Những năm qua, Trung Quốc ngang nhiên thi thố nhiều thủ đoạn bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông, từ việc xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên các đảo, đá cho đến việc đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý theo “đường chín khúc” ngụy tạo. Cung cách hành xử ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông còn bao gồm cả việc đe dọa các nước láng giềng và thực hiện các hành động quấy rối nguy hiểm, phi đạo đức đối với tàu thuyền hoạt động trong vùng biển quốc tế. Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ đe dọa các lợi ích cốt lõi về kinh tế, an ninh của Mỹ, các đối tác và cộng đồng quốc tế, mà sâu xa hơn là họ còn muốn đẩy Mỹ và đồng minh ra xa Trung Hoa đại lục.
Giới chuyên gia, học giả nghiên cứu nhiều nước nhận định, chỉ có Mỹ mới có thể đẩy lùi được mọi hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Song, những nỗ lực của Mỹ vừa qua không thấm vào đâu, chưa khiến Trung Quốc phải “chùn tay”, thậm chí còn lấn tới. Nếu Mỹ cùng đồng minh và đối tác không có phản ứng kịp thời, toàn diện thì Trung Quốc có thể hành động quyết liệt hơn. Giới chiến lược Mỹ hỏi nhau, Washington nên làm gì để chống lại những khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông?
Trước khi nghe họ tìm lời giải cho câu hỏi này, hãy xem Bắc Kinh đã làm gì ở Biển Đông gần đây.
Một thành tố chính trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến việc sử dụng các chiến dịch phi quân sự mà theo Ủy ban chiến lược quốc phòng thuộc Quốc hội Mỹ chỉ ra là nó diễn ra trong “khoảng không gian giữa chiến tranh và hòa bình” và “bao gồm mọi hình thức, từ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và cưỡng ép kinh tế, đến thao túng truyền thông, tấn công mạng, hay sử dụng lực lượng bán quân sự và lực lượng ủy nhiệm”. Các chiến dịch phi quân sự nhằm mục đích “phá vỡ hoặc làm suy yếu dần lập trường hoặc quyết tâm của đối thủ mà không kích động phản ứng quân sự”.
Trong các chiến dịch phi quân sự đó, Bắc Kinh thường đưa ra các yêu sách chủ quyền dựa trên cơ sở pháp lý ngụy tạo và hỗ trợ chúng bằng các chiến dịch tuyên truyền. Điển hình là, khi Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) năm 2016 ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn trắng trợn khẳng định rằng, họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông. Họ còn tìm cách “đe nẹt” các nước láng giềng yếu thế hơn ở ven Biển Đông bằng những hành động có hệ thống hòng bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia này. Họ còn ngang nhiên bồi lấp các cấu trúc địa hình ở Biển Đông rồi nhanh chóng quân sự hóa chúng mặc dù đã cam kết không làm vậy.
Bắc Kinh còn đưa Lực lượng dân quân biển không chính quy của họ tham gia nhiều chiến dịch ở Biển Đông. Đây là lực lượng quân sự trá hình được Trung Quốc sử dụng để quấy rối tàu thuyền của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, đồng thời dùng làm “lá chắn” chống lại hành động của đối phương. Theo đó, dân quân biển “đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng ép giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu chính trị mà không phải tham chiến”. Trung Quốc có vẻ tự tin khi thực hiện những hành động này vì cho rằng cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đã nghiêng về phía có lợi cho họ. Giới chuyên gia nghiên cứu của Australia đã chỉ ra, trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã củng cố sức mạnh quân sự trên quy mô lớn, trong đó có chương trình hiện đại hóa hải quân đầy tham vọng. Giờ đây, Hải quân Trung Quốc có thể cạnh tranh ngang ngửa với Hải quân Mỹ về quy mô. Mặc dù vẫn kém Mỹ về chất lượng, nhưng Hải quân Trung Quốc tự hào vì có nhiều tàu hơn và năng suất đóng tàu của họ vượt xa Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD) ở Biển Đông thông qua việc triển khai hệ thống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm đe dọa các lực lượng của Mỹ và đồng minh đang hoạt động ở khu vực này. Tháng 5/2018, Bắc Kinh đã triển khai hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống phòng không tới ba hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép ở Biển Đông để mở rộng phạm vi áp dụng chiến lược A2/AD. Năm 2019, nước này đã thực hiện nhiều cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông, trong đó có vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm từ một trong những hòn đảo nhân tạo hướng tới mục tiêu trên biển. Trong khi Hải quân Mỹ phải dàn trải trên toàn thế giới để thực hiện các sứ mệnh toàn cầu, thì Hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, Bắc Kinh có thể điều động nhiều tàu hơn trong giai đoạn mở đầu của một cuộc xung đột, lợi thế càng gia tăng khi có sự phối hợp của máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát ngay tại chiến trường.
Người Mỹ đã nhận ra, những hoạt động kể trên của Trung Quốc đã làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực, đe dọa các lợi ích của Mỹ và đồng minh tại đây. Chiến lược làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Washington có nguy cơ trở thành “thùng rỗng kêu to” nếu họ không có hành động chính sách kịp thời và đồng bộ để ngăn chặn. Vì thế, giới chiến lược Mỹ đã kiến nghị:
Trước hết, về chủ trương, chính sách chung, Mỹ cần nhanh chóng kết hợp nền tảng ngoại giao với sức mạnh quân sự truyền thống, các biện pháp phát triển tài chính và trừng phạt kinh tế để làm chậm lại và cuối cùng là ngăn chặn những bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp theo, về biện pháp, cần tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, trấn an và tập hợp các đồng minh trong khu vực. Đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc đối phó với các hành động gây hấn của Bắc Kinh vì nếu không có sự trấn an từ Mỹ, các nước trong khu vực có thể sẽ rời xa Mỹ và cố gắng đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể với một Trung Quốc đầy quyết đoán, giống như trường hợp của Philippines khi Washington không thể hỗ trợ nước này trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Do vậy, Mỹ cần xây dựng và củng cố một mạng lưới các đồng minh có thực lực và đoàn kết trong việc chống lại lối hành xử trơ tráo và đôi khi liều lĩnh của Trung Quốc. Washington nên tìm cách biến các cuộc tranh chấp chủ quyền này thành vấn đề đa phương bất cứ khi nào có thể. Bởi xét đến cùng, các hoạt động của Trung Quốc đe dọa sự ổn định của toàn bộ khu vực và của cả cộng đồng quốc tế nói chung. Bất kỳ phản ứng nào đối với những hành động của Trung Quốc cũng cần thể hiện rõ điều đó. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hành động như vậy trong chuyến thăm Philippines gần đây. Ông đã tuyên bố rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951 bao gồm cả các nghĩa vụ ở Biển Đông và: “Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng, máy bay hoặc tàu thuyền dân sự của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung giữa hai nước”. Tuy nhiên, những tín hiệu ngoại giao tích cực này phải được hậu thuẫn bằng hành động cụ thể như việc Washington gần đây tăng cường hợp tác với các đồng minh trong việc tiến hành các cuộc tuần tra đa phương ở Biển Đông, tăng quy mô của Hải quân Mỹ và công khai chỉ trích Trung Quốc về hành vi của nước này trong khu vực.
Hai là, trong thời gian tới, Mỹ có thể phối hợp với các đồng minh ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đe dọa năng lực tác chiến của nước này bên ngoài “chuỗi đảo thứ nhất”, gồm các đảo nằm dọc bờ biển Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tìm cách cản trở các nước tiếp cận Biển Đông, thì Mỹ và các đồng minh có thể đáp trả bằng cách chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ có thể và sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Nói thẳng ra, Mỹ có thể tìm cách mở rộng phạm vi các cảng, căn cứ và sân bay của các nước đồng minh để hỗ trợ việc luân chuyển và đồn trú các lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực. Chẳng hạn, quần đảo Andaman và Nicobar do Ấn Độ kiểm soát có vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn vì nằm gần tuyến đường biển “huyết mạch” chạy qua eo biển Malacca, cửa ngõ dẫn vào Biển Đông. Mỹ và Ấn Độ nên khai thác các cơ hội đầu tư chung và Mỹ có thể luân phiên đưa tàu chiến, máy bay đến đồn trú tại các căn cứ của Ấn Độ trên quần đảo này.
Tương tự như ở Australia, Mỹ đã lên kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại đây, tăng số lượng lính thủy đánh bộ đồn trú và tăng cường các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Những sáng kiến này cần được cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ hỗ trợ trong tương lai. Tuy nhiên, Mỹ cần tăng cường triển khai lực lượng của mình và các nước đồng minh ở khu vực để hiện diện quân sự chứ không nên coi đây là một địa điểm tập trận tốn kém. Bởi nếu Mỹ cùng các nước đồng minh và đối tác trong khu vực không triển khai và duy trì đủ lực lượng quân sự ở Biển Đông, thì sẽ khó mà buộc Trung Quốc thay đổi “đường đi, nước bước” tại đây.
Ba là, Mỹ và các đối tác phải đầu tư đầy đủ cho quốc phòng. Mỹ cần có kế hoạch đóng tàu nhiều hơn cho hải quân trong năm tài khoá 2020, cho phép lực lượng này triển khai nhiều tàu hơn đến Biển Đông. Thêm vào đó, Lầu Năm Góc cần tiếp tục ưu tiên phát triển các công nghệ và hệ thống có vai trò then chốt đối với ưu thế quân sự của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông. Các công nghệ và hệ thống đó bao gồm vũ khí siêu thanh, máy bay ném bom tàng hình, hệ thống phóng tên lửa cơ động trên mặt đất, tên lửa chống hạm tầm xa, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cải tiến và phương tiện không người lái dưới nước… Các hệ thống này được trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo mũi nhọn và điều hành theo những học thuyết chiến tranh có tính đổi mới.
Việc Mỹ rút khỏi sự ràng buộc của Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung sẽ cho phép Mỹ có thể tự do sản xuất tên lửa đất đối đất tầm trung có tầm bắn xa nhất tới 5.500km và triển khai chúng đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Biện pháp này đảm bảo năng lực quyết định trong đối phó với lợi thế áp đảo về tên lửa của Trung Quốc ở khu vực. Tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tiết lộ, Mỹ đã tính đến kế hoạch trên. Nếu tên lửa của Mỹ có tầm bắn đủ xa, được đặt đúng vị trí, chúng có thể làm tăng khả năng răn đe của Mỹ ở Biển Đông và các khu vực lân cận.
Bốn là, trong ngắn hạn, Mỹ cần tăng cường phối hợp các hoạt động quân sự. Cuộc tập trận Mỹ – Nhật năm 2019 tại Biển Đông với sự tham gia của đội tàu tấn công USS Ronald Reagan và tàu IS Izumo – tàu sân bay lớn nhất của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các tàu hộ tống, là mô hình cho việc phối hợp các hoạt động như vậy. Các kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu F-35 của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trên một tàu sân bay của Anh vào năm 2021 cũng là bước đi tích cực khác hướng tới việc hợp nhất các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cần khuyến khích các đồng minh châu Âu phụ thuộc vào dòng chảy thương mại tự do ở Biển Đông để họ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và mở rộng tham gia vào các cuộc tuần tra, tập trận đa phương do Mỹ dẫn dắt.
Năm là, Mỹ cần hợp tác với đồng minh và đối tác triển khai các chiến dịch ngoại giao công khai, mạnh mẽ liên quan đến Biển Đông. Các chiến dịch tuyên truyền đó được thực hiện bất cứ khi nào có thể để làm rõ rằng, những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là mối đe dọa đối với nhiều quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc thường lấn tới khi các hành vi đe dọa của họ không bị ai phản đối hoặc chỉ bị một nước phản đối. Điều quan trọng là Mỹ và các đối tác phải cùng nhau lên án hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc, buộc nước này phải xem xét cẩn trọng trước khi hành động ở Biển Đông.
Sáu là, Mỹ cần phải sử dụng các công cụ kinh tế để thể hiện sức mạnh quốc gia. Chính quyền Mỹ nên ưu tiên đầu tư cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (IDFC). Mặc dù số vốn hiện có của IDFC chỉ bằng một phần so với hàng trăm tỷ USD Trung Quốc bỏ ra cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhưng IDFC vẫn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự hỗ trợ của Mỹ đối với khu vực. Đặc biệt, các sáng kiến định hướng thị trường của nước này, nhất là tính minh bạch, bền vững và khả năng chống tham nhũng. Nó tương phản rõ rệt so với cách tiếp cận theo chủ nghĩa “thực dân mới” của Trung Quốc, vốn tập trung vào khai thác tài nguyên và dùng bẫy nợ làm công cụ kiểm soát, nên sẽ có sức hấp dẫn đối với các nước trong khu vực.
Nhìn từ khía cạnh phát triển, các nước đối tác trong khu vực không muốn ở vào thế phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Tuy nhiên, nếu Mỹ tìm kiếm các đối tác độc lập và thịnh vượng, còn Trung Quốc tìm kiếm các chư hầu phụ thuộc và mắc nợ để khai thác thì những đối tác này sẽ lựa chọn. Dựa vào Mỹ, họ sẽ làm giảm khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng các khoản nợ để cưỡng ép, kiểm soát hoặc đe dọa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vì thế, Washington nên ưu tiên đầu tư các nguồn lực của IDFC cho Biển Đông. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện diện và thiết lập các cơ sở hạ tầng mang tính sống còn ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng ép tài chính. Washington cũng cần xem xét việc bán các thiết bị quân sự cho nước ngoài, thậm chí có thể là cả các chương trình viện trợ quân sự nước ngoài. Mỹ nên tích cực khuyến khích và cho phép các đối tác trong khu vực mua thiết bị quân sự của Mỹ. Như vậy sẽ làm gia tăng năng lực của quân đội các nước đối tác, làm giảm gánh nặng cho Quân đội Mỹ và tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc.
Bảy là, Bộ Tài chính Mỹ có thể tham gia vào việc ngăn chặn những hành động phi quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) là cơ quan có ảnh hưởng lớn của Bộ Tài chính Mỹ, từng được sử dụng để chống lại một loạt đối thủ của Mỹ, từ Iran đến Venezuela. Nếu OAFC “nhúng tay” vào Biển Đông thì chính sách trừng phạt của Mỹ có thể khiến Trung Quốc phải chịu tổn thất kinh tế vì hành vi sai trái của mình. Đối tượng đầu tiên OAFC có thể hướng đến là Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Lực lượng này đã tăng cường hạm đội của mình bằng cách thuê tàu đánh cá thông qua sự phối hợp giữa các cá nhân, công ty tư nhân và các thực thể nhà nước và hiện Bắc Kinh hầu như không có lý do gì để hạn chế sử dụng dân quân biển. Nếu Mỹ tiến hành một chiến dịch trừng phạt, những người ra quyết định ở Bắc Kinh sẽ hành động thận trọng hơn.
Mỹ là một quốc gia rất chú trọng hoạt động thương mại và hàng hải. Sự thịnh vượng và cuộc sống của người Mỹ phụ thuộc vào hoạt động thông suốt của các đoàn tàu thương mại và các sản phẩm mà chúng vận chuyển. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017 đã thừa nhận, những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây nguy hiểm cho sự thông thương đó. Tuy nhiên, chiến lược sẽ vô nghĩa nếu chúng không được hiện thực hóa. Washington cần phải có những hành động cụ thể nhằm buộc Bắc Kinh phải trả giá khi hành động ở Biển Đông. Xem ra, những kiến nghị của giới chiến lược Mỹ không phải là không có lý.