Để thực hiện tham vọng cường quốc biển, buộc Trung Quốc phải thúc đẩy chế tạo hạm đội tàu sân bay. Tuy nhiên, số lượng máy bay chiến đấu và phi công phục vụ trên các tàu sân bay của Trung Quốc còn nhiều hạn chế.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang phát triển loại máy bay huấn luyện JL-9 đạt tốc độ cận âm để đào tạo lực lượng phi công phù hợp với tàu sân bay Type-002 mà nước này đang phát triển. Theo đó, máy bay JL-9 vốn đã được quân đội Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, để có thể dùng đào tạo cho phi công của tàu sân bay thì loại máy bay này cần được nâng cấp. Việc thay đổi sẽ giúp JL-9 có thể triển khai cùng bộ phóng máy bay được tích hợp trên tàu sân bay Type-002.
Quý Châu JL-9 là dòng máy bay huấn luyện đạt tốc độ cận âm với vận tốc tối đa khoảng 1.100 km/giờ và tốc độ hành trình khoảng 870 km/giờ. Máy bay này có tầm bay hơn 800 km. Bên cạnh đó, đây cũng là một mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ có thể được trang bị pháo 23 mm cùng một số loại vũ khí khác như tên lửa đối không tầm ngắn PL-9 được dẫn đường bằng hồng ngoại, hoặc loại tên lửa đối không PL-8. Cả hai loại tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 20 km. Trong khi đó, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng Bắc Kinh chưa tiết lộ thời điểm hạ thủy, thử nghiệm và biên chế chính thức tàu này. Tuy nhiên, qua một số thông tin rò rỉ trước đó thì tàu sân bay Type-002 có độ choán nước khoảng 70.000 tấn và vẫn có thiết kế mũi hếch lên để máy bay cất cánh, và phải đến thế hệ tàu sân bay Type-003 thì Trung Quốc mới đặt mục tiêu mang thiết kế mũi tàu phẳng, đồng thời tích hợp bộ phóng máy bay tương tự các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện nay. Trước mắt, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc có thể sẽ mang theo dòng chiến đấu cơ J-15 mà nước này đang triển khai trên 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Trung Quốc đang thể hiện tham vọng trở thành cường quốc biển, cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ. Để đạt được tham vọng trên, Trung Quốc buộc phải sở hữu các hạm đội tàu sân bay đủ mạnh và có khả năng tấn công, răn đe an ninh quốc gia của Mỹ vào năm 2050. Theo đó, Trung Quốc độc chiếm Biển Đông; “chia đôi” Thái Bình Dương với Mỹ; tranh giành ảnh hưởng và sức mạnh ở Ấn Độ Dương với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác. Để hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc chủ trương xây dựng một lực lượng hải quân mạnh – Hải quân viễn dương (còn gọi là Hải quân biển xanh) có khả năng khống chế toàn bộ 3 chuỗi đảo trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc và các nước láng giềng để tăng cường sức mạnh biển của Trung Quốc và kiềm chế các nước láng giềng. Chuỗi đảo thứ nhất đã có hạt nhân là Đài Loan; chuỗi đảo thứ hai mở rộng từ Nhật Bản tới Indonesia; chuỗi đảo thứ ba tràn xuống Ấn Độ Dương, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Để có được một lực lượng hải quân viễn dương mạnh, Trung Quốc chủ trương trước hết phát triển hạm đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc cho rằng, hoạt động của hải quân hiện đại không thể tách rời sự yểm trợ từ trên không và hộ tống dưới mặt nước, nên tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đã trở thành trọng điểm xây dựng của Hải quân Trung Quốc hướng tới biển xa.
Theo Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada), Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng một lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài. Tất nhiên, về mặt dân sự thì tàu sân bay là khá cần thiết trong các hoạt động khẩn cấp đối với một nền kinh tế lớn và nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong giai đoạn xảy ra Cách mạng Mùa xuân ở châu Phi, Trung Quốc phải dựa hoàn toàn vào tàu thương mại để sơ tán công dân khỏi các vùng bất ổn. Nếu có tàu sân bay thì có thể hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương. Sau khi đầu tư lớn vào chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, thì Trung Quốc phát triển mạnh vào tàu sân bay. Bên cạnh đó, như giới chuyên gia từng nhận định tàu sân bay cũng là công cụ quan trọng để Bắc Kinh theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Thực tế, thời gian qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn thường xuyên hoạt động tại vùng biển này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Trung Quốc thiếu trầm trọng phi công và máy bay chiến đấu biên chế cho tàu sân bay. Ông Collin Koh – nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore – nhận định hiện có “nút thắt cổ chai” trong công tác tuyển dụng và đào tạo các phi công hải quân của Trung Quốc, gây cản trở tham vọng của Bắc Kinh. Hàng không hải quân trên tàu sân bay vẫn là lĩnh vực khá xa lạ đối với quân đội Trung Quốc, đặc biệt khi có sự thôi thúc tăng quy mô tuyển dụng và nhịp độ đào tạo để hoàn thành các chỉ thị về xây dựng một chương trình tàu sân bay khả thi. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phi công quân sự của Trung Quốc vẫn đang phát triển, đặc biệt khi nói đến hàng không hải quân mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2013. Chẳng hạn, tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào biên chế hồi tháng 9/2012. Tuy nhiên, mãi đến 2 tháng sau, tiêm kích J-15 mới có chuyến hạ cánh thành công đầu tiên trên tàu sân bay này. Và gần 4 năm sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc mới tường thuật về một chuyến hạ cánh ban đêm. Ngoài ra, Trung Quốc dường như mất nhiều thời gian để đào tạo phi công trực thăng. Lần hạ cánh thành công đầu tiên tương tự như trên diễn ra vào tháng 11/2018. Đợt hạ cánh ban đêm đầu tiên mới chỉ diễn ra vào tháng 6/2019.
Trong khi đó, ông Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự khác ở Bắc Kinh, cho rằng dù hải quân Trung Quốc đang thiếu phi công, vấn đề này có thể được giải quyết trong vòng 2 – 3 năm tới. Tình trạng thiếu máy bay chiến đấu trên tàu sân bay và nhu cầu đào tạo đáng kể để tạo ra một phi công hải quân giỏi là 2 lý do chính khiến Trung Quốc thiếu phi công hải quân hiện nay. Nhưng khi Trung Quốc ngày càng chú trọng đến chuyện đào tạo phi công, vấn đề sẽ dần được giải quyết. Theo đó, Đại học Hàng không hải quân Trung Quốc – nơi chịu trách nhiệm đào tạo các phi công hải quân – đang phối hợp với 3 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Hàng để tìm kiếm và tuyển dụng những phi công tương lai.