Hiện nay đã có nhiều tiếng nói tại các quốc gia yêu cầu khởi kiện nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì che giấu thông tin khiến dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới. Còn tại Trung Quốc, một trong những chủ đề mới đây gây chú ý là chuyện ông “thái tử Đảng” sở hữu SUNTV là Trần Bình (Chen Ping) chuyển tiếp “Thư kiến nghị” mà được nhiều người ví là “thư ép thoái vị”.
“Thư kiến nghị” này đã được quan tâm chia sẻ rộng rãi trên internet, nội dung kêu gọi “triệu tập khẩn cấp Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị ĐCSTQ”. Bức thư được ví là “thư ép thoái vị” vì kêu gọi triệu tập hội nghị để thảo luận vấn đề quyền lực của lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ Tập Cận Bình. Để tìm hiểu tình hình, Vision Times (tiếng Trung) phỏng vấn người đã chuyển tiếp bức thư là ông Trần Bình. Ông chủ của SUNTV này cho biết nội dung thư đại diện cho một loại dư luận trong xã hội Trung Quốc hiện nay, hy vọng mọi thay đổi sẽ diễn ra trong hòa bình. Ông Trần Bình cho biết ông chỉ đóng vai trò chuyển tiếp thông tin. Dưới đây là một số nội dung chia sẻ của ông.
Quan hệ Trung-Mỹ đã không thể quay trở lại như trước
Thực tế, trước khi “virus Trung Cộng” hoành hành trên khắp thế giới thì quan hệ Trung-Mỹ đã “không thể quay trở lại!” Bây giờ qua dịch bệnh này thì tình hình càng tệ hơn. Đối với nhiều nước phương Tây khởi xướng kiện ĐCSTQ yêu cầu bồi thường do thảm họa này, ông Trần tin rằng xu thế này sẽ tiếp tục lên cao, hiện tại Trung Quốc đã vào thời điểm quan trọng buộc phải thay đổi, có thể xem như bước ngoặt phải cải cách.
ĐCSTQ phải làm mọi việc theo các quy tắc quốc tế, đừng nghĩ rằng các vấn đề nội bộ và ngoại giao của Trung Quốc không liên quan gì đến cộng đồng quốc tế. Vì ĐCSTQ không cho tự do thông tin, ngôn luận nên khiến đại dịch gây hại cho cả thế giới, các nước tự do dân chủ sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Trung Quốc, xu thế tẩy chay và chế tài đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Ông Trần Bình nhấn mạnh rằng trong nhiều năm qua nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào tình trạng bong bóng kinh tế (economic bubble), ngày càng lao vào khủng hoảng, nhưng không ngờ dịch bệnh đã chọc thủng bong bóng. Sau dịch bệnh này, nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua cuộc Đại suy thoái, cuộc chiến thương mại và dịch bệnh đã khiến các công ty rút khỏi Trung Quốc Đại Lục. Vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đã kết thúc.
Nếu ông Tập Cận Bình cải cách sẽ lưu danh sử xanh
Vì vậy ông Trần Bình cho rằng Trung Quốc không thể đi lùi và phải tiến tới một hệ thống chính trị hoàn toàn mới, trả lại quyền lực cho người dân, nếu không tình hình sẽ ngày càng tệ hại.
Ông kêu gọi nhà lãnh đạo hiện tại là ông Tập Cận Bình cần hiểu điều này. Nếu ông Tập hiểu thì cho thấy ông ta là một nhà lãnh đạo sáng suốt. “Tôi hy vọng ông Tập Cận Bình hiểu rõ vấn đề, nếu ông ấy thực sự hiểu thì cho thấy ông ấy là con người sáng suốt; nếu ông ấy không hiểu sẽ mang tiếng nhơ muôn đời.”
Ông Trần Bình chỉ ra ông Tập trong vai trò lãnh đạo đang bị áp lực rất lớn, vì những năm gần đây hậu quả xấu trong việc ông ta thâu tóm quyền lực không ngừng gia tăng, khiến ông bị lên án nặng nề. Ông Trần nói: “Ông Tập ngày càng lún vào vòng luẩn quẩn tệ hại, sẽ không dễ để quay đầu lại nếu không gặp khúc ngoặt như hiện nay.”
Bức “Thư kiến nghị” yêu cầu giới quan chức hàng đầu của ĐCSTQ khẩn cấp triệu tập Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị để thảo luận về vấn đề quyền lực của lãnh đạo cao nhất. Ông Trần Bình giải thích chi tiết bối cảnh vấn đề này rằng, giới tinh anh ở Trung Quốc Đại Lục có quyền lợi và địa vị đặc biệt lo lắng xã hội sẽ hỗn loạn, họ không muốn mất những gì họ có nên hy vọng tình hình sẽ tốt hơn. Do đó, họ hy vọng rằng xã hội Trung Quốc có thể cải cách trong hòa bình.
Ông Trần chỉ ra thời đại Tập Cận Bình cầm quyền là thời đại tình hình kinh tế chính trị của Trung Quốc xấu đi, nhưng đây không phải là điều mà cá nhân ông Tập có thể ngăn chặn, đó là tình thế mang tính cưỡng bách. Ông nhắc lại nhận định của ông từ hơn 10 năm trước (năm 2008): Trung Quốc đang ở ngã tư đường, nếu không tiến lên được nghĩa là sẽ thụt lùi [không đứng yên]; tiến lên là sớm tiến hành cải cách chính trị “trả lại quyền lực cho người dân”. Nếu không, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phát triển, sẽ bắt đầu suy thoái. Do trong hệ thống chính trị và kinh tế thời điểm đó năng lượng cải cách đã được giải phóng hoàn toàn, bao gồm những vấn đề như dân số, ngoại thương, đất đai. Nếu muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh thì phải thực hiện chuyển đổi, bao gồm từ tăng trưởng đầu tư sang tăng trưởng tiêu dùng, từ mô hình kinh tế gia công sơ cấp loại sản phẩm thông thường sang mô hình kinh tế sáng tạo.
Ông Trần nhấn mạnh rằng sự chuyển đổi này phải dựa vào sự sáng tạo xã hội và thay đổi phương thức tái phân phối xã hội, để mọi người có thêm thu nhập thì khi đó mới có thể tiêu dùng nhiều hơn, nhu cầu trong nước mới lớn hơn.
Nhưng vấn đề quan trọng là, điều kiện tiên quyết để thay đổi hệ thống phân phối là phải thay đổi hệ thống hành chính, còn thay đổi hệ thống hành chính chắc chắn liên quan đến cải cách hệ thống chính trị, “Vì con người mà! Dù ông có nói tốt thế nào, dù địa vị xã hội là gì, ông sẽ không chủ động nhường địa vị, làm quan hay như thế sao có thể chủ động nhường cho kẻ khác, còn thay đổi chế độ thì cá nhân Tập Cận Bình làm được không? Không làm được vì còn bị chi phối của cả hệ thống quan lại đang được hưởng lợi.”
Ông Trần cho biết lời kêu gọi của ông khi đó là tiếng nói của một thiểu số người, bởi vì sự “trỗi dậy” bề ngoài của Trung Quốc khi đó cũng khiến phương Tây bị mê hoặc bởi cái gọi là “huy hoàng” do thể chế kích thích cả nước sáng tạo của Trung Quốc, không nhận ra được đó là thời kỳ “không tiến ắt lùi”, thế nhưng thực tế trước Đại hội 18 ĐCSTQ không những không tiến tới cải cách chính trị mà ngược lại còn chuyển hướng chuyên chế cao hơn.
Nên hiểu rõ muốn tồn tại thì phải “cải cách”
Ông Trần cho biết sau khi ông Tập lên nắm quyền, trừ khi ông ta dám mạo hiểm khởi xướng cải cách chính trị “hoàn toàn trả lại quyền lực cho người dân”. Nếu không thì hướng đi tất yếu là thụt lùi. Ông nói: “Tại sao phải mạo hiểm? Đó là vì thế lực quan lại cầm quyền của cả nước không muốn thay đổi, bởi vì điều này đang rất có lợi cho họ giúp họ có phần nhiều hơn”; “Bây giờ tham nhũng đã đạt đến điểm mà xã hội không thể chịu đựng được, cho dù chống tham nhũng cũng không thể cải thiện được tình hình hiệu quả. Nếu muốn thúc đẩy dân chủ thì thế lực quan lại tham nhũng sẽ ngăn chặn và chống lại. Bối cảnh này không thể tránh khỏi việc chuyển từ quyền lực tập trung sang quyền lực cực đoan. Vì vậy, tôi đã nói đây là một tình huống mang tính cưỡng bách.”
Trong 8 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình, trên con đường kinh tế thụt lùi, nền kinh tế Trung Quốc cố giữ hiệu ứng cận biên (marginal utility) bằng chi phí kinh tế lớn hơn, nhưng ngay cả với tình trạng kinh tế tăng trưởng âm thì hiện nay cũng bế tắc! Thế lực quan lại không muốn thay đổi để được lợi nhưng cũng không muốn chứng kiến một sự thụt lùi. Toàn bộ xã hội nói chung không hài lòng với những gì chính quyền Bắc Kinh đã làm, đặc biệt là sai lầm trong xử lý dịch bệnh, ban đầu che giấu tình hình khiến dịch bệnh bùng phát không chỉ gây hại cho người dân Trung Quốc mà còn vượt qua biên giới và gây hại cho thế giới. Do đó mà xuất hiện làn sóng tiếng nói trong và ngoài nước muốn cải cách xã hội.
Ông Trần Bình nhấn mạnh rằng đây là bối cảnh xuất hiện bức “Thư kiến nghị” này, nhưng kiến nghị này khó có thể trở thành hiện thực. Bởi vì để cải cách với chi phí thấp nhất có thể thì viễn cảnh hay nhất là ông Tập Cận Bình cũng như hệ thống quan lại bên cạnh ông ta cần hiểu rõ: “Cứ tiếp tục như thế này thì chỉ ngày càng tệ hại, tệ hại cho toàn xã hội, thậm chí cái hại với những người cầm quyền cấp cao còn lớn hơn, bởi vì trách nhiệm lịch sử này là rất lớn, không chỉ quan chức phải chịu gánh nặng bị người đời sỉ nhục mà còn liên lụy đến những người thân của họ, đi đến thời khắc này buộc phải thay đổi toàn diện.”
Sau sự kiện “Thư kiến nghị”, ông Trần trở thành người được giới truyền thông quan tâm. Gần đây, ông đã đích thân xuất hiện trong chương trình để giải thích sự việc và trình bày lập luận cá nhân. ông Trần Bình cho biết, sau khi phát sóng chương trình, nhiều người đã kết tội ông nói thay cho Tập Cận Bình. Về vấn đề này, ông Trần Bình làm rõ rằng ông không nói cho ai mà chỉ muốn vạch ra một con đường cho người Trung Quốc, tìm một con đường cho thế giới với chi phí thấp nhất. Còn bản thân ông không muốn Trung Quốc chìm vào loạn lạc.
Hiện tại cả thế giới đang trong giai đoạn bố trí lại tổng thể, 80% sản phẩm dược phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, chỉ cần tác động một khâu nhỏ cũng ảnh hưởng đến toàn bộ, nhưng trong bối cảnh “không còn lựa chọn nào khác” là phải đập hết xây dựng lại, kể cả Anh và Mỹ: “Tôi tin rằng họ cũng muốn cải cách với chi phí nhỏ nhất, vì vậy tôi nói về ‘cải cách trong ổn định’, nhưng cải cách như thế nào thì tôi cũng đang nghiên cứu, mong rằng thế giới sẽ thúc đẩy cải cách trong ổn định như tôi hy vọng.”
Ông Trần tin rằng những suy nghĩ của ông có thể đã được chính quyền Bắc Kinh biết đến, nhưng chưa thấy có phản hồi gì, nhưng dù có phản hồi thì cũng không thể nhanh chóng.