Saturday, October 19, 2024
Trang chủĐàm luậnCục diện Biển Đông trong và sau Đại dich Covid 19?

Cục diện Biển Đông trong và sau Đại dich Covid 19?

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi nhân loại đang gồng mình chống lại kẻ thù vô hình, vô cùng nguy hiểm đó là virust Covid-19 thì tình hình Biển Đông vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận, với những nhận định đánh giá khác nhau cần được nghiên cứu, phân tích một cách thận trọng và có trách nhiệm.

Dịch Covid-19, bắt nguồn từ Vũ Hán, từ cuối năm 2019, rồi chỉ sau một thời gian ngắn, nhanh chóng lan rộng ra hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trở thành đại dịch nguy hại và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Câu hỏi được đặt ra là: virus nguy hiểm, kẻ thù vô hình biến đổi khó lường này là do thiên tạo hay nhân tạo? Tại sao cho đến thời điểm hiện nay, loài người thông minh, dù đã sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cực cao, vẫn vô phương chống đỡ, đến nỗi mỗi ngày, có đến hàng ngàn, hàng vạn người xấu số phải nhắm mắt xuôi tay trong đau khổ, ghẻ lạnh, cô đơn và, điều không kém phần nghiêm trọng là nhiều quốc gia buộc phải công bố tình trạng giới nghiêm, phong tỏa, cách ly xã hội, sản xuất đình đốn, ngưng trệ… buộc phải dốc hết nguồn lực dự trữ quốc gia để đối phó với “cuộc chiến tranh hủy diệt không tiếng súng” này?

Hiện nay, vẫn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau: kẻ thì cho rằng virus Covid-19 là do thiên tạo, người thì cho rằng là do nhân tạo, với những lập luận suy đoán khác nhau. Điều này, có lẽ sẽ phải cần thêm thời gian và cần có nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và trung thực mới giúp nhân loại giải mã được bí mật thế kỷ này.

Tuy nhiên, có một thực tế là dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019 mà mãi đến mấy tháng sau, người ta mới nhận diện được mức độ khủng khiếp của đại dịch này, và khi các quốc gia nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề thì dịch bệnh đã phát tán trở thành đại dịch toàn cầu? Vì vậy, dư luận rất hoài nghi trước sự chậm trễ, che dấu thông tin của nhà chức trách Trung Quốc và bất bình, đặt nhiều câu hỏi về thái độ, phát ngôn tiền hậu bất nhất của lãnh đạo WHO, nhất là tính khách quan trong các nhận định mà tổ chức này đưa ra (bảo vệ các quan điểm chính thức của Trung Quốc).

Đến nỗi đã có nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội, pháp lý… của nhiều quốc gia, kêu gọi và đang tiến hành thủ tục để kiện ra các cơ quan tài phán về cách hành xử vô trách nhiệm của nhà đương cục tại quốc gia xuất phát của con virus này. Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố xem xét trách nhiệm và rút bớt tài trợ cho WHO.

Cho dù có thể có những lý do khách quan, chủ quan như thế nào đi chăng nữa, thì có một sự thật là “cuộc đại chiến” khốc liệt đã nhanh chóng lan rộng, không thể kiểm soát được mà nguyên nhân của nó là xuất phát từ tình trạng chủ quan, mất cảnh giác do thiếu thông tin hoặc thông tin không kịp thời, bị bóp méo một cách có tính toán chủ ý. Vì vậy, nhiều người cho rằng chỉ riêng việc che dấu thông tin về dịch bệnh Covid 19, phải chăng Trung Quốc đang “mượn gió” để…. “bẻ măng”?

Nếu đúng như nhận định trên thì có thể coi đây là một “đòn phản công” khá hiểm mà Trung Quốc nhằm vào Mỹ và Đồng minh phương Tây, đối thủ đã gây ra cuộc chiến tranh thương mại rất bất lợi cho Trung Quốc, nếu không muốn nói là đã gây tai họa cho Trung Quốc không chỉ về mặt kinh tế? “Đòn phản công” này hiện đang phát huy tác dụng, không chỉ gây nguy hại cho nước Mỹ mà còn gây thảm họa cho nhân loại, không những trước mắt mà còn cả về lâu dài. Biển Đông cũng đang và sẽ chịu tác động của “đòn phản công” thâm hiểm này. Vì vậy có nhiều khả năng trong thời gian tới, nhất là thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động:

– Sử dụng sức mạnh để chiếm đóng thêm các thực thể địa lý, hoặc tạo ra“sự đã rồi” trong khu vực quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông nhằm hợp thức hóa yêu sách “lưỡi bò”, gây sức ép buộc các nước phải chấp nhận yêu sách phi lý của họ.

– Tiếp tục đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nấp dưới hình thức dân sự, như: đèn biển, trạm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật biển … không chỉ phục vụ cho mục tiêu an ninh quốc phòng, mà trước mắt là nhằm vào các mục tiêu như:

+ Về chính trị: mê hoặc, mua chuộc, đánh lừa dư luận, che đậy các hoạt động phi pháp của họ; khẳng định các hoạt động của họ là hợp tình, hợp lý, nhằm mục đích nhân đạo, vì cuộc sống cộng đồng….

+ Về pháp lý: tiếp tục tạo cơ sở để biện minh rằng các thực thể mà họ đánh chiếm là thích hợp cho đời sống con người và có đời sống kinh tế riêng, cho nên có quyền mở rộng phạm vi biển “kế cận”, ”liên quan” của chúng đến 200 hải lý.

+ Về kinh tế: tìm cách “xí phần” nguồn lợi biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông, theo chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”…; gạt bỏ các đối tác nước ngoài đang hợp tác với các quốc gia trong khu vực…; tạo ra tình huống “đục nước béo cò”; gây ra môi trường kinh doanh, sản xuất bất ổn làm suy yếu hoạt đông kinh tế của các quốc gia trong khu vực để dễ bề thao túng, giật giây…, buộc họ phải lệ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng….

Nhận thức được những toan tính nói trên, các quốc gia có liên quan như Indonesia, Malaysia, Philippine, Việt Nam, Mỹ …… đều đã có những ứng xử kịp thời, mạnh mẽ và bước đầu phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên để ngăn cản ngọn “gió” hung tàn mang tên Covid-19 và bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động nhằm hiện thực hóa mưa đồ của Trung Quốc, các nước cần phải:

+ Đoàn kết ngăn chặn ngay hiểm họa của đại dịchCovid-19. Hạn chế không để tình trạng suythoái kinh tế toàn cầu xẩy ra vào thời kỳ hậu Covid 19.

+ Tiếp tục đấu tranh loại bỏ khả năng áp dụng chiến thuật “mượn gió bẻ măng” của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, nhất là triển khai các hoạt động trên thực địa.

Thường thì những búp măng non dễ bị bẻ gẫy bởi những kẻ mưu toan rình rập thực hiện kế sách “mượn gió bẻ măng”. Nhưng, hình ảnh những lũy tre làng Việt Nam vẫn còn đó; vẫn luôn luôn gắn kết tạo nên những bức trường thành vững chắc, che chở cho những búp măng non vượt qua những trận cuồng phong để nhanh chóng trưởng thành, ken dày thêm thành lủy bất khả vượt qua. Vì vậy, dù Trung Quốc có những toan tính mưu mô và đầy tham vọng thì chắc cũng sẽ không thành công

 

RELATED ARTICLES

Tin mới