đồn trú tại đây. Hay nghiên cứu môi trường biển để thu thập thông tin nhằm ẩn nắp tàu ngầm tại những khu vực này. Ở trong lòng biển, nơi tàu ngầm hoạt động, Trung Quốc cần nắm rõ các điều kiện dòng nước để thiết lập hệ thống cảm biến phục vụ cho mạng lưới liên lạc, cập nhật thông tin của tàu ngầm. Tương tự, Bắc Kinh cũng muốn cập nhật nhiều hơn thông tin về thời tiết vốn có vai trò quan trọng để triển khai máy bay quân sự. Ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có vai trò quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, trước khi xây dựng 2 cơ sở nghiên cứu ở các bãi đá Chữ Thập và Xu Bi, thì Trung Quốc vào năm 2018 cũng đã xây dựng một cơ sở tương tự ở bãi đá Vành Khăn. Có 3 vấn đề liên quan các động thái này của Trung Quốc. Ba bãi đá này hình thành nên 3 cạnh của một tam giác mang tính chiến lược ở khu vực này. Bắc Kinh cũng đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay tại cả 3 bãi đá này. Bên cạnh mục tiêu quân sự, theo Tiến sỹ Nagao, thông qua các cơ sở này, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng họ kiểm soát vùng biển tại đây. Việc thu thập các thông tin dữ liệu cũng có thể được Trung Quốc dùng để biện minh rằng họ nắm rõ về vùng biển này, nhằm củng cố cho quyền kiểm soát. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ vẫn khẳng định các cơ sở này là nghiên cứu khoa học dân sự để mời giới nghiên cứu nước ngoài đến hợp tác. Tất nhiên, họ cũng “núp bóng” rằng đó là nghiên cứu dân sự vì hòa bình và phát triển của thế giới. Nhưng thực chất thì các thông tin có thể sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm cả mục tiêu quân sự. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phối hợp để yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về quá trình hoạt động của các cơ sở trên.

Nhà nghiên cứu Collin Koh (Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore) nhận định, các cơ sở này tạo thành một phần quan trọng trong mạng lưới quan sát đại dương được Trung Quốc “miệt mài” xây dựng trong những năm gần đây. Ông Koh cho rằng việc Bắc Kinh lựa chọn thời điểm Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang gồng mình chống Covid-19 để thông báo là có ý đồ và Việt Nam không phải là nạn nhân duy nhất ở đây. Trung Quốc phần nào lợi dụng thực tế là các chính phủ ASEAN đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 khiến họ không chú ý nhiều tới Biển Đông. Trong bất cứ trường hợp nào, giới tinh hoa ở Bắc Kinh vẫn không buông tha cho các vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia mình. Đó là lý do tại sao họ tiếp tục gây áp lực quân sự đối với Đài Loan và lên tiếng phản ứng trước hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) của chiến hạm Mỹ USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3. Ông Collin Koh cho rằng các động thái mới đây cũng cho thấy bất chấp các kịch bản, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của mình tại Biển Đông. Những hoạt động này sẽ dẫn đến các kết quả tương tự là thúc đẩy các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, củng cố các tiền đồn mà họ chiếm đóng trái phép. Các cơ sở nghiên cứu biển này cũng không hề vô hại như những gì mà Bắc Kinh nói. Bên cạnh đó, Trung Quốc gắn cho nó cái mác là được thiết kế để đóng góp kiến thức khoa học biển ở Biển Đông. Nhưng các cơ sở này tạo thành một phần quan trọng trong nỗ lực hợp nhất dân sự và quân sự của Trung Quốc. Dữ liệu thu thập thông qua các cơ sở này sẽ được sử dụng cho các mục đích quân và dân sự. Các trạm nghiên cứu của Trung Quốc sẽ cho phép và tạo điều kiện để Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông cũng như tối ưu hóa việc sử dụng chiến thuật cưỡng chế tại vùng biển này.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Adam Ni tới từ Trung tâm chính sách Trung Quốc tại Canberra, Australia cho rằng nỗ lực khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Ni, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang tiếp tục các nỗ lực của mình tại Biển Đông trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu vì vấn đề này cực kỳ quan trọng với Bắc Kinh. Các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang và đừng nên mong đợi Trung Quốc sẽ trở nên ôn hòa hơn ở vùng biển này vì virus.

Được biết, quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 134 đảo, bãi đá, bãi ngầm có diện tích từ 160 đến 180 nghìn km2. Nằm ở phía Đông Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ trong giới hạn từ 60 30’ vĩ Bắc đến 120 0’ vĩ Bắc và từ 1110 30’ đến 1170 30’ kinh độ Đông thuộc lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Phía Tây là vùng lãnh hải tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ của vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong hơn 100 đảo, bãi san hô có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elip. Do tác động của điều kiện khí tượng thủy văn nên hình dạng của đảo nổi và các bãi đá ngầm ở đây thường xuyên bị biến dạng. Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình có diện tích 0,6 km2 tiếp theo là các đảo Trường Sa hay Nam Yết diện tích mỗi đảo từ 0,1 đến 0,2 km2. Trên một số đảo có nước ngầm. Cơ chế hình thành các túi nước ngầm ở đây giống như các đảo ven biển khác, nằm ở độ sâu từ 1,7 đến 2,5m dưới mặt đảo ứng với tầng trên cùng của lớp san hô. Một số đảo lớn như đảo Ba Bình, Trường Sa, Song Tử, Thị Tứ, Đảo Dừa có nước lợ tương đối nhiều thuận tiện cho sinh hoạt.

Việt Nam đang thực thi chủ quyền hợp pháp tại 21 điểm đảo. Có thể chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa. Các đảo Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá lực lượng sau: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo Phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá sau: Trường Sa,Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh , Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”. Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình. Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển. Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến nay là 9 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô.

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp. Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới