Để đối phó, ngăn chặn và kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ không chỉ bố trí các loại hình tàu chiến hiện đại mà còn điều thêm máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout.
Trong tháng 3/2020, trang thông tin thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hình ảnh trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout cùng tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (thuộc lớp Independence) hoạt động trên Biển Đông. Điều này cho thấy, việc kết hợp giữa tàu tên lửa tấn công hải quân loại mới kết hợp cùng máy bay trực thăng không người lái được xem là một cặp đôi “sát thủ” trên biển mà Mỹ đang triển khai ở Biển Đông giữa bối cảnh Trung Quốc có nhiều động thái gây căng thẳng. Tàu USS Gabrielle Giffords được Hải quân Mỹ cho biết đang triển khai luân phiên đến Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thực hiện các hoạt động tác chiến, tập trận, thăm cảng trên toàn khu vực và hoạt động cọ sát với hải quân các đồng minh và đối tác nhằm mang đến ổn định và an ninh hàng hải – những trụ cột chính của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. USS Gabrielle Giffords có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, chiều dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 – 1.700 km. USS Gabrielle Giffords là tàu chiến đầu tiên được trang bị tên lửa tấn công trên biển (NSM) mới của Mỹ do hãng Raytheon phát triển.
Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết ban đầu, tàu chiến cận bờ được Mỹ phát triển để thực thi các nhiệm vụ như chống cướp biển, chống khủng bố… hay ứng phó với các tàu chiến nhỏ của Vệ binh cách mạng Iran thời hậu Chiến tranh lạnh. Theo hình thức này, khi kết hợp cùng nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu chiến cận bờ có nhiệm vụ xác định mục tiêu, để nhóm tác chiến triển khai tấn công. Tuy nhiên, bắt đầu thập niên 2000 thì tình hình đã thay đổi, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nhất là các hoạt động của nước này ở Biển Đông, khiến Washington gần đây triển khai tàu chiến cận bờ đến Biển Đông bởi loại tàu này phù hợp với tính chất của vùng biển này. Tuy nhiên, so với chiến hạm của Trung Quốc, thì tàu chiến cận bờ của Mỹ không thể tương xứng về hỏa lực. Bởi tàu chiến cận bờ lớp Independence lẫn lớp Freedom đều chủ yếu dựa vào các hệ thống pháo với loại pháo mạnh nhất cũng chỉ 57 mm. Về tên lửa thì lớp Independence chỉ mang tên lửa AGM-114 Hellfire tầm bắn khoảng 10 km dùng để tấn công tàu chiến hoặc mục tiêu cố định. Lớp Freedom có thêm tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 (một số tàu lớp Independence cũng mang tên lửa loại này). Thế nhưng, tương quan hỏa lực nay đã đổi khác, bởi Mỹ bắt đầu tăng cường vũ khí cho chiến hạm cận bờ (thuộc các lớp Independence và Freedom) khi mang theo máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout và tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM), giúp cải thiện tình hình đáng kể.
Đây là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp tàu chiến Mỹ. Cụ thể, nếu Harpoon nặng 700 kg thì NSM chỉ 407 kg nên có thể trang bị cho nhiều loại tàu chiến hơn. Bên cạnh đó, tuy có khối lượng đầu đạn chỉ 100 kg tức thua mức 248 kg của Harpoon, nhưng NSM lại có cơ chế nổ và công nghệ điện tử tiên tiến hơn để tối đa hóa độ chính xác và sức công phá. Giai đoạn cuối của NSM cũng được tinh chỉnh về mặt công nghệ để cập nhật kịp thời mục tiêu và gia tăng tính chính xác. Trong một số trường hợp, NSM có tầm bắn lên đến 300 hải lý (hơn 550 km) tức không thua kém, thậm chí vượt cả Harpoon. Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả hiện nay của NSM vào khoảng 100 hải lý (khoảng 185 km) với tầm bay gần như sát mặt nước để dễ dàng vượt qua các hàng phòng thủ tên lửa được lắp trên các tàu chiến. Theo một bài phân tích của chuyên gia quân sự trên chuyên san The National Interest, NSM nằm trong nhóm 5 tên lửa đối hạm đủ sức đánh chìm hầu hết các loại tàu chiến nổi.
Bên cạnh đó, khả năng tác chiến của NSM còn mạnh mẽ hơn khi kết hợp cùng máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout. Xét về hỏa lực, MQ-8B Fire Scout chỉ được trang bị các loại tên lửa tầm ngắn như Hellfire, bom dẫn đường cỡ nhỏ, tên lửa tấn công mặt đất. Tuy nhiên, dòng máy bay này lại sở hữu hệ thống điện tử tối tân, nhất là các bộ cảm biến, radar hải quân cực nhạy cả ban ngày lẫn ban đêm. Hệ thống radar trên MQ-8B Fire Scout có tầm bao phủ với bán kính khoảng 80 km. Nhờ đó, khi phối hợp với NSM, MQ-8B Fire Scout có thể đóng vai trò trinh sát từ xa để “chỉ điểm” về hệ thống vũ khí trên tàu chiến, rồi chuyển dữ liệu để khai hỏa NSM. Với sức mạnh này, tàu chiến cận bờ lớp Independence có thể “đụng độ” với tàu chiến cỡ lớn của đối phương. Sự thay đổi về sức mạnh, lại có tính linh hoạt cao, nên tàu chiến cận bờ đang được Mỹ sử dụng trong các nhiệm vụ mà trước đây thường được tiến hành bởi tàu khu trục hoặc tàu tuần dương. Điển hình là việc thực thi tự do hàng hải (FONOP) áp sát các thực thể, đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép trên Biển Đông.
Được biết, Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3.5 triệu km2, từ vĩ độ 3° đến 26° Bắc và từ kinh độ 100° đến 121° Đông. Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, băng cháy…). Biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Không những vậy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực đang phát triển, có thị trường lớn; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… qua các nước châu Âu, châu Mỹ; nhập khẩu thiết bị kỹ thuật công nghệ cao từ các nước phát triển. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, các nước thường sử dụng đường biển vì nó có ưu điểm về kinh tế so với các loại hình vận chuyển khác. Trong khu vực, một số nước có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển. Đối với một số nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Australia…, thị trường xuất nhập khẩu của những nước này chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hàng hóa vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Ấn Độ Dương đều phải qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, nếu xảy ra xung đột ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy dọc theo đường mới hoặc vòng qua phía Nam Australia, khi đó cước phí vận tải tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước. Ngoài ra, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông còn có ý nghĩa lớn về mặt quân sự đối với Mỹ và các nước đồng minh, vì: Đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines, Singapore) đều có mối liên hệ mật thiết với Biển Đông; Tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc; Có tuyến đường ngắn nhất để Mỹ chuyển quân từ Hạm động Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông, Tây Á (từ Biển Đông chạy qua eo Malacca); Đảm bảo an ninh hàng hải cho các tàu thương mại của Mỹ và các nước đồng minh.
Vì vậy, từ trước đến nay, Mỹ luôn giữ quan điểm phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…) và tăng cường điều tàu chiến, máy bay tuần tra trong vùng biển này.