Trong bối cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ phải cập cảng tại đảo Guam do sự bùng phát của dịch Covid-19, Mỹ đã điều tàu đổ bộ tấn công LHA-6 America mang theo máy bay chiến đấu F-35B tiến hành diễn tập cất hạ cánh ở trên Biển Đông.
Theo thông tin trên, tàu đổ bộ tấn công LHA-6 America (01/4) mang theo nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35B đã tiến hành diễn tập ở ven biển Philippines thuộc Biển Đông. Cuộc diễn tập chủ yếu tập trung vào khoa mục cất hạ cánh máy bay F-35B và máy bay vận tải MV-22B Osprey. Trong cuộc tập trận lần này, tàu đổ bộ tấn công LHA-6 được sử dụng với vai trò như một tàu sân bay hạng nhẹ thay vì chức năng truyền thống.
Trong thông cáo do Quân đội Mỹ đưa ra, cuộc tập trận lần này nằm trong khuôn khổ hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hạm đội 7. Thông cáo nêu rõ, tàu đổ bộ tấn công LHA-6 của lực lượng viễn chinh Thủy quân Lục chiến thuộc Hạm đội 7 đang tiến hành thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nhiệm vụ lần này nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa các đối tác và đồng minh Mỹ trong khu vực. Đây được coi là lực lượng phản ứng nhanh của Mỹ và lực lượng này sẵn sàng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
USS America là mẫu tàu đổ bộ tấn công mới nhất của hải quân Mỹ, được biên chế từ cuối năm 2014. Tàu được đóng mới nhằm mục đích thay thế cho tàu đổ bộ tấn công tiền nhiệm LHA-5 Peleliu lớp Tarawa chuẩn bị ngừng hoạt động. USS America là một con tàu rất đa năng, có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ tác chiến trên biển kể cả tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm họa thiên tai. Với tư duy chiến thuật mới thiên hoàn toàn về đổ bộ đường không, LHA-6 America không có khoang đổ bộ ngập nước truyền thống như các tàu thế hệ trước. LHA-6 America có chiều dài 257 m; chiều rộng 32 m; mớn nước 7,9 m; lượng giãn nước đầy tải 45.693 tấn. Biên chế của tàu gồm 65 sĩ quan, 994 thủy thủ và có thể mang theo 1.687 lính thủy đánh bộ. Vũ khí trang bị của LHA-6 America bao gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx và 7 súng máy 12,7 mm nòng đôi. Tàu có thể mang tới 38 máy bay các loại, bao gồm 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 8 trực thăng tấn công AH-1Z Cobra, 4 trực thăng vận tải CH-53E Super Stallion, 4 trực thăng tìm kiếm cứu hộ MH-60S Seahawk. Tuy nhiên nếu chỉ mang theo F-35B, số lượng tối đa có thể lên tới 20 chiếc. Với số lượng máy bay mang theo như trên, rất dễ nhận thấy rằng chiếc tàu đổ bộ tấn công LHA-6 America còn có khả năng hoạt động như một tàu sân bay mini.
Khi thực hiện chức năng này, nó có thể mang theo tới 20 tiêm kích thế hệ 5 F-35B cùng 2 trực thăng MH-60S. Với lực lượng trên, LHA-6 còn có sức mạnh vượt trội nhiều tàu sân bay hạng trung khác. Thậm chí khi so sánh với một chiếc tàu sân bay đình đám hiện nay là Liêu Ninh hay cả tàu sân bay Type 001A mới đóng xong của Hải quân Trung Quốc thì LHA-6 Ameria vẫn vượt trội. Điểm cốt yếu khiến LHA-6 America được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ đó là tiêm kích tàng hình F-35B có tính năng kỹ chiến thuật vượt xa dòng J-15 do Trung Quốc chế tạo. Biên đội 20 chiếc F-35B khi thực hiện chức năng tàu sân bay của chiếc USS America theo đánh giá thì thừa khả năng bắn hạ toàn bộ 40 chiếc J-15 trang bị cho Liêu Ninh hay Type 001A. F-35B mặc dù là phiên bản bị giới hạn về tầm hoạt động cũng như tải trọng vũ khí so với F-35A hay F-35C nhưng do tàu sân bay Trung Quốc không có máy phóng nên thực chất J-15 cũng bị vướng các nhược điểm như F-35B. Với tính năng tàng hình ưu việt F-35B thừa khả năng phát hiện J-15 từ rất xa để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp, trong khi đó máy bay của Trung Quốc gần như chẳng thể làm điều tương tự với F-35B, cho nên nếu xảy ra tình huống đối đầu trực diện thì phần thua sẽ chắc chắn thuộc về Trung Quốc.
Được biết, F-35B là loại cất cánh khoảng cách ngắn và đáp thẳng xuống, thay thế AV-8B. F-35B dài 15,37 m (50 ft 6 in), sải cánh 10,6 m (35 ft), cao 4,33 m (17 ft 4 in); diện tích bề mặt cánh 42,7 m² (459.6 ft²); trọng lượng không tải 12.000 kg (26.000 lb); trọng lượng có tải 20.100 kg (44.400 lb); trọng lượng cất cánh lớn nhất 27.200 kg (60.000 lb). F-35B có tốc độ lớn nhất 1,6 Mach (1.930 km/h; 1.200 mph), tầm bay tối đa 2.200 km (1.200 nmi; 1.400 mi), bán kính chiến đấu 1.100 km (600 nmi; 690 mi). Nó được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, gồm: 180 quả đạn pháo gắn bên ngoài, mang theo tối đa 8.100 kg bom, tên lửa hoặc vũ khí khác. Trong thân máy bay, tối đa 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất… Trong tương lai, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị chiến đấu cơ F-35B cho tất cả các tàu đổ bộ tấn công của nước này, biến Mỹ trở thành quốc gia có 22 tàu sân bay các loại thay vì 11 chiếc như hiện nay.
Việc Mỹ liên tục điều tàu chiến, tàu sân bay, máy bay chiến đấu hiện đại hiện diện ở Biển Đông được cho là nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực, cũng như ngăn chặn, răn đe các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo giới chuyên gia, cuộc tập trận trên của Mỹ cũng là cách để gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc, cụ thể: Thứ nhất, Mỹ kiên quyết đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Sự có mặt của lực lượng quân đội Mỹ sẽ giúp đảm bảo an ninh và sự ổn định cần thiết cho các bên khác nhau tiến hành đối thoại ngoại giao và giải quyết tranh chấp. Thứ hai, đảm bảo lợi ích của Mỹ. Biển Đông là một tuyến vận chuyển đường biển quốc tế quan trọng và chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú. Thứ ba, buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế Hague đã ra phán quyết trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Tòa phán quyết những yêu sách về chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra căn cứ vào lịch sử của họ là không có cơ sở pháp luật và kết luận: đòi hỏi của Trung Quốc về vùng biển họ tranh chấp với Philippines và yêu sách của họ về quyền lợi biển dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn” và vùng biển liên quan cùng các hoạt động lấp biển tạo đảo tại các bãi san hô ở Trường Sa là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Sau đó, Trung Quốc tuyên bố phán quyết này là “không có hiệu quả và không ràng buộc” và bày tỏ phía Trung Quốc “không chấp nhận cũng không thừa nhận” phán quyết này. Những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã thường xuyên tiến hành các “hành động tự do hàng hải” trên Biển Đông, thông qua đó để khẳng định đây là vùng biển quốc tế, Trung Quốc không có quyền ngăn chặn tàu thuyền các nước hoạt động hợp pháp trong vùng biển này. Thứ tư, thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh Philippines.