Friday, October 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTiến sĩ Mỹ: Cần đặt vấn đề mổ cướp nội tạng trong...

Tiến sĩ Mỹ: Cần đặt vấn đề mổ cướp nội tạng trong đàm phán thương mại với TQ

Hôm 4/4, tạp chí Epoch Times đã cho công bố bài viết của Tiến sĩ Torsten Trey, sáng lập viên và giám đốc điều hành của Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH). Trong bài viết ông Torsten đã bày tỏ quan điểm rằng Mỹ cần giữ vững các giá trị cốt lõi về nhân quyền mà nơi đây đề cao và nên đặt vấn đề về nạn mổ cướp nội tạng trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Torsten, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, một số sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây đã làm nổi lên các tranh luận trong thời gian dài trong xã hội Mỹ về vấn đề đạo đức và tự do thương mại, nhân quyền và trách nhiệm của các tập đoàn Mỹ.

Thông qua các báo cáo của giới truyền thông có thể thấy, trong các cuộc tranh luận được Tiến sĩ Torsen nói tới, có nhiều ý kiến cho rằng Washington cần ràng buộc vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, vì chính quyền Trung Quốc có “thâm niên” vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người khi tiếp tục các cuộc đàn áp mà nó nhắm vào người dân chỉ nhằm mục đích duy trì quyền lực tuyệt đối.

 Vào tháng 10/2019, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Liên đoàn bóng rổ Hoa Kỳ (NBA) phải sa thải Tổng giám đốc của câu lạc bộ Houston Rockets vì công khai ủng hộ các cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ ở Hồng Kông. Tiến sĩ Torsten cho rằng, hành động này của Bắc Kinh đã thách thức một trong những giá trị cốt lõi của một xã hội tự do và dân chủ như Mỹ, và thách thức quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền cơ bản của con người.

Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần lấn lướt phương Tây thông qua các yêu cầu tương tự. Theo người đồng sáng lập DAFOH, có nhiều ví dụ minh chứng cho điều này. Có không ít các tập đoàn của nhiều nước phương Tây chấp nhận cúi đầu trước sự kiểm duyệt của Trung Quốc chỉ bởi họ đặt lợi nhuận kinh tế lên trên các nguyên tắc của mình.

Cũng vào cuối năm ngoái, một Phái đoàn Nghị viện lưỡng đảng do Dân biểu Mỹ Sean Patrick Maloney dẫn đầu đã bị chính quyền Trung Quốc từ chối cho nhập cảnh khi Bắc Kinh biết rằng phái đoàn của ông Sean có ý định đến thăm Đài Loan.

Hình ảnh minh họa một học viên Pháp Luân Công bị tra tấn bởi lực lượng thực thi mệnh lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc (ảnh chụp màn hình từ video “Khúc hát nhớ con”).

Rõ ràng những giá trị cốt lõi mà các tập đoàn Hoa Kỳ theo đuổi và các nguyên tắc dân chủ của chúng ta là đúng đắn và cần phải được bảo vệ. “Làm sao các cuộc đàm phán thương mại của chúng ta có thể được coi là thành công nếu các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của chúng ta bị hi sinh để đổi lấy sự thuận lợi trong các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc?”, Tiến sĩ Torsten nêu ý kiến và đặt câu hỏi.

Ông Torsten tiếp tục nêu quan điểm, mặc dù chúng ta không thể thay đổi chính sách của quốc gia khác, nhưng chúng ta có quyền quyết định giới hạn thỏa hiệp đối với các giá trị đạo đức và các nguyên tắc của mình. Trong bối cảnh này, một chủ đề đang càng ngày càng được thừa nhận xứng đáng đưa ra xem xét trong các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ – Trung, đó là vấn đề mổ cướp nội tạng của các tù nhân lương tâm.

 Vào năm 2006, cộng đồng quốc tế lần đầu tiên biết tới câu chuyện chính quyền Trung Quốc dung túng cho các hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm. Kể từ đó, các cuộc điều tra độc lập đã tìm kiếm được nhiều bằng chứng đáng tin cậy về hoạt động vô nhân tính này. Tiến sĩ Torsten là người đồng biên tập của cuốn sách “Nội tạng được nhà nước bảo trợ: Việc lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc” chia sẻ: Mặc dù đây là một tội ác ghê tởm đối với nhân loại nhưng không hiểu sao chưa có nhiều phản ứng từ cộng động quốc tế để ngăn chặn tội ác này.

Một kiến nghị toàn cầu kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc can thiệp để ngăn chặn nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc đã thu thập được hơn 3 triệu chữ ký trong vòng 6 năm. Tuy nhiên, mãi cho tới tháng 9/2019, sau hơn một thập niên, báo cáo về hoạt động mổ cướp nội tạng mới lần đầu tiên được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc từ khi thành lập cho tới nay hoạt động chủ yếu dựa vào tạng có nguồn gốc phi đạo đức. Năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận hệ thống ghép tạng của nó sử dụng nội tạng của các tù nhân bị xử tử, tuy nhiên, cho đến hiện tại, họ luôn phủ nhận việc sử dụng nội tạng của các tù nhân lương tâm là các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ hay những tù nhân lương tâm khác, ông Torsten cho hay.

Các cơ quan y tế Trung Quốc tuyên bố, bắt đầu từ tháng 1/2015, Trung Quốc sẽ không còn sử dụng nội tạng từ các tử tù nữa và sẽ chỉ dựa vào nguồn tạng được hiến tự nguyện. Tuy nhiên, một báo cáo khoa học công bố trên tạp chí BMC Medical Ethics vào cuối năm 2019 cho biết, dựa trên việc phân tích dữ liệu hiến tạng do bản thân chính phủ Trung Quốc cung cấp, đã có những nghi ngờ lớn đối với tuyên bố cải cách hệ thống ghép tạng của Bắc Kinh. Đồng thời nghiên cứu này cũng chỉ ra những lỗi sai có tính hệ thống, cách thao tác có vấn đề đối với dữ liệu cấy ghép tạng, cũng như sự mập mờ trong cách phân loại những người hiến tạng tự nguyện trong bộ dữ liệu mà chính quyền Trung Quốc công bố.

Hình minh họa một ca mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công (ảnh: Courtesy of Xiqiang Dong).

Vào tháng 6/2019, một phiên tòa nhân dân độc lập đã được lập nên ở Anh để đưa ra phán quyết đối với nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Chủ tọa của phiên tòa là cựu công tố viên tại Toà án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Nam Tư cũ, ông Geoffrey Nice, đã xem xét một cách có hệ thống các kết quả nghiên cứu và thực hiện hơn 50 cuộc phỏng vấn với các nhân chứng và chuyên gia. Cuối cùng các thành viên của phiên tòa kết luận: việc cướp mổ nội tạng các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài với số lượng lớn nạn nhân bị lấy đi nội tạng, trong đó đa số là các học viên Pháp Luân Công.

 Tòa án này cũng xem xét bằng chứng từ một bộ phim tài liệu của Hàn Quốc được công chiếu lần đầu tiên vào tháng 11/2017. Phim tài liệu cho thấy một nhân vật đóng vai người mua tạng với camera giấu kín đã tới Bệnh viện Trung tâm thứ nhất của thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, để hỏi mua tạng, một y tá nói với người đàn ông này rằng “với 10.000 USD anh sẽ có thể nhận được tạng trong 2 ngày”.

Ông Geoffrey Nice đã kết luận tại Toà án rằng: “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một tội ác mà không tội ác nào so sánh được với nó, thậm chí nó còn khủng khiếp hơn các tội ác giết người hàng loạt xảy ra trong thế kỷ trước ở Trung Quốc”.

Ông Torsten nhìn nhận, cộng đồng y tế có trách nhiệm trong việc đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về y đức. Nhưng toàn bộ xã hội chúng ta phải có trách nhiệm lên tiếng chống lại cách hành xử tàn bạo đối với nhân quyền, đặc biệt là đối với các hành vi tội ác chống lại loài người đã được luật quốc tế chế định.

Chúng tôi tin rằng các nhà đàm phán thương mại và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ không quên vấn đề về quyền con người trong các cuộc đàm phán với chính quyền Trung Quốc và tránh làm tổn hại đến các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc của chúng ta, Tiến sĩ Torsten viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới