Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Nhật tập trận tác chiến đối phó với các mối...

Mỹ – Nhật tập trận tác chiến đối phó với các mối đe dọa an ninh trên biển

Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ (3/4) cho hay các lực lượng Mỹ và Nhật Bản vừa tập trận chung trên biển Andaman giáp với Thái Lan, Myanmar và Indonesia.

Theo thông tin trên, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (lớp Independence) của Mỹ và khu trục hạm JS Teruzuki (lớp Akizuki) của Nhật ngày 2/4 tiến hành diễn tập liên lạc và phân tán đội hình nhằm tăng cường khả năng phối hợp. Chuẩn đô đốc Fred Kacher chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 cho biết, các cuộc tập trận tương tự giúp tăng cường cam kết đảm bảo an ninh, ổn định, thịnh vượng và bảo vệ vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nhật Bản là đồng minh, đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong nhiều năm trở lại đây, hai nước liên tục tiến hành các cuộc tập trận trên biển để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Trong năm 2019, Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông với sự tham gia của tảu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ và tàu tấn công đổ bộ JS Izumo của Nhật Bản. Theo thông tin trên, cuộc tập trận bắt đầu diễn ra vào ngày 10/6. Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan và một số tàu chiến khác, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) gửi tàu sân bay trực thăng JS Izumo cùng 2 khu trục hạm JS Murasame và JS Akebone. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận thông tin và cho biết, nội dung diễn tập bao gồm huấn luyện chiến đấu chung ở lãnh hải và không phận của Biển Đông. Trong khi đó, Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố Hải quân Mỹ và JMSDF thường triển khai máy bay, tàu thuyền và hoạt động cùng các đồng minh để thúc đẩy an ninh, ổn định trên toàn khu vực.

Trước đó, để đáp trả Trung Quốc điều máy bay chiến đấu áp sát khu vực giữa đảo Okinawa và Miyako, Mỹ và Nhật Bản (4/4/2019) tiến hành tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm răn đe và đáp trả hành động khiêu khích của Bắc Kinh. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và Không quân Mỹ (4/4) đã tổ chức tập trận huấn luyện tác chiến ở khu vực Hoa Đông. Các máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam vừa được triển khai huấn luyện với Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) và máy bay chiến đấu Mỹ có trụ sở tại Okinawa nằm ở Tây Thái Bình Dương. Người phát ngôn Không quân Mỹ Monica Urias cho biết, 02 máy bay ném bom B-52 H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam (Mỹ) đã tiến hành huấn luyện tích hợp với máy bay chiến đấu Koku-Jieitai thuộc ASDF và các chiến đấu cơ F-15, thuộc Phi đội 18 của Mỹ đóng tại căn cứ Kadena (Nhật Bản). Nhiệm vụ trên được thực hiện ngay sau khi Không quân Trung Quốc điều động tổng cộng 06 máy bay ném bom H-6G và H-6K cũng như lực lượng tác chiến điện tử, máy bay giám sát và máy bay chiến đấu bay qua eo biển Miyako thuộc không phận quốc tế giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Nhiệm vụ huấn luyện vừa qua của Mỹ với ASDF là lần đầu tiên kể từ buổi diễn tập tương tự trên Biển Hoa Đông vào ngày 20/3/2019. Cả hai nhiệm vụ trên là một phần của sứ mệnh hiện diện máy bay ném bom liên tục mà quân đội Mỹ cho biết đã diễn ra từ tháng 3/2004 và là một phần của chính sách tự do hàng không của Mỹ.

Giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực nhận định cuộc tập trên là hành động cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Họ cho rằng cuộc tập trận thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ, Nhật Bản về luật pháp quốc tế ở Hoa Đông và Biển Đông, mà còn xây dựng nên cầu nối những bên có cùng mối quan tâm trước Bắc Kinh. Sự kiện này thể hiện dấu hiệu về sự bất bình của cộng đồng quốc tế đối với các hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trái ngược với nhận định, đánh giá của cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc có cách nhìn phiến diện, lệch lạc và tìm cách chỉ trích Mỹ và đồng minh; cho rằng cuộc tập trận trên chỉ khiến căng thẳng leo thang, không hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đồng thời “lên án” Mỹ và các nước đồng minh tìm cách “can thiệp” vào tranh chấp ở Biển Đông.

Quân đội Mỹ và Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận như vậy ở biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đang tranh chấp. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát. Bắc Kinh thường củng cố yêu sách chủ quyền bằng cách điều tàu và máy bay đến khu vực xung quanh các đảo nhỏ. Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục có thái độ cứng rắn khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản trước Trung Quốc. Theo đó, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản khỏi sự xâm phạm theo Điều 5 Hiệp ước Hợp tác và An ninh giữa hai nước và giới chức hàng đầu của Mỹ đã khẳng định điều này mở rộng đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần khẳng định lập trường của Mỹ cho rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc phạm vi Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Tại phiên điều trần xét bổ nhiệm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy khẳng định: “Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ”. Quốc hội Mỹ (21/12/2012) thông qua dự luật tái khẳng định cam kết của Washington đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông theo như Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ. Dự luật bao gồm nội dung liên quan tới tình hình diễn ra ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo dự luật, Mỹ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku, song công nhận quần đảo này là thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Cũng theo dự luật, hành động đơn phương của một bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng tới sự công nhận của Mỹ đối với quyền quản lý Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (29/4/2013) khẳng định quần đảo Điếu Ngư/Senkaku được bảo vệ bởi một hiệp ước quân sự giữa Washington và Tokyo, tái khẳng định Mỹ tuy không có lập trường đối với chủ quyền cuối cùng của quần đảo này, nhưng Mỹ công nhận nó thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nằm trong các nghĩa vụ của hiệp ước an ninh giữa hai nước.

Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật (ký năm 1960) nêu rõ, “mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới