Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra thông cáo phán đối hành động gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Philippines (08/4) cũng đã đưa ra tuyên bố lên án hành vi phi pháp của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Philippines (08/4) đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ một tàu cá của Việt Nam mới đây bị tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ dựa vào những kinh nghiệm liên quan đến những vụ việc tương tự, Philippines hiểu rằng vụ việc nêu trên có thể làm tổn hại lòng tin giữa các bên. Philippines luôn coi trọng việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông và những vụ việc như trên làm suy yếu triển vọng xây dựng một mối quan hệ khu vực sâu sắc, đáng tin cậy giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Trong bối cảnh công tác đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang trên đà thuận lợi, các nước cần phải tránh những vụ việc tương tự, đồng thời bình tĩnh nỗ lực giải quyết những khác biệt nhằm cải thiện không khí đối thoại và lòng tin song phương. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, nước này không bao giờ ủng hộ các hành động gây hấn trên Biển Đông, đặc biệt trong thời gian đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, việc liên tục củng cố các mối quan hệ trong khu vực đặc biệt cần thiết trong bối cảnh các bên đã tham gia cam kết chung ASEAN-Trung Quốc về ứng phó với cuộc khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. COVID-19 là mối đe dọa hiện hữu đòi hỏi sự đoàn kết và lòng tin song phương. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines cũng nhắc lại việc ngư dân Việt Nam từng cứu các thuyền viên Philippines khi tàu của họ bị đâm chìm ở Biển Đông hồi giữa năm ngoái. Phía Manila nhấn mạnh, hành động của phía Việt Nam đã tạo ra rất nhiều niềm tin và Chính phủ Philippines đã, đang và sẽ luôn ghi nhớ hành động tốt bụng của phía Việt Nam. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định tuyên bố này là một cử chỉ thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra thông cáo báo chí nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho máy bay quân sự đặc chủng hạ cánh xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông cáo nhấn mạnh cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7-2016 xem là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này; đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống đại dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.
Được biết, khoảng 3h ngày 2/4/2020, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ sinh năm 1987 ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở tọa độ 16°42’N – 112°25’E. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm. Sáng cùng ngày, khi nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dủng đã cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ; các tàu cá này bị tàu Trung Quốc truy đuổi, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS bị bắt, bị lai dắt vào đảo Phú Lâm. Đến khoảng 18h ngày 2/4, phía Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929TS, QNg 90045 TS và thả về.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên hệ với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc liên quan vụ việc, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kính đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối với phía Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Cùng đó, đề nghị các lực lượng chức năng của Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tấn công, uy hiếp để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.