Saturday, October 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tác động giới học giả các nước viết bài bênh vực...

TQ tác động giới học giả các nước viết bài bênh vực những yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông và vạch trần của dư luận

Một trong những biện pháp, chiêu thức được Bắc Kinh sử dụng trong tạo dựng dư luận có lợi cho mình là tác động, thu hút một bộ phận phóng viên, học giả đưa ra những phát biểu, nhận định bảo vệ các yêu sách chủ quyền và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông qua giới chuyên gia, học giả trong nước, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: Trung Quốc sử dụng các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí (Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc; mở nhiều trang diễn đàn (diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải…) chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc

Trong trường hợp GS Mark J.Valencia, một học giả quốc tế hiếm hoi thường có các bài viết bênh vực lập trường Trung Quốc mà không dựa vào lập trường của luật quốc tế hoặc cố ý diễn giải luật theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Dư luận luôn hoài nghi về sự tác động đằng sau của Trung Quốc. Lần gây đây nhất, hôm 11/4, GS Mark J. Valencia đã có bài viết tựa đề “Nói xấu Trung Quốc (Trung Quốc) không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản” trên báo South China Morning Post. Bài viết của GS Valencia xuất hiện sau sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào đầu tháng 4 vừa qua. Sự kiện này khiến phía Trung Quốc không chỉ chịu sự phản đối gay gắt, yêu cầu bồi thường từ Việt Nam mà còn gặp phải chỉ trích, “quan ngại sâu sắc” từ Bộ Ngoại giao Philippines; Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các nghị sĩ Mỹ.

Tác giả Mark J. Valencia cố ý viết trong bài rằng các tàu cá Việt Nam xâm phạm và bị bắt tại vùng biển Indonesia và Malaysia nhiều hơn rất nhiều so với số lượng các tàu cá Trung Quốc xâm phạm và bị bắt tại vùng biển hai nước nêu trên. Ông ta cũng nói rằng chỉ một lần tàu hải cảnh Trung Quốc giải cứu ngư dân Trung Quốc bị lực lượng tuần tra biển của Indonesia bắt và Việt Nam cũng đã làm như vậy. Ông ta còn dựng chuyện rằng rất nhiều tàu Việt Nam khai thác hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Chuyên gia Valencia có thể giả vờ không biết. Bởi lẽ ông ấy không thể không biết rằng mặc dù tuyên bố “quyền lịch sử” (của Trung Quốc) phi lý và đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ tại vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” nhưng hàng ngàn tàu cá Trung Quốc vẫn ngang nhiên tung hoành đánh cá trong vùng biển của hầu hết các nước xung quanh biển Đông khi coi đó là vùng biển Trung Quốc. Ví dụ, có những ngày có tới hàng trăm tàu cá Trung Quốc xâm phạm và đánh cá trong vùng biển các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines, Indonesia. Thậm chí, tàu cá Trung Quốc đã chiếm cứ các khu vực như bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn ngư dân Philippines đánh cá tại đây.

Với chiến thuật “vùng xám”, sử dụng đội ngũ tàu “ngư binh” với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước xung quanh biển Đông bắt giữ. Hơn nữa, với tinh thần hòa hiếu, các nước xung quanh biển Đông rất hạn chế bắt tàu cá Trung Quốc. Vì vậy, chuyên gia Valencia đã sai khi lấy các số liệu tàu bị bắt để khẳng định rằng tàu cá Trung Quốc không đánh cá trộm trong vùng biển nước khác.

Ngoài ra, chuyên gia Valencia đã cố tình phớt lờ đi một sự thật quan trọng, đúng quy định luật pháp quốc tế: Ngư dân Việt Nam chỉ hoạt động đánh bắt ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không phải trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Hải Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Bản chất vụ tranh chấp giữa lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam và Indonesia (mà ông Valencia đưa trong bài viết) hoàn toàn khác với vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu chiến Indonesia để giải cứu tàu cá Trung Quốc. Các dữ liệu của các nước đều ghi đầy đủ việc các tàu cá, tàu “ngư binh” Trung Quốc được sự hộ tống của tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển của các nước này cách xa đảo Hải Nam đến hàng ngàn hải lý. Trong khi đó, vùng biển mà tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt trong vụ tranh chấp là vùng biển nằm phía bắc đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia. Vùng biển này theo luật quốc tế phải thuộc Việt Nam nhưng do Indonesia không công nhận nên hai nước tạm thời coi đây là vùng biển tranh chấp.

Theo quy định của luật pháp quốc tế, tại vùng biển tranh chấp ngư dân hai nước phải được quyền cùng nhau đánh bắt. Do vậy, việc tàu hải quân Indonesia đơn phương bắt giữ tàu cá Việt Nam là sai; và hành động bảo vệ ngư dân của tàu kiểm ngư Việt Nam là đúng. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam từ trung ương đến địa phương đều đang rất nỗ lực để kiểm soát, ngăn cấm ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển của các nước khác. Vậy nên, ví dụ của Valencia đưa ra để chỉ trích Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp, cho thấy vị này (cố tình?) hiểu sai bản chất để lấy cớ bênh Trung Quốc. “Sự thật chỉ có một. Các nước xung quanh biển Đông, kể cả Việt Nam đều nắm giữ đủ các số liệu để chứng minh sự thật này. Vì vậy, việc ông Valencia cố tình xuyên tạc sự thật sẽ không thể làm thay đổi sự thật”.

Chuyên gia Mark J. Valencia hiện là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông, Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Trong một khảo sát (của tác giả) vào năm 2018 về thái độ của giới học giả về hành xử của Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông, Valencia là người hiếm hoi trong số hàng chục học giả nước ngoài nghiên cứu về biển Đông có quan điểm ủng hộ Trung Quốc. Phần lớn các học giả quốc tế đều khẳng định hành xử của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên, trong khi Valencia thì ngược lại.

Ông Valencia cùng một số học giả người Trung Quốc thường có các bài viết hoặc tham gia các chương trình hội thảo về biển Đông. Trong đó, họ thường đánh tráo khái niệm, đưa ra các lập luận mang tính ngụy biện hoặc cố ý lờ đi những sự thật (ví dụ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế 2016) để bênh vực Bắc Kinh. Điều này được giới quan sát nhận định nằm trong “cuộc chiến thông tin” – một nhánh trong chiến lược “Tam chủng chiến pháp” (chiến tranh ba mặt trận: Pháp lý, thông tin và tâm lý) của Trung Quốc.

Điển hình như bài viết “Why the US-Vietnam strategic alliance in the South China Sea is unlikely to last” của Valencia đăng trên SCMP hôm 13/3/2020, sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng. Bằng việc gọi quan hệ Mỹ-Việt Nam là “liên minh”, ông Valencia đã sai ngay từ đặt vấn đề vì Việt Nam nhiều lần khẳng định kiên trì theo đuổi quan điểm “ba không”, bao gồm: i) không tham gia các liên minh quân sự. ii) không dựa vào nước này để chống nước kia. iii) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Đa dạng hóa và tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam với Mỹ và các quốc gia khác, ngay cả khi Trung Quốc gây hấn ở biển Đông thời gian qua, không đồng nghĩa “đồng minh”. Chính Valencia, trong vai trò một người theo dõi thông tin về biển Đông nhiều năm, cũng biết điều này nhưng cố tình như không biết. Từ việc đặt vấn đề “liên minh Việt Nam – Mỹ”, Valencia tiếp tục sai khi nhận định rằng quan hệ Việt Nam-Mỹ được tăng cường chỉ vì “mối đe dọa từ Trung Quốc” tại khu vực. Từ đó, ông kết luận vì cả hai nước “không có điểm tương đồng về văn hóa, ý thức hệ và hệ thống chính trị cũng như thế giới quan” nên tương lai quan hệ hai nước sẽ “chưa nở vội tàn” khi tình hình thế giới thay đổi – điều mà Valencia nhận định rằng Mỹ đang suy tàn còn Trung Quốc thì đang trỗi dậy. Cái sai của Valencia ở chỗ vẫn giữ quan điểm “quá xưa cũ” rằng Việt Nam-Mỹ khác nhau quá nhiều nên không tiến lại gần nhau được. Từ sau bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt Nam từ năm 1995, quan hệ Mỹ-Việt Nam vẫn phát triển bất chấp sự khác biệt văn hóa hay hệ thống chính trị.

Các thành quả trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, viện trợ phát triển, hợp tác quốc phòng và những chuyến thăm giữa lãnh đạo hai nước liên tiếp thời gian qua cho thấy: Việt Nam lẫn Mỹ không còn xem khác biệt là rào cản. Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam năm 2016 là điểm nhấn quan trọng cho thấy Mỹ-Việt Nam hiện đã chia sẻ nhiều quan điểm hòa bình; lợi ích chung về tự do thương mại; đặc biệt nhấn mạnh quan điểm Mỹ tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị của Việt Nam.

Dưới thời Tổng thống Trump, tuy “nước Mỹ trên hết” đã rút chân khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng hợp tác kinh tế, quốc phòng giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển. Việc Mỹ và Triều Tiên tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 tại Hà Nội năm 2019 cho thấy mô hình chính trị, đường lối phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam không còn là trở ngại đối với quan hệ Việt-Mỹ thời gian tới. Nói ngắn gọn, không giống như Valencia nhận định sự khác biệt trong các nền tảng văn hóa, chính trị, thế giới quan không thể ngăn quan hệ Việt Nam-Mỹ tiếp tục phát triển, dù cho Trung Quốc có phải là mối đe dọa tại khu vực biển Đông hay không.

Trong bài viết của mình, chuyên gia Valencia còn sai lầm khi gộp Việt Nam vào chung nhóm với Trung Quốc về việc không cùng quan điểm về Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ. Trong đó, nhận định Việt Nam cũng giống Trung Quốc trong việc yêu cầu tàu nước ngoài thông báo trước khi thực hiện quyền “đi qua không gây hại” khi qua lãnh hải của mình. Cái sai (cố ý?) của Valencia là không phân biệt rõ ràng rằng: Trong khi Việt Nam có đủ bằng chứng, lý lẽ hợp pháp về chủ quyền trên biển chiếu theo UNCLOS thì trái lại Trung Quốc không có. Việc một quốc gia (là Việt Nam) yêu cầu thông báo trước khi “đi qua không gây hại” là hoàn toàn dễ hiểu, trong khi Trung Quốc – đất nước không có chủ quyền tại các vùng biển này – đưa ra yêu cầu tương tự là rất vô lý. Bằng cách so sánh hành xử của Việt Nam và Trung Quốc là “giống nhau”, Valencia muốn người đọc hiểu nhầm vùng biển hoàn toàn của Việt Nam thành vùng biển đang có chồng lấn và tranh chấp với Trung Quốc.

Ngoài ra, Valencia cũng sai khi cho rằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng hồi tháng 3 cũng là “đi qua không gây hại”. Theo đó, Valencia cho rằng trong chuyến ghé cảng ở Đà Nẵng, Việt Nam đã không yêu cầu Mỹ thông báo trước hoặc phía Mỹ đã cố tình từ chối yêu cầu của Việt Nam hoặc là cả hai trường hợp. Cái sai của Valencia chính là (cố ý?) hiểu sai khái niệm “ghé thăm cảng”, vốn không phải “đi qua không gây hại”. Trong khi “đi qua không gây hại” chỉ là cho tàu đi ngang qua (không ngừng) vùng lãnh hải nước khác thì “ghé thăm cảng” có ý nghĩa tàu sẽ dừng theo một lịch trình định sẵn. Chuyến ghé cảng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng đã được hai nước lên kế hoạch, tính toán lịch trình và lộ trình cụ thể từ trước. Cả Việt Nam và Mỹ, về vấn đề biển Đông, chưa bao giờ tuyên bố “Trung Quốc là mối đe dọa chung” hoặc các tuyên bố ám chỉ tương tự. Thay vào đó, lập trường tự do, cởi mở và thượng tôn pháp luật được lặp lại nhiều lần.

Cả Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 dựa trên UNCLOS, bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc; lên án việc Trung Quốc cải tạo các thực thể thành đảo nhân tạo, quân sự hóa chúng thành các tiền đồn, đe dọa an ninh khu vực; ủng hộ một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông “thực chất và có hiệu quả” giữa ASEAN và Trung Quốc; ủng hộ sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại khu vực dựa trên nguyên tắc hòa bình. Rõ ràng, chuyên gia Valencia đã hiểu sai và truyền đi các thông điệp lệch lạc, méo mó, không chỉ về bản chất hành xử của các nước mà còn quan điểm của họ tại khu vực biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới