Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng để bàn giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Hoạt động bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông khiến cộng đồng thế giới lo ngại – Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp tay ba ở New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nhật Bản Sushma Swaraj đã kêu gọi cần có “giải pháp hòa bình” cho các tranh chấp biển đảo theo đúng luật pháp quốc tế, cũng như “quyền tự do lưu thông, giao thương và triển khai các chuyến bay” qua các vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông, theo tờDeccan Herald (Ấn Độ) ngày 1.10.
Deccan Herald cho biết cuộc họp lần này, diễn ra vào ngày 29.9, đánh dấu sự nâng tầm từ cuộc họp được tổ chức lần đầu năm 2011 như dịp để tăng cường sự tương tác giữa các nhà ngoại giao cấp cao của 3 quốc gia.
Lời kêu gọi trên cũng là dấu hiệu cho thấy Washington, Tokyo và New Dehli đang ngày càng tỏ ra cùng có mối quan tâm chiến lược chung đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhật báo Ấn Độ nhận định.
“Với Ấn Độ, châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là những khu vực mang tính chiến lược đối với lợi ích an ninh và kinh tế của chúng tôi”, bà Swaraj nói.
Nữ ngoại trưởng Ấn Độ cũng nói thêm rằng các tuyến hải trình trong khu vực là mang tính sống còn đối với lĩnh vực giao thương với bên ngoài của nước này.
“Một phần quan trọng trong ngành năng lượng và mua bán hàng hóa của chúng tôi được vận chuyển qua các tuyến hải trình quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương. Là một quốc gia dựa trên luật pháp, chúng tôi luôn ủng hộ tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế”, bà Swaraj cho hay.
Được biết, việc đảo quốc Maldives cho phép người nước ngoài mua đảo hồi tháng 7 đã khiến các quan chức Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể sớm tiến hành cải tạo, xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương, song song với hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Chính phủ Ấn Độ, lâu nay có mối quan hệ chặt chẽ với Maldives và Sri Lanka, đã bày tỏ quan ngại trước động thái này của Maldives, đồng thời lo ngại Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để bành trướng sang Maldives, một đảo quốc có 1.200 hòn đảo, nằm tại vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương.