Đông Bắc Á là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với cục diện chính trị toàn cầu vì sự hội tụ và đan xen lợi ích của các cường quốc. Trong một năm qua, quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á vốn đã luôn tồn tại những mâu thuẫn có thể bùng phát thành xung đột khu vực.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc
Có thể nói, cuộc chiến này đã và đang là vấn đề chính trị nổi bật nhất của khu vực Đông Bắc Á hiện nay, tác động đến hầu hết các quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng của Mỹ được công bố vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Chính quyền của Tổng thống D.Trump khẳng định, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của Mỹ với những cam kết, như bảo đảm an ninh cho các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc); tăng cường cơ chế hợp tác quốc phòng ba bên (Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc); đồng thời, nhấn mạnh Trung Quốc “cần chấm dứt tình trạng giành lợi thế cạnh tranh bằng cách lấy cắp tài sản trí tuệ, hay buộc các nhà sáng tạo phải nộp tài sản trí tuệ của họ như là cái giá để được hoạt động kinh doanh ở nước đó”. Duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao, kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, vừa là mục tiêu, vừa là nội hàm của một “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể coi là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, một bước đi cụ thể nằm trong chiến lược dịch chuyển từ châu Á – Thái Bình Dương của cựu Tổng thống B. Obama sang không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có thể thấy rõ điều này trong chính sách của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ D.Trump đã làm đảo lộn những nền tảng của mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc đã được các tổng thống trước đó theo đuổi kể từ thập niên 70 của thế kỷ XX, vốn được gọi là chính sách “tham dự/can thiệp mang tính xây dựng”, hay “trấn an chiến lược”.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được Mỹ thúc đẩy ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cho thấy tính quan trọng của thời điểm. Tại sao lại là thời điểm này? Có thể giải thích bởi hai lý do. Một là, chiến lược này sẽ mang lại thuận lợi cho Chính quyền của Tổng thống D.Trump và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Hai là, sự đe dọa từ vị thế và sức mạnh của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và vì thế, Mỹ cần thúc đẩy một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây ảnh hưởng không chỉ đối với hai quốc gia mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tương lai của cuộc chiến thương mại này sẽ đi về đâu, khi nào dừng lại và dừng lại ra sao vẫn còn là một ẩn số.
Nhật Bản là một nước có lượng lớn doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng vận chuyển các nguyên vật liệu sang thị trường Trung Quốc và đem trở lại Mỹ để hoàn thiện những khâu cuối cùng. Vì thế, có thể thấy tăng trưởng của Nhật Bản sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng đã và đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản đặc biệt dễ bị tổn thương trong thương mại, với nhiều vật liệu vận chuyển và thiết bị công nghiệp trên toàn thế giới. Hơn nữa, trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, Nhật Bản không chỉ là quốc gia chịu ảnh hưởng mà còn là quốc gia trong liên minh hợp tác mà Mỹ cho rằng cần phải lấy lại lợi thế cạnh tranh đã bị chia sẻ. Bằng chứng cho thấy điều này là Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã đe dọa áp đặt mức thuế 20 phần trăm vào khoảng 1,7 triệu xe mà Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm.
Nguy hiểm hơn, những ảnh hưởng mà Nhật Bản phải đối mặt về kinh tế là chiến tranh thương mại có thể mở rộng ảnh hưởng sang an ninh quốc gia cũng như khu vực. Trung Quốc hoàn toàn có thể gia tăng gây áp lực ở khu vực, cạnh tranh mạnh mẽ yêu sách của Nhật Bản tại Biển Đông. Nhật Bản vẫn phải hợp tác với Trung Quốc, đồng thời vẫn đóng vai trò đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực. Trước thế lưỡng nan này, Nhật Bản có thể phải đưa ra những chiến lược mới không chỉ để duy trì tăng trưởng, mà còn để tự cách ly khỏi tác động làm suy giảm mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Đối với Hàn Quốc, theo đánh giá của Bộ Chiến lược và Tài chính, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng không hề nhỏ: “Một tác động to lớn từ các cuộc xung đột thương mại toàn cầu bao gồm cả chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ giảm xuất khẩu của Hàn Quốc và cả nền kinh tế toàn cầu”. Các công ty xuất, nhập khẩu của Hàn Quốc sẽ chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, nhưng ở cấp độ cao hơn. Vì thế, dường như Hàn Quốc đang chuẩn bị lực lượng đối phó với một cuộc chiến thương mại dài hơi hơn trong tương lai.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Đây là vấn đề phức tạp nhất ở khu vực Đông Bắc Á trong suốt 5 thập niên qua. Đối mặt với những thách thức an ninh từ các cường quốc và liên minh trong khu vực, vũ khí hạt nhân dường như là lựa chọn duy nhất của CHDCND Triều Tiên để có tiếng nói nhất định trên trường quốc tế. Hơn bao giờ hết, vào thời điểm này, thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong lịch sử: từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất diễn ra vào ngày 12/6/2018 tại Singapore đến cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai tại Hà Nội (tháng 2-2019); đối thoại Hàn Quốc – Triều Tiên ngày 15/10/2018; tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về khả năng dừng thử hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới cho khu vực, một động thái chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, vào ngày 3/11/2018, Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại chính sách quốc gia về tăng cường kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Tuyên bố này của Triều Tiên đã đưa đến sự tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, tập trận giữa các bên, không chỉ là song phương (Mỹ – Nhật Bản hay Mỹ – Hàn Quốc) mà còn mở ra sự hợp tác toàn diện cả ba bên. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho đến thời điểm này, vẫn không có bất cứ tín hiệu nào là ổn định và chắc chắn. Chỉ có thể quan sát và ngầm định những dự báo về những bất ổn hạt nhân Triều Tiên như đưa ra một ẩn số cho một bài toán không có lời giải.
Những tiến triển của quá trình hòa giải liên Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc gặp gỡ lịch sử kể cả ở Bàn Môn Điếm lẫn Bình Nhưỡng để mở ra một giai đoạn mới cho mối quan hệ hai miền. Về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng căng thẳng kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) kết thúc. Chính vì vậy, việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng, để mở đầu cho sự hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là phát triển kinh tế. “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên” giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều có thể được xem là lời tuyên bố kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, hàng loạt động thái khác của hai bên được cho là giúp hóa giải những mâu thuẫn giữa hai miền trước đây, chẳng hạn như tháo dỡ các thiết bị tuyên truyền, gây sát thương gần biên giới, nối lại các hoạt động nhân đạo giữa hai miền…. Điều này sẽ góp phần tạo thêm động lực để hai miền Triều Tiên tiến hành bình thường hóa quan hệ hoàn toàn và tăng cường các hoạt động hợp tác trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.