Một trong những vụ tai nạn hãn hữu mới xảy ra trên hải phận quốc tế thuộc vùng biển Hoa Đông giữa một tàu cá của Trung Quốc với một tàu khu trục lớn của Nhật Bản.
Vụ tai nạn hy hữu
Văn phòng tham mưu liên quân Cục Phòng vệ Nhật Bản ngày 30/3 đã thông báo: Vào khoảng 20h28 giờ địa phương, tàu khu trục Shimakaze đã va chạm với một tàu đánh cá Trung Quốc ở hải phận quốc tế trên biển Hoa Đông. Đài Truyền hình Nhật Bản NHK cho biết, vụ va chạm đã gây ra lỗ thủng dài 1 mét và rộng 20 cm độ cao 5 mét trên phía sau mạn trái tàu Shimakaze, không có thương vong cho thủy thủ đoàn và 13 người trên tàu đánh cá Trung Quốc cũng không có vấn đề gì lớn. Cả hai tàu đều có thể tiếp tục hành trình sau đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/3 khi trả lời câu hỏi về vụ việc, nói rằng sự cố khiến một ngư dân bị thương ở thắt lưng và cảnh sát biển của Trung Quốc đã đến hiện trường để xử lý.
Tàu khu trục Shimakaze (số hiệu DDG-172) của Nhật Bản là tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ thứ ba của Lực lượng phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản. Nó là chiếc thứ 2 trong hai tàu khu trục lớp Hatakaze, được đưa vào hoạt động năm 1988, có chiều dài 150 mét và chiều rộng 16,4 mét. Vũ khí chính tương tự tàu khu trục lớp Tachikaze, với lượng giãn nước đầy tải là 5.900 tấn, thủy thủ đoàn 260 người. Tàu được trang bị tên lửa phòng không tầm xa SM-1MR, tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, tên lửa chống ngầm ASROC, pháo hải quân 127mm, pháo phòng không cao tốc 20mm và ngư lôi.
Trong khi đó, tàu cá của Trung Quốc không được tiết lộ thông tin cụ thể về loại hình, cũng như tải trọng. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng đây là loại tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có lượng giãn nước khoảng 100 tấn và thủy thủ đoàn chỉ có 13 người.
Chỉ có tàu cá Trung Quốc mới dám đâm tàu khu trục
Vụ tai nạn trên đặt ra nhiều nghi vấn cho cộng đồng quốc tế về tính xác thực, cũng như ẩn ý đằng sau vụ đâm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là thông điệp mới của Trung Quốc muốn cảnh cáo, răn đe các hoạt động trên biển của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh hai nước tồn tại tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Theo giới nghiên cứu, vụ tai nạn trên có một số điểm “nghi vấn” khó giải thích: (i) Tại sao giữa đại dương mênh mông hai tàu lại đâm va vào nhau được? Vì các vụ va chạm giữa tàu và tàu trừ khi do cố ý, nếu không cơ hội là rất nhỏ. Do đó, nếu nói đây hoàn toàn là một tai nạn ngoài ý muốn thì không ai chấp nhận được. (ii) Tàu đánh cá nhỏ đã đâm thủng chiếc tàu chiến lớn là điều khó tin. (iii) Vị trí vết thủng trên tàu cho thấy tàu cá Trung Quốc cố tình đâm tàu khu trục của Nhật Bản. Theo đó, tàu Shimakaze bị thủng một lỗ có chiều dài 1 mét và rộng 20 cm ở vị trí cao 5 mét ở mạn bên trái phía sau. Một vị trí bị hư hại như vậy cho thấy rõ ràng tàu chiến Nhật Bản là phía bị đâm. Ngoài ra, tàu trên không phải tàu cá mà là tàu dân quân biển của Trung Quốc.
Nguyên nhân sâu xa
Theo truyền thông Trung Quốc, vị trí vụ tai nạn nằm cách Yakushima, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản khoảng 650 km về phía Tây. Trong khi đó, nó cách Thượng Hải, Trung Quốc 200 km và chỉ cách Chu Sơn, Chiết Giang, hơn 100 km. Vị trí này nằm ở phía Bắc mỏ dầu và khí đốt Longjing. Như vậy có thể thấy vị trí xảy ra tai nạn nằm trong vùng biển gần Trung Quốc hơn là Nhật Bản.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng không loại trừ rằng vụ va chạm là “do phía Trung Quốc cố ý” vì tàu chiến Nhật Bản vào quá gần vùng biển ngoài khơi của Trung Quốc, cũng là vùng nước nhạy cảm của PLA. Một nhà phân tích quân sự, người không được nêu tên, đã nói với một phóng viên của CNA rằng từ hiện trường vụ việc, tàu chiến Nhật Bản có liên quan đã vào gần Thượng Hải, Ninh Ba và quần đảo Chu Sơn. Đây là một khu vực nhạy cảm, nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Đông Hải của PLA. Ngoài ra còn có nhiều căn cứ hải quân ở quần đảo Chu Sơn và có tàu ngầm ra vào. Theo nhà phân tích này, nhìn chung các tàu chiến nước ngoài không nên vào quá gần vùng biển ngoài khơi của các quốc gia khác và họ không hiểu tại sao tàu chiến Nhật Bản lại vào rất gần, chứ chưa nói đến những khu vực nhạy cảm như vậy. Theo nhà phân tích quân sự này, dường như khu vực xảy ra tai nạn không phải là ngư trường của ngư dân Trung Quốc đại lục. Dựa trên phân tích các thông tin liên quan, lần này tàu đánh cá Trung Quốc đã cố ý đâm tàu chiến Nhật Bản. Ông suy đoán rằng các mối quan hệ Trung – Nhật hiện tại đang được cải thiện và Trung Quốc có thể tính đến điều này, nhưng không chấp nhận các tàu chiến Nhật Bản vào quá gần với vùng biển của Trung Quốc nên đã áp dụng phương pháp này.
Được biết, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh, nhằm hỗ trợ nỗ lực quốc phòng của trung ương. Dân quân biển Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động với sự cho phép, giám sát của PLA. Như các hoạt động đánh bắt, đối phó với bão biển, hỗ trợ Cảnh sát biển tìm kiếm và cứu nạn, hiện diện tại vùng nước tranh chấp, hay tiến hành đẩy, đuổi tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng nước yêu sách được triển khai bởi chính quyền địa phương của Trung Quốc. Ngoài ra, dân quân biển Trung Quốc còn thường xuyên cung cấp các báo cáo tình hình, theo kênh quy định của hệ thống chỉ huy các lực lượng vũ trang Trung Quốc và nó được chia sẻ với các cơ quan khác.
Cấu trúc tổ chức của lực lượng Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc (PAFMM) giống như một kim tự tháp lớn với tầng đáy rộng. Phần lớn trong số hàng nghìn nhân lực Dân quân biển và tàu thuyền đảm nhiệm những nhiệm vụ tương đối thông thường, ví dụ hỗ trợ an ninh cơ bản cho cảng, trong các khu vực bờ biển không có liên quan trực tiếp lãnh thổ hoặc hải quân nước ngoài. Một phần nhỏ hoặc các đơn vị tinh anh được giao nhiệm vụ hoạt động xa bờ biển của Đại lục Trung Quốc và giám sát, áp sát đấu tranh với các nhân tố trên biển của nước ngoài nếu cần thiết, cả trong các vụ việc trên biển quốc tế.
Trong nhiều trường hợp, hành động của dân quân biển Trung Quốc trong các vụ va chạm với bên ngoài xảy ra dưới chuỗi kiểm soát, chỉ huy, hoặc ít nhất có sự giám sát chặt chẽ của PLA. Hơn nữa, một số đơn vị hàng đầu của lực lượng này có vẻ đang được tăng cường chuyên nghiệp hóa và quân sự hóa, họ nhận lương dù không tiến hành đánh bắt, hoặc hoạt động kinh tế dân sự khác. Xu hướng này giúp PLA dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, quản lý, huấn luyện Lực lượng dân quân biển. Chưa kể sau tiến hành cải cách quân đội, Trung Quốc còn ưu tiên tuyển dụng các quân nhân giải ngũ để nâng cao năng lực cho Dân quân Vũ trang biển. Phương thức này được Trung Quốc tiến hành triển khai cả ở Biển Đông, Hoa Đông, và Hoàng Hải.
Từ những vấn đề trên có thể thấy, vụ tai nạn trên là do lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tiến hành, nhằm ngăn chặn và cảnh cáo tàu khu trục của Nhật Bản khi tìm cách hoạt động trong vùng biển “nhạy cảm” gần Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về mặt luật pháp quốc tế, tàu khu trục của Nhật Bản đang hoạt động trên khu vực hải phận quốc tế thì bị tàu Trung Quốc đâm là vi phạm các công ước về an toàn hàng hải. Điều này không chỉ đe dọa đến an toàn tính mạng của thủy thủ Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hòa bình, ổn định trong khu vực.