Sunday, October 20, 2024
Trang chủĐàm luậnNỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đẩy...

Nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đẩy lui dịch COVID-19

ASEAN hiện đang chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong Khối cũng như các đối tác để phối hợp phòng, chống đại dịch COVID-19.

 

ASEAN bị ảnh hưởng lớn

Theo số liệu thống kê, đến ngày 14/4, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.019.320 ca mắc COVID-19, trong đó có 119.483 trường hợp tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 23.219 ca tử vong trong tổng số 577.307 ca mắc bệnh. Tại tâm dịch bang New York, tổng số ca mắc COVID-19 là 195.749 ca, trong đó 10.058 ca tử vong. Riêng thành phố New York đã ghi nhận tới 7.349 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai sau Mỹ do COVID-19. Tây Ban Nha là nước có số ca mắc cao thứ hai thế giới khi ghi nhận 169.628 ca mắc, trong đó có hơn 17.628 ca tử vong. Italy thông báo đã ghi nhận thêm 3.153 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 159.516 trường hợp. Số ca bệnh mới được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4. Tuy nhiên, số ca tử vong tại nước này đã vượt 20.000 người và hiện ở mức 20.465 ca. Số bệnh nhân hồi phục tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 ca, giảm 83 ca. Tại Pháp, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người trong số 136.779 ca mắc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh khi lên tới 11.329 người và tổng số ca mắc bệnh là 89.569 người.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Burundi thông báo đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2. Đến nay, nước này đã phát hiện tổng cộng 5 ca nhiễm. Tại Algeria – một trong những ổ dịch nghiêm trọng tại châu Phi -đã ghi nhận thêm 69 ca mắc và 20 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Bắc Phi này lên 1.983 người và 313 ca tử vong.

Trong khi đó, các quốc gia ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 19.200 ca mắc COVID-19 và gần 800 người tử vong. “Điểm nóng” Indonesia tiếp tục có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tăng mạnh. Cụ thể, trong ngày 12/4, Indonesia đã ghi nhận 399 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 4.241. Số ca tử vong trong ngày là 46, nâng tổng số lên 373 ca. Philippines là thành viên ASEAN ghi nhận diễn biến dịch đáng lo ngại nhất trong ngày 12/4. Philippines thông báo, trong 24 giờ qua nước này có 50 ca tử vong và 220 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất của một ngày. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 297 và có 4.648 ca nhiễm. Singapore chứng kiến số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh, với 233 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 2.532, xếp thứ năm khu vực. Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong trong ngày 12/4, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 2.551, trong đó có 38 trường hợp tử vong. Tại Malaysia, Bộ Y tế ghi nhận 153 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong ngày 12/4 do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 4.683, cao nhất Đông Nam Á, trong đó 76 ca tử vong. Myanmar sau nhiều ngày kiềm chế khá thành công dịch bệnh, ngày 12/4, đã ghi nhận thêm một ca tử vong mới. Campuchia cũng ghi nhận thêm 2 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên 122. Tuy nhiên, Campuchia chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tính đến 6 giờ ngày 14/4/2020, tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam 265 ca, trong đó 159 người nhập cảnh từ nước ngoài, chiếm 60,7%; có 103 người lây nhiễm thứ phát, chiếm 39,3%; 160 người đã khỏi bệnh. Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong.

Dịch bệnh cũng tác động đến nền kinh tế các nước ASEAN, nhất là các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhiều người dân đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, an sinh xã hội bị thách thức. Nhiều hoạt động của ASEAN kể từ đầu năm 2020 đã phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức, trong đó có Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Việt Nam đang hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, các biện pháp ngăn ngừa như đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại được đưa ra trên khắp Đông Nam Á và toàn thế giới, trở thành một “bài test” căng thẳng chưa từng có đối với Chủ tịch ASEAN – Việt Nam. Hơn 1.500 cuộc họp truyền thống mỗi năm của ASEAN về chủ nghĩa khu vực gần như phải dừng lại. Nhiều hoạt động dự kiến ​​của Chủ tịch Việt Nam đang bị trì hoãn, bao gồm cả việc tuyên bố dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các cuộc đàm phán cuối cùng về Hiệp định Kinh tế đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đánh giá Hiến chương ASEAN, đánh giá giữa kỳ về Kế hoạch chi tiết cộng đồng năm 2025 và nền tảng cho tầm nhìn ASEAN sau năm 2025…

Với sự nỗ lực lớn, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh. Ngày 14/2, quốc gia đã ban hành Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về sự bùng phát của dịch bệnh, nhấn mạnh sự cấp bách của vấn đề và cam kết phản ứng tập thể của ASEAN. Tuyên bố liệt kê các biện pháp, nếu được thực thi, có thể hỗ trợ thêm phản ứng cho các quốc gia thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch. Chúng bao gồm việc chia sẻ thông tin kịp thời về phát hiện và điều trị COVID-19, các biện pháp kiểm tra sức khỏe tiêu chuẩn tại biên giới và các điểm nhập cảnh của các quốc gia thành viên, và hỗ trợ lãnh sự cho các công dân ASEAN khi cần thiết.

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức 2 phiên họp ngày 20/2 và sáng 9/4/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh. Trong kênh y tế, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã được khởi động. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố của Hội nghị về COVID-19 ngày 20/02/2020. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh ngày 19/02/2020. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua Tuyên bố chung về tăng cường khả năng hồi phục kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch COVID-19 ngày 10/3/2020.

Việt Nam (14/4) đã nỗ lực tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19bằng hình thức họp trực tuyến. Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn. Đây là một trong những hoạt động phát huy vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nâng cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, liên ngành, liên trụ cột của cả Cộng đồng ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh. ASEAN tiếp tục duy trì đà hợp tác, liên kết, đưa ASEAN vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách.

Tại các hội nghị, giới chức các nước tập trung thảo luận vào kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc, học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba; giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như: Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới. Thứ hai, chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh. Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định. Thứ năm, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.

Tuy nhiên, việc thực hiện các phản ứng nhất quán của ASEAN đối với dịch bệnh vẫn còn khó gặp khó khăn, do thực tế thiếu dữ liệu dịch tễ học và đánh giá chưa đầy đủ về sự bùng nổ của dịch bệnh trong giai đoạn đầu của một số quốc gia thành viên ASEAN, cùng với sự lan rộng nhanh chóng của COVID-19 trên toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới