Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines điều chỉnh chính sách Biển Đông, điều gì sẽ đến?

Philippines điều chỉnh chính sách Biển Đông, điều gì sẽ đến?

Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III lãnh đạo, Philippines theo đuổi chính sách “cứng rắn” trong vấn đề Biển Đông, chủ động khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) và củng cố liên minh với Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh xâm phạm các lợi ích của quốc gia. Khi đó, Philippines là nước “đi đầu” trong đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2016, khi Thị trưởng thành phố Davao là ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống Philippines nhiệm kỳ 2016 – 2022, chính sách Biển Đông của nước này đã có sự điều chỉnh theo hướng “ngả” về phía Trung Quốc nhiều hơn. Theo đó, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18 – 21/10/2016, Tổng thống Duterte đã có những bước đi nhằm “phá băng” quan hệ hai nước và từ sau chuyến thăm đó đến nay, ông Duterte còn đến thăm Trung Quốc 4 lần nữa. Trong cả 4 lần sau đó, vấn đề Biển Đông được hai bên cho rằng “không phải là trở ngại trong mối quan hệ giữa hai nước”.

Vậy, chính quyền của ông Duterte đã điều chỉnh chính sách Biển Đông như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc?

Khác với chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền Philippines dưới thời Tổng thống Duterte đã thay đổi nhận thức trong vấn đề Biển Đông khi không coi vấn đề này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Theo tính toán của ông Duterte, việc Philippines tạm gác đòi hỏi chủ quyền ở bãi cạn Scarborough là “chi phí nhỏ” để đổi lấy những lợi ích lớn hơn, tức là “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”. Theo đó, Manila có thể “ngầm” chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát thực tế ở bãi cạn Scarborough (vì cũng khó có khả năng đẩy các lực lượng của Trung Quốc ra khỏi bãi cạn), nhưng đổi lại, ngư dân của Philippines vẫn được đánh bắt hải sản bình thường ở khu vực này. Tiếp theo, hai nước có thể “hạ cánh mềm” trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vì quan hệ Trung – Phi không chỉ bó hẹp xung quanh vấn đề này, mà còn có thể hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực rộng rãi hơn như phát triển kinh tế, tái thiết cơ sở hạ tầng, phòng chống tội phạm có tổ chức, chống khủng bố quốc tế… Hơn nữa, giảm căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tạo cơ hội hợp tác và làm giảm nguy cơ từ bên ngoài, tạo điều kiện để Manila tập trung vào xử lý các vấn đề bên trong, như chống tội phạm ma tuý, tham nhũng và phát triển kinh tế.

Trên thực tế, những diễn biến trong 4 năm qua cho thấy, chính quyền Philippines đã có sự điều chỉnh cả về mục tiêu, thứ tự ưu tiên và biện pháp triển khai chính sách Biển Đông để đổi lấy quan hệ ổn định với Trung Quốc, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế và nâng cao cuộc sống cho người dân. Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016, Tổng thống Duterte không “đả động” gì đến vụ kiện Biển Đông được PCA ra phán quyết, mà để phía Trung Quốc chủ động nêu trước rồi trao đổi lại. Ông tuyên bố, phán quyết của PCA chỉ là “vấn đề song phương” giữa Philippines với Trung Quốc và sẽ không nêu vấn đề Biển Đông tại bất cứ diễn đàn quốc tế nào, kể cả diễn đàn của ASEAN. Được như ý, phía Trung Quốc liền cam kết cung cấp khoản tín dụng 9 tỷ USD cho Philippines và ký kết với ông Duterte các thỏa thuận hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng ở Philippines trị giá hơn 15 tỷ USD. Trong tuyên bố chung của chuyến thăm cũng nêu, Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể quan hệ Phi – Trung, hai bên cam kết “tham vấn song phương”, giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán bởi “các nước có chủ quyền liên quan trực tiếp” và tiếp tục thảo luận các biện pháp xây dựng lòng tin. Tuy Manila vẫn còn nhớ ‘cài” một câu rằng, tiếp cận song phương không có nghĩa là từ bỏ đa phương và trong trường hợp “không phương hại đến các cơ chế khác”. Sau chuyến thăm trên, người ta thấy ngư dân Philippines đã quay lại đánh bắt cá ở Scarborough mà không bị tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản. Tại Hội nghị cơ chế tham vấn Philippines – Trung Quốc về Biển Đông (BCM) lần thứ 2 được tổ chức tại Manila tháng 02/2018, hai bên một lần nữa khẳng địnhtranh chấp Biển Đông không phải là toàn bộ của quan hệ Trung – Phi.

Những điều chỉnh trong chính sách Biển Đông của Chính quyền Duteter đối với Trung Quốc đã đem lại cho Philippines một số lợi ích kinh tế quan trọng, như giành được nhiều hợp đồng kinh tế lớn để phát triển cơ sở hạ tầng ven biển; ký hợp đồng khai thác dầu khí tại lô SC57, có diện tích 720.000ha ở biển Tây Philippines do Công ty dầu mỏ quốc gia Philippines kết hợp với Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) khai thác, giúp cho nước này giải quyết tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng. Ông Duteter “khấp khởi” mừng rằng không lâu nữa, quốc đảo của mình sẽ thành “con Rồng” mới ở châu Á.

Thế thì, đâu là nguyên nhân chính khiến Chính quyền Duterte có sự điều chỉnh như trên?

Thứ nhất, phải nói ông Duterte là người có tư tưởng “cánh tả” chống đế quốc. Ông đã từng học chính trị từ người thầy Jose Maria Sison, người sau đó sáng lập ra Đảng Cộng sản Philippines. Ông cũng từng bất mãn với di sản thực dân ở Philippines và cho rằng, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã dính líu vào việc giúp nghi phạm người Mỹ tên là Meiring đào tẩu khỏi Philippines sau khi gây ra vụ nổ ở khách sạn tại thành phố Davao năm 2002. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn một chút, sẽ thấy ông Duterte là một chính trị gia thực dụng. Những phát biểu hay “gây sốc” dư luận của ông có vẻ như là “trò giải trí” nhưng ẩn chứa bên trong là sự dày dạn kinh nghiệm chính trường. Khác với những đời tổng thống trước đó thường có phong thái chính khách “sa lông” vì đều xuất phát từ tầng lớp tinh hoa, ông Duterte lại tỏ ra có tác phong giản dị, gần dân. Ông thường khéo léo né tránh những câu hỏi mà ông cảm thấy thiếu tế nhị và bất chấp tâm lý phản đối Trung Quốc còn phổ biến trong nước, ông Duterte vẫn kiên quyết chủ trương đối thoại trực tiếp và tránh xung đột với Bắc Kinh. Điều đó cho thấy, ông Duterte đang nỗ lực tạo sự “cân bằng” trong quan hệ với các nước lớn thông qua kỹ năng xử lý tình huống của riêng ông để đạt được mục tiêu cuối cùng là lợi ích kinh tế.

Thứ hai, sự điều chỉnh theo hướng “cân bằng” chính sách đối ngoại của Chính quyền Duterte còn xuất phát từ những cam kết nửa vời của Mỹ trong việc bảo vệ và hỗ trợ Philippines phát triển. Ông Duterte từng chỉ trích mạnh mẽ khía cạnh hợp tác quân sự với Mỹ, cho rằng Mỹ không thực hiện nghĩa vụ của hiệp ước liên minh trong trường hợp Philippines bị tấn công. Mục tiêu của Philippines liên minh với Mỹ là để bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó có chủ quyền lãnh thổ, nhưng sự hiện diện của Mỹ ở Philippines đã hầu như không có tác dụng gì khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của nước này, ngược lại, còn phần nào làm cho người Philippines cảm thấy bị đối xử như “thuộc địa” của Mỹ. Ở quốc đảo này vẫn không thiếu những thành phần dân tộc chủ nghĩa, không muốn Philippines phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và ông Duterte không phải là ngoại lệ.

Thứ ba, trong khi Trung Quốc ủng hộ chính sách ổn định trật tự trong nước của Tổng thống Duterte thì Mỹ và phương Tây lại chỉ trích gay gắt. Ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Duterte đã đàm phán hòa giải với lực lượng Hồi giáo ly khai Monro và phát động chiến dịch “mạnh tay” chống tội phạm ma túy. Nhưng Mỹ và phương Tây đồng thanh phê phán cách thức Manila hành quyết tội phạm ma túy không qua xét xử là “vi phạm nhân quyền”. Ngược lại, Trung Quốc ủng hộ và giúp Manila xây dựng một trung tâm cai nghiện có thể chứa 10.000 người. Giới phân tích ở Philippines cho rằng, việc Mỹ chỉ trích cuộc “chiến tranh nhân dân” chống ma túy của Manila thể hiện sự can thiệp quá sâu vào các vấn đề nội bộ của Philippines cũng như thẩm quyền và chức trách của Tổng thống, vượt quá phạm vi hiệp ước liên minh giữa hai nước.

Thứ tư, Philippines muốn giảm căng thẳng với Trung Quốc để thực hiện tốt vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2017 và nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018 đến năm 2021. Nhiệm vụ chính của nước điều phối quan hệ ASEAN với các nước đối tác đối thoại là đại diện cho ASEAN thúc đẩy phát triển quan hệ, nên giảm căng thẳng với Trung Quốc sẽ thuận lợi cho Philippines trong việc cân bằng nghị trình Biển Đông trong số nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN và quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Từ sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Chính quyền Tổng thống Duteter và nguyên nhân của sự điều chỉnh đó đặt ra câu hỏi là nó sẽ có tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông?

Cần khẳng định: việc Manila điều chỉnh chính sách Biển Đông theo xu hướng trên đã và sẽ làm thay đổi lớn đến tình hình Biển Đông. Cụ thể:

Một là, điều chỉnh chính sách Biển Đông của Chính quyềnDuterte đã tạo ra sự dịch chuyển địa – chính trị ở khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Quan hệ Phi – Trung “đảo chiều” từ đối đầu sang đối thoại, từ căng thẳng sang hòa dịu sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” ở khu vực. Các nước khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng có thể vì lợi ích kinh tế mà sẽ thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, qua đó giúp Trung Quốc giành thắng lợi trong chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc” đối với các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Ngược lại, quan hệ Manila – Washington có chiều hướng căng thẳng lên, điều này thể hiện rõ qua việc gần đây nhất, ngày 11/02/2020, Manila chính thức thông báo sẽ hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ. Việc làm này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông.

Hai là, điều chỉnh chính sách Biển Đông của Philippines tạo ra “cú sốc” ngắn hạn cho những nước muốn kiềm chế Trung Quốc. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực ngày càng tăng là nhân tố thúc đẩy các nước trong khu vực lựa chọn hợp tác hơn là kiềm chế Trung Quốc. Nhưng, sự chuyển dịch của Philippines đồng nghĩa với lợi ích và vai trò của các nước muốn kiềm chế Trung Quốc, tiêu biểu là Mỹ, sẽ bị thu hẹp vì Philippines án ngữ ở chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Biển Đông, trong khi Biển Đông là vấn đề an ninh trung tâm hiện nay, là phép thử cho sức mạnh và cam kết của Mỹ đối với khu vực. Do đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản hoặc Australia phải tính toán lại khía cạnh kiềm chế Trung Quốc trong tổng thể chính sách khu vực của họ.

Ba là, sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Tổng thống Duterte sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong tiến trình đàm phán COC, Trung Quốc yêu cầu các nước ASEAN không được hợp tác khai thác dầu khí chung với một nước thứ ba ngoài Trung Quốc; không được tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc; không được đưa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vào trong đàm phán COC. Không những thế, Trung Quốc còn yêu cầu nếu COC ra đời thì phạm vi điều chỉnh không bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo nhân tạo mà nước này đã và đang xây dựng, cũng như bãi cạn Scarborough của Philippines. Đây là những yêu cầu quá ngang ngược và phi lý, nhưng đáng tiếc là Chính quyền Duterte do theo đuổi chính sách “gác lại tranh chấp, giành các hợp đồng kinh tế” và chiến lược “xây dựng, xây dựng, xây dựng” với nguồn tài trợ vốn từ Trung Quốc, nên đã phớt lờ và giữ im lặng trong vấn đề này.

Đối với Việt Nam, sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Manila sẽ làm tăng nguy cơ tranh chấp chủ quyền giữa các bên tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam ở quần đảo này và các vùng phụ cận. Sau khi Philippines điều chỉnh chính sách Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biển này. Sự chia rẽ lập trường của các nước ASEAN sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc có lợi thế trong việc thực hiện âm mưu, ý đồ của họ ở Biển Đông.

Có điều cần nói thêm là, mặc dù có những bước đi “hòa dịu” với Trung Quốc, gây “xáo trộn” phần nào quan hệ với Mỹ và làm thay đổi “cán cân” lực lượng ở Biển Đông, nhưng ông Duterte cũng đang gặp phải những trở ngại nhất định trong thực thi chính sách của mình.

Thứ nhất, cho dù đã có bước đi “phá băng” quan hệ với Trung Quốc, nhưng theo Thẩm phán Philippines Antonio Carpio, nếu đi quá xa, nhất là “nhượng” chủ quyền bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc thì Tổng thống Duterte sẽ bị quy kết là vi phạm hiến pháp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến “chiếc ghế” Tổng thống nên ông Duterte sẽ phải cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, các dự án “khai thác chung” với Trung Quốc ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines phải phù hợp với nội luật của Philippines vì vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này không chồng lấn với EEZ của Trung Quốc, trong khi Hiến pháp Philippines coi EEZ của nước này là một phần lãnh thổ quốc gia cần được bảo vệ. Dù ai là Tổng thống Philippines thì cũng đều phải xử lý vấn đề này.

Thứ hai, Chính quyền Duterte chủ trương “gác” lại tranh cãi về pháp lý nhưng không thể bỏ qua hoàn toàn phán quyết của PCA, bởi ở trong nước, các lãnh đạo chủ chốt của Philippines như các cựu Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện, Tòa án tối cao, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan và cả đông đảo dân chúng đều ủng hộ vụ kiện. Ngoài nước, Mỹ và các nước đối tác chiến lược khác của Philippines như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) cũng ủng hộ. Vì vậy, ôngDuterte không thể dễ dàng phớt lờ kết quả của vụ kiện.

Thứ ba, các phát biểu và động thái “bài Mỹ” của Tổng thống Duterte khiến cho quan hệ Mỹ – Phi biến động, nhưng Philippines chưa thể cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ vì Manila có mối quan hệ khá chặt chẽ về kinh tế, quân sự và xã hội với Washington, trong khi Mỹ cũng sẽ gây áp lực nếu Philippines tiến gần quá với Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai và là đối tác viện trợ quân sự lớn nhất của Philippines. Trong khi đó, nguồn vốn FDI trên thực tế đổ vào Philippines từ Trung Quốc không đáng kể cho dù nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. Bên cạnh đó, Philippines là mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên minh ở khu vực, trong “Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á” và vẫn là “đồng minh ngoài NATO” của Mỹ. Hơn 1,8  triệu người Phi đang sinh sống ở Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng trong nước. Những phát biểu “gây sốc” của ông Duterte có thể ví như trường hợp Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi uy tín của Mỹ ở Philippines vẫn còn rất cao. Trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte năm 2016, có tới 92% người dân Philippines được hỏi vẫn tin tưởng vào Mỹ. Do đó, quan hệ Phi – Mỹ dù có biến động nhưng chưa thể “đổ vỡ” trong “ngày một ngày hai”.

Thứ tư, Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Philippines để “làm mờ” phán quyết của PCA nhưng vẫn còn rất cảnh giác với nước này. Mặc dù Philippines có động thái “tách” khỏi Mỹ là tín hiệu tích cực cho Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn thận trọng xem khả năng Manila có thể đi xa đến mức độ nào. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẵn sàng thỏa hiệp vấn đề đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough, nhưng như vậy không có nghĩa là họ không sẵn sàng triển khai cải tạo bãi cạn Scarborough. Có người còn nhận định: Trung Quốc và Philippines có thể dựa vào các hiệp định trước thời kỳ Chính quyền Aquino III để đàm phán. Trung Quốc có thể cho ngư dân Philippines đánh bắt cá ở xung quanh bãi cạn Scarborough nhưng sẽ đi kèm với thoả thuận “khai thác chung” ở Biển Đông. Vì thế, nghi kị của Bắc Kinh về thực tâm của ông Duterte cũng ảnh hưởng đến tiến độ cải thiện quan hệ Trung – Phi nói chung và việc Manila điều chỉnh chính sách Biển Đông nói riêng.

Như vậy, kể từ năm 2016 đến nay, Chính quyền Tổng thống Duterte đã và đang có những bước đi trong điều chỉnh chính sách Biển Đông theo hướng cân bằng hơn so với chính quyền tiền nhiệm, thể hiện qua việc gác lại phán quyết của PCA, đàm phán song phương với Trung Quốc và tìm cách “tách” khỏi Mỹ để tỏ thiện chí với Trung Quốc. Sự điều chỉnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau cả ở trong, ngoài nước và mang đến những tác động nhất định đối với khu vực và Biển Đông, trong đó Trung Quốc sẽ có được nhiều “lợi thế” hơn ở Biển Đông. Song, cả Trung Quốc và Philippines đều thực dụng, đều có tính toán, đều đặt bài toán lợi ích riêng lên trên hết, vì thế khu vực này sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường trước các bước đi của hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới