Sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố lên án tàu Hải cảnh Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, giới nghị sỹ Mỹ cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế của Thượng viện Cory Gardner cùng 2 thượng nghị sĩ Bob Menendez, Ed Markey ra Tuyên bố chung lên án vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch, thông tin về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và các hoạt động khác của Trung Quốc trên các thực thể được cải tạo trái phép trên Biển Đông là rất đáng lo ngại; nhấn mạnh đây là những ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng của mình; khẳng định Trung Quốc đang cản trở ổn định khu vực tại thời điểm cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để đối phó với dịch Covid-19. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Menendez chỉ trích Trung Quốc tiếp tục cách hành xử gây hấn và gây chia rẽ ở biển Đông và nhấn mạnh mọi quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải được tự do, không bị cưỡng ép trong một khu vực được quản trị bởi luật pháp, các quy chuẩn và thể chế quốc tế.
Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế của Thượng viện Cory Gardner cũng lên án hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc và cho rằng đây là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ lên tiếng trước các hành động của Trung Quốc và tiếp tục tái khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Markey cho rằng Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ các đối tác và đồng minh khu vực của mình bảo vệ tự do hàng hải, dòng chảy thương mại tự do và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, cho biết “khi những người độc đoán lợi dụng đại dịch làm xói mòn pháp quyền, chúng ta phải tiếp tục vạch trần những ý đồ của Bắc Kinh củng cố yêu sách biển quá đáng ở biển Đông”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang Arkansas Tom Cotton là Thượng nghị sĩ Mỹ thứ 5 lên tiếng về việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và triển khai máy bay quân sự ở Biển Đông. Tuyên bố của ông Tom Cotton lên án vụ việc, cho rằng Trung Quốc đã tấn công những ngư dân ôn hòa để thực thi yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông. Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, khi họ bảo vệ công dân và chủ quyền của mình khỏi sự hung hăng của Trung Quốc.
Được biết, giới nghị sỹ Mỹ thường xuyên lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, chỉ trích Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7/2019) đã ra Tuyên bố về sự can thiệp trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố trên chỉ trích việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy bố cho biết: “Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ; cho biết, tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực”. Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố nhấn mạnh: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch; Thượng nghị sĩ Bob Menendez; Thượng nghị sĩ Cory Gardner và Thượng nghị sĩ Edward Markey thuộc Tiểu ban các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương (1/8/2019) cũng ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Jim Risch cho biết, hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc triển khai các tàu hải cảnh là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp áp chế để khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Theo Thượng nghị sĩ Jim Risch, việc xác định cụ thể các biện pháp để đẩy lùi những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nên là trọng tâm chương trình nghị sự của Mỹ trong các cuộc gặp với ASEAN tuần này tại Bangkok. Ngoài vai trò của Mỹ, điều quan trọng là các đối tác trong khu vực, nhất là ASEAN cần sát cánh bên nhau và vững vàng trước sự áp chế của Trung Quốc. Nếu không có sự phản đối mạnh mẽ với kiểu hành xử này, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động trái phép ở Biển Đông, làm suy yếu các lợi ích chung của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như thượng tôn pháp luật. Thượng nghị sĩ Bob Menendez cho rằng, điều quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành xử của họ ở Biển Đông. Chúng ta cần một chiến lược phản ánh những lợi ích sâu sắc và lâu dài của Mỹ khi hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp xây dựng Biển Đông thành nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực là trung tâm và các nước trong khu vực không bị áp chế. Theo Thượng nghị sĩ Cory Gardner, việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động gây hấn với những quốc gia tuyên bố chủ quyền khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế; nhấn mạnh mong đợi Ngoại trưởng Pompeo sẽ dùng cơ hội này để nhấn mạnh rằng Mỹ luôn sát cánh với các đối tác ASEAN, đồng thời kêu gọi một chính sách phối hợp trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Kinh. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Edward Markey cho rằng, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông – một trong những vùng biển quan trọng nhất hành tinh – gây bất ổn sâu sắc; khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình tại đây và ủng hộ các đồng minh Đông Nam Á cũng như đối tác thực hiện các nỗ lực của họ, bao gồm cả ở Diễn đàn khu vực ASEAN tuần này. Theo Thượng nghị sĩ Edward Markey, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đã ra phán quyết rõ ràng rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải.
Một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ như thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey, thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts, thượng nghị sĩ Patrick Leahy bang Vermont và thượng nghị sĩ Brian Schatz bang Hawaii (29/7/2019) đã ký tên vào bức thư hối thúc Ngoại trưởng Mike Pompeo khi dự Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bangkok ngày 2/8/2019 hãy ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Mở đầu bức thư gửi ông Pompeo đề ngày 29/7, nhóm nghị sỹ Mỹ khẳng định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các tuyên bố chủ quyền vô lý, hành động quân sự hóa các thực thể, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng như việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình là các vấn đề mà Mỹ cần ưu tiên lưu tâm vào thời điểm hiện tại. Giới thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải, thương mại được đảm bảo, các quốc gia trong khu vực không phải chịu các hành vi bắt nạt là các vấn đề quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các hành động hăm dọa, ép buộc, phớt lờ các cơ chế trọng tài ngoại giao hòa bình và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong vài năm qua đang đe dọa tới các lợi ích này; khẳng định “việc Trung Quốc dọa nạt, cưỡng ép, chối bỏ việc giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, hòa bình và cơ chế trọng tài, và đe dọa dùng vũ lực trong những năm gần đây là thách thức nghiêm trọng cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực”. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ trên còn đánh giá cao lập trường của chính quyền Mỹ lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và đồng tình với các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ trong khu vực, nhưng cũng cho rằng “cần hành động nhiều hơn để đẩy lui các hoạt động gây hấn và ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc”.
Được biết, khoảng 3h ngày 02/4, tàu cá QNg 90617 TS công suất 420 CV của ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. 8 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ suốt 15 tiếng đồng hồ. Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đặng Tằm và QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng liền chạy đến cứu và bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Tàu của ông Linh và ông Dũng bị bắt, lai dắt về khu vực tàu QNg 90617 TS lâm nạn. Khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá của ông Linh, ông Dũng và thả cho họ về.
Trước hành động trên của Trung Quốc, gười phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối, nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.