Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững lập luận ngụy biện về cái gọi là “cộng đồng quốc...

Những lập luận ngụy biện về cái gọi là “cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền” của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc không có chính danh về “chủ quyền” ở Biển Đông và các cơ sở lập luận pháp lý, lịch sử của nước này đưa ra luôn bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, lên án thậm tệ. Trong số những lập luận được đưa ra, giới cầm quyền Trung Quốc đã lồng ghép, ngụy biện về cái gọi là “cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền” của nước này ở Biển Đông.

Công ước Pháp-Thanh 1887

Bộ Ngoại giao và các học giả Trung Quốc đã dẫn ra một loạt các sự kiện, kể từ thế kỷ 19, để củng cố lập trường của Trung Quốc rằng cộng đồng quốc tế đã công nhận yêu sách lãnh thổ của họ tại Biển Đông. Trung Quốc bổ sung thêm một số văn bản, các tuyên bố, các ấn phẩm từ Thế chiến thứ II cũng như giai đoạn hậu chiến để chứng minh lập trường của họ rằng nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Công ước Pháp-Thanh 1887

Các học giả Trung Quốc cho rằng với việc Pháp ký kết Hiệp ước Trung-Pháp 1887 – trong đó phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ (bắc Việt Nam), Pháp coi như đã từ bỏ các yêu sách mà họ đã đưa ra đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ủy ban phân giới cắm mốc được thành lập bởi Hiệp ước Hòa bình Trung- Pháp 1885 – cơ quan có trách nhiệm phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ, đã không thể đạt được sự đồng thuận về toàn bộ các điểm trên đường phân định. Do đó, theo Điều 3 của Hiệp ước, vấn đề này sẽ được riêng các quốc gia – ở đây là Pháp và Trung Quốc – xử lý. Căn cứ vào Hiệp ước này, quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo ở Biển Đông nằm ở phía Đông kinh độ 108°03’08” và bởi vậy, Pháp đã “nhượng lại” các đảo tại Biển Đông cho Trung Quốc.

Trên thực tế, Công ước Pháp – Thanh năm 1887 được ký kết trên cơ sở điều 3 của Hiệp ước Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 (sau đây gọi tắt là Hiệp ước Thiên Tân năm 1885). Điều 3 Hiệp ước này quy định: “Trong thời hạn 6 tháng kể từ khi ký hiệp ước này, các uỷ viên do các bên dự ký kết chỉ định để đến tại chỗ để công nhận đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ. Hai bên sẽ cắm mốc ở khắp nơi nếu xét ra cần thiết để đường biên giới được rõ ràng. Trong trường hợp hai bên không đồng ý về việc cắm mốc hay nếu có những điều chỉnh về chi tiết có thể có đối với đường biên giới hiện nay vì lợi ích chung cho hai nước, các uỷ viên sẽ báo cáo cho chính phủ hai bên cùng biết”. Thực hiện điều 3 Hiệp ước Thiên Tân năm 1885, các đại diện được Tổng thống nước Cộng hoà Pháp và Hoàng đế Trung Quốc cử ra đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ và đã quyết định ghi trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 những điều khoản sau đây nhằm giải quyết dứt khoát việc hoạch định biên giới nói trên: (i) Những biên bản và những bản đồ đính kèm các biên bản đó đã được đại diện Pháp và Trung Quốc lập ra và ký tên, nay vẫn được chuẩn y; (ii) Những điểm mà hai Uỷ ban chưa thể thống nhất với nhau được và những điều chỉnh nói trong đoạn 2, điều 3 của Hiệp ước ngày 9 tháng 6 năm 1885 được giải quyết như sau: “Ở Quảng Đông, hai bên thoả thuận rằng các điểm tranh chấp nằm ở phía Đông và Đông – Bắc Móng Cái, ở bên kia đường biên giới như Uỷ ban hoạch định biên giới đã vạch, được phân cho Trung Quốc. Những đảo ở phía Đông dọc đường kinh tuyến Paris 105043’ đi qua kinh độ Đông của đảo Tch’a-kou hay Ouen Chou (Trà Cổ) và làm thành đường biên giới, cũng phân cho Trung Quốc. Quần đảo Cô Tô và các đảo khác nằm ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam. Trên biên giới của tỉnh Vân Nam, hai bên thoả thuận là con đường phân giới sẽ được vạch như sau: ………………”

Các nhà đương cục địa phương Trung Quốc và các viên chức do Tổng Công sứ Cộng hoà Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ định sẽ được giao trách nhiệm tiến hành việc cắm mốc, theo đúng các bản đồ do Uỷ ban hoạch định biên giới vẽ và ký, và theo con đường biên giới nói trên. Kèm theo văn kiện này có ba bản đồ, mỗi bản đồ làm thành hai bản, được hai bên ký tên và đóng dấu. Trên các bản đồ này, đường biên giới mới được vẽ thành một đường đỏ và ghi trên các bản đồ của Vân Nam bằng chữ cái tiếng Pháp và các tên hàng Can – Chi Trung Quốc. Mảnh bản đồ thể hiện đường biên giới ở Quảng Đông có vẽ một đoạn ngắn đường đỏ ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, từ điểm cuối của đường biên giới trên đất liền ở Móng Cái xuống phía Nam theo đường kinh tuyến Paris 105°43’. Đoạn đường này không có điểm kết thúc và được kèm theo chú thích là “tạo thành đường biên giới”.

Như vậy, căn cứ vào tên của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 và nội dung của Công ước này chúng ta có thể dễ dàng nhận rõ: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 là đường biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam; Mục tiêu chính của Công ước này là giải quyết dứt khoát việc hoạch định biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Mục tiêu phụ của Công ước này là quy thuộc chủ quyền đối với các đảo trong Vịnh Bắc Bộ. Công ước này không liên quan gì đến vùng biển nằm ngoài Vịnh Bắc Bộ, không liên quan gì đến các đảo ở Trung Kỳ và Nam kỳ của An Nam; Không có bất kỳ câu nào, chữ nào trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 đề cập đến các đảo mà Trung Quốc gọi là có tranh chấp ở Biển Đông. Như vậy, Công ước này không liên quan gì đến vùng biển và các đảo ở Biển Đông.

Đến đây, chúng ta có thể thấy rõ cách suy diễn nêu trên của một số học giả người Trung Hoa là hoàn toàn không có cơ sở. Có thể dễ dàng nhận thấy điều thiếu lô gích trong cách suy diễn của họ là họ đã tách một phần câu chữ của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 ra khỏi đối tượng, phạm vi điều chỉnh và mục tiêu của Công ước để diễn giải câu chữ đó trong một ngữ cảnh hoàn toàn khác theo chủ định của chính họ. Cách diễn giải nêu trên của một số học giả Trung Hoa hoàn toàn thiếu khách quan, thiếu trung thực, trái với các thông lệ quốc tế cơ bản về giải thích các điều ước quốc tế đã được pháp điển hóa trong Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế. Công ước Viên 1969 nêu trên quy định việc giải thích các điều ước quốc tế phải mang tính trung thực (bonne foi), phải giải thích văn bản theo nghĩa thông thường của từ ngữ dưới ánh sáng của đối tượng và mục tiêu của điều ước (điều 31). Công ước này cũng cho phép xem xét đến bối cảnh và công việc chuẩn bị trước khi ký kết điều ước trong trường hợp cách giải thích ban đầu vẫn chưa hết nghi vấn hoặc dẫn đến những kết quả giải thích khác nhau (điều 32).

Vận dụng quy định của điều 32 của Công ước Viên năm 1969, chúng ta thử tìm hiểu thêm liệu bối cảnh và công việc chuẩn bị cho việc ký Công ước Pháp – Thanh năm 1887 có điểm gì có thể biện minh cho cách diễn giải nêu trên của một số học giả Trung Hoa hay không.

Xét về bối cảnh, Công ước Pháp – Thanh năm 1887 được ký vào thời kỳ hậu chiến tranh Pháp – Thanh nhằm tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, với phần chiến thắng thuộc về Cộng hòa Pháp, quân đội nhà Thanh phải rút khỏi Bắc Việt Nam (Bắc Kỳ) và công nhận sự hiện diện bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Tranh thủ thế thắng, người Pháp đã thúc đẩy người Trung Hoa tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên, tạo thuận lợi cho Pháp chiếm lĩnh thị trường Trung Hoa (trước sự cạnh tranh của các đối thủ châu Âu khác). Trong bối cảnh đó, Pháp rất quan tâm đến xác định rõ ràng đường biên giới trên đất liền giữa Bắc kỳ thuộc Pháp với Trung Hoa để hỗ trợ cho quan hệ thương mại. Không có chứng cứ lịch sử nào cho thấy hai bên quan tâm tới việc xác định rõ ràng các vùng biển và các hải đảo nằm ngoài khu vực Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm này. Cho tới nay người Trung Quốc cũng không viện dẫn được bất kỳ chứng cứ nào như vậy.

Xét về các công việc chuẩn bị cho việc ký kết Công ước Pháp – Thanh năm 1887, các nhà sưu tầm không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào chứng tỏ đã có bên này hay bên kia nêu vấn đề các đảo ở ngoài khu vực Vịnh Bắc Bộ trong quá trình đàm phán thỏa thuận các điều khoản cụ thể của Công ước. Nếu có những tài liệu như vậy chắc chắn các học giả Trung Quốc đã không ngần ngại để đưa ra. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn khi Trung Quốc đã không viện dẫn Công ước Pháp – Thanh năm 1887 để đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo ven bờ nằm rải rác trên vùng biển Trung Kỳ và Nam Kỳ của An Nam (Việt Nam) và nằm ở phía Đông đường kinh tuyến Paris 105043’.

Năm 1932, Pháp đã có công hàm kịch liệt chống lại công hàm của Trung Quốc viện dẫn Công ước Pháp – Thanh năm 1887 để giải thích các đảo ở Biển Đông thuộc Trung Quốc. Trong công hàm của mình, Pháp giải thích các điều khoản của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 “không có mục đích nào khác là ấn định đường biên giới biển giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ ở khu vực Móng Cái, sáp nhập vào Trung Quốc một số lãnh thổ và đảo nằm ở phía Đông cửa sông Móng Cái mà trước đó vốn thuộc về An Nam. Để đơn giản hóa, đường kinh tuyến Paris 105043’ đã được chọn như là một con đường phân giới. Nhưng từ lời văn của thỏa thuận thấy rõ là điều khoản này chỉ đặc biệt đề cập đến khu vực Móng Cái. Muốn áp dụng điều khoản đó cho quần đảo Hoàng Sa nằm cách khoảng 300 hải lý về phía Đông Nam sẽ dẫn tới việc nói rằng tất cả những gì nằm ở phía Đông của kinh tuyến Paris 105043’ là thuộc Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc có thể yêu sách phần lớn các đảo ven bờ của Đông Dương, nhất là đảo Poulo Cecir. Các hậu quả vô lý của lập luận như vậy chứng tỏ rằng chỉ có thể cho điều khoản của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 một giá trị giới hạn khu vực”.

Những phân tích trên đây chỉ có thể đưa chúng ta đến một kết luận đúng đắn duy nhất là đường Bắc – Nam chạy qua mũi phía Đông của đảo Tchá – Kou (Trá Cổ), theo đường kinh tuyến Paris 105043’ đã được quy định trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 chỉ là đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc Bộ. Về kỹ thuật, vì muốn đơn giản hóa cách thể hiện văn bản nên Công ước đã không kể tên tất cả các đảo. Cách thể hiện văn bản như vậy vừa nhằm tránh làm cho văn bản quá công kềnh khi phải kể tên tất cả các đảo hoặc có thể bỏ sót các tên các đảo nhỏ, vừa tránh phải quy thuộc lại mỗi khi có đảo mới được hình thành. Có thể nói đây là một lực chọn kỹ thuật có tính chất “nhất cử, lưỡng tiện”, vừa bảo đảm được tính bao quát, vừa bảo đảm được tính cụ thể. Đây cũng là cách thể hiện văn bản khá phổ biến trong thực tiễn điều ước quốc tế trong thời kỳ lúc bấy giờ.  

Mặt khác, theo các tài liệu công khai về kết quả đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định ranh giới các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 thì hai nước Trung – Việt đã thống nhất xác định các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ theo một ranh giới hoàn toàn khác với đường kinh tuyến 105043’ và cũng không có tài liệu nào nhắc tới hoặc bảo lưu đường kinh tuyến Paris 105043’ đối với các đảo ven bờ nằm rải rác trên vùng biển miền Trung và miền Nam Việt Nam và nằm ở phía Đông đường kinh tuyến Paris 105043’. Như vậy, có thể khẳng định bằng việc ký Hiệp định phân định các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 hai nước Trung – Việt đã chính thức coi đường kinh tuyến Paris 105043’ được quy định trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 chỉ là đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc Bộ mà thôi.

Sự công nhận của Pháp, Nhật Bản

Giới nghiên cứu Trung Quốc cũng đưa ra một số lập luận ngụy biện cho rằng Pháp đã công nhận “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1921. Vào ngày 21/5 năm đó, Thủ tướng Pháp Aristide Briand được cho là đã phát biểu rằng “bởi chính phủ Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền từ năm 1909, chúng tôi không thể tuyên bố yêu sách đối với những đảo này”. Các học giả này cũng dẫn chứng Tạp chí Ngoại giao Trung Quốc để củng cố cho lập trường của mình. Trung Quốc cho rằng Toàn quyền Đông Dương của Pháp cũng thừa nhận rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc trong những năm 1920 và rằng một hoa tiêu người Pháp cũng có nói tương tự vào đầu những năm 1930, rằng quần đảo Hoàng Sa không hề liên quan tới An Nam (Việt Nam).

Bên cạnh đó, học giả Trung Quốc lập luận rằng Nhật cũng công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhật cũng phản đối sự chiếm đóng của Pháp tại quần đảo Trường Sa vào năm 1933. Một vài học giả bổ sung thêm rằng Nhật đã có ý định trao trả hai quần đảo này cho Trung Quốc vào thời điểm cuối Thế chiến thứ II, với dẫn chứng là các thỏa thuận riêng biệt chính thức kết thúc cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật – Hiệp ước Hòa bình giữa Trung Quốc và Nhật năm 1952 và Tuyên bố chung của Chính phủ Nhật và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1972. Trong thời gian đầu của Thế chiến thứ II, Nhật đã xâm lược và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đánh bại lực lượng đồn trú của Pháp tại hai quần đảo này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “tại thời điểm đó, Nhật đặt Quần đảo Nam Sa trong phạm vi quản lý của Đài Loan” và rằng “các vùng lãnh thổ được trao trả lại cho Trung Quốc theo như Tuyên bố Cairo đương nhiên bao gồm cả Quần đảo Nam Sa.” Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định thêm rằng Tuyên bố Potsdam 1945 ủng hộ cho quan điểm rằng Nhật phải trao trả lại tất cả các vùng lãnh thổ đã lấy từ Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc cũng nhấn mạnh tương tự rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất cử các lực lượng hải quân và quan chức chính phủ tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “để chính thức chấp nhận sự đầu hàng và rút lui của Nhật khỏi các khu vực tại Biển Đông…” Theo đó, tại thời điểm cuối của Thế chiến thứ II, “việc Trung Quốc là quốc gia có danh nghĩa hợp pháp để lấy lại các đảo tại Biển Đông từ tay Nhật là điều đương nhiên và hoàn toàn dễ hiểu”.

Trên thực tế, Pháp là quốc gia đại diện cho Việt Nam trong những năm xâm chiếm và đô hộ, đã tiến hành rất nhiều các hoạt động khác nhau để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Việc chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu các quần đảo ở Biển Đông tiếp tục được triển khai dưới thời Pháp thuộc cho đến khi Việt Nam giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1898, một thoả thuận của Bộ thuộc địa Pháp gửi Chính quyền toàn Đông Dương đã đề cập đến việc xây dựng ngọn hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền của Pháp tại đây. Các nghiên cứu khoa học về quần đảo nà cũng đã được triển khai, và tàu chiến Pháp đã được giao nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển và triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đối với các con tàu gặp nạn. Vào năm 1920, cơ quan hải quan Pháp ở Đông Dương bắt đầu triển khai hoạt động thường kỳ tới khu vực quần đảo nà để chống buôn lậu vũ khí, đạn dược, và thuốc phiện.

Đến năm 1933, Pháp đã chính thức sáp nhập và chiếm đóng một số thực thể ở quần đảo này nhân danh Việt Nam. Vào thời điểm đó, việc sáp nhập các đảo hoàn toàn tuân thủ đúng theo luật pháp quốc tế hiện hành và thực tiễn quốc gia. Mặc dù, Nhật Bản giành được quyền kiểm soát quần đảo từ Pháp đến năm 1951, tuy nhiên sau Hội Nghị Hoà bình San Francisco diễn ra năm 1951 thì Nhật Bản đã buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát của mình và chủ quyền đối với quần đảo được trao trả lại cho Pháp. Thời gian sau đó, các hoạt động của người Pháp và Việt Nam, cả trước và sau chiến tranh, rõ ràng đã cho thấy sự hiện diện thực tế và được duy trì liên tục, cũng như việc thực thi chủ quyền một cách hoà bình đối với quần đảo Trường Sa.

Tuyên bố Cairo đã khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc bao gồm: Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ, không có gì liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi vì chủ quyền đó đã thuộc về Việt Nam từ lâu. Không những vậy, Tuyên bố Cairo đã không đề cập đến chủ quyền của quốc gia nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì, hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ XVII đã có những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, những người đứng đầu của hội nghị đã không đề cập đến chủ quyền lãnh thổ của Hoàng Sa và Trường Sa là lẽ đương nhiên. Tựu trung lại, nội dung của Tuyên bố Cairo năm 1943, được xem là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để hợp thành hệ thống cơ sở pháp lý quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời là một trong những căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng để Nhà nước Việt Nam vận dụng, nhằm bác bỏ những luận thuyết sai trái về hiện thực khách quan. Đồng thời phản đối sự khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.

Theo tuyên bố Postdam, phía Trung Quốc do phái đoàn Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng) có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tọa lạc tại vĩ tuyến 16: nhóm Lưỡi Liềm phía Tây Nam tại vĩ độ 16030’N và nhóm An Vĩnh phía Đông Bắc tại vĩ độ 16050’N. Trong khi đó, quân đội Hoàng gia Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, kể cả quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến từ 120 đến 70 N, tính từ Cam Ranh xuống tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong nội dung của tuyên bố Postdam, đó là lực lượng của các nước Cộng hòa Trung Hoa và Anh thay mặt Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, chứ không phải tiếp thu hay chiếm hữu lãnh thổ của quốc gia đến làm nhiệm vụ. Xét tính chất đóng vai trò quan trọng là nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng trong bản tuyên bố là giải giáp quân Nhật, đồng thời thực tế này cho thấy, các nước Đồng minh đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam là lẽ đương nhiên.

Nhìn chung, không cần là người hiểu về lịch sử và pháp lý cũng nhìn nhận ra đây là những thông tin, dẫn chứng ngụy biện có chủ đích của giới cầm quyền cũng như giới học thuật Trung Quốc. Tất cả những nội dung trên chỉ nhằm mục đích ngụy tạo chứng cứ và bao biện cho yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi mà nước này đã sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới