Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngNikkei: Tập Cận Bình đã thua Giang - Hồ trong quan hệ...

Nikkei: Tập Cận Bình đã thua Giang – Hồ trong quan hệ với Hoa Kỳ

Ông Bình sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo chỉ làm xấu đi quan hệ Trung-Mỹ, nói cách khác Tập Cận Bình thấp kém hơn Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.

Asia Nikkei Review ngày 1/10 bình luận, nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ “nước lớn kiểu mới” trong chuyến công du chính thức Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đã phá sản. Kết quả chuyến thăm cho thấy Washington không muốn có cùng tầm nhìn với Tập Cận Bình về “quan hệ kiểu mới”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hộ thành tích của Tập Cận Bình trong suốt chuyến đi, nhưng chính quyền Barack Obama lại tỏ ra không chút sẵn sàng hay hào hứng nào. Mặc dù đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình thăm chính thức Hoa Kỳ, nhưng hai bên không có một bản tuyên bố chung toàn diện để công bố trong họp báo. Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh gọi hiện tượng này là “bất thường”.

Chuyến thăm của Tập Cận Bình đã bị lu mờ bở một loạt bất đồng nghiêm trọng xung quanh hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông, vấn đề nhân quyền “tệ hại” và các hoạt động tấn công mạng Trung Quốc nhằm vào Hoa Kỳ. Tài liệu chính thức mà chính phủ hai nước phát hành sau hội nghị thượng đỉnh là một tuyên bố về biển đổi khí hậu, minh họa cho kết quả nghèo nàn của hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm giữa Obama và Tập Cận Bình ở Vườn Hồng, Nhà Trắng đã phát một “tờ” phác thảo nội dung các cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo. 7 tiếng sau, Tân Hoa Xã cho đăng danh sách các “kết quả” chuyến thăm. Hai văn bản cùng nói về một sự kiện nhưng khác nhau một trời một vực.

“Kết quả” đầu tiên trong danh sách Tân Hoa Xã liệt kê là “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”. Nội dung này nhắc lại nỗ lực của Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác song phương trong họp báo với ông Obama, trong khi “tờ” thông báo của Nhà Trắng chỉ nói rằng, hai bên đồng ý làm việc cùng nhau để quản lý sự khác biệt. Không có bất cứ điều gì liên quan đến “quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

Tập Cận Bình đã “chào hàng” tham vọng này của ông trong tháng Sáu năm 2013 khi ông gặp Obama ở Palm Springs, California với câu nói nổi tiếng: Thái Bình Dương đủ lớn để chứa cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thông điệp của Tập Cận Bình xem Trung Quốc là một sức mạnh kinh tế và quân sự hàng đầu, có quyền đòi nắm giữ ảnh hưởng một nửa phía Tây Thái Bình Dương.

Ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào, ảnh: The Wall Street Journal.

Ban đầu có vẻ Nhà Trắng đã không hoàn toàn phản đối cách tiếp cận này của ông Tập Cận Bình. Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice tháng 11/2013 đã đề cập đến một “mô hình mới” trong quan hệ Mỹ – Trung. Nhưng việc Bắc Kinh đột ngột đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông đã dập tắt hoàn toàn ý niệm này của Mỹ và Washington không bao giờ nhắc đến “quan hệ nước lớn” với Trung Quốc nữa.

Trong cuộc gặp Obama tại The Hague, Hà Lan tháng Ba năm ngoái, Tập Cận Bình lại một lần nữa chào hàng ý tưởng này, nhưng Barack Obama không đếm xỉa gì tới. Lần này họ Tập tiếp tục trình bày tầm nhìn của mình, Nhà Trắng vẫn từ chối trong im lặng. Thông thường các chính phủ thường tránh làm nổi bật những gì lãnh đạo 2 nước không đồng ý trong 1 chuyến thăm, nhưng chính quyền ông Tập Cận Bình không ngần ngại làm ngược lại điều này. Thậm chí Trung Quốc còn đưa nó lên đầu danh sách “kết quả”.

Ngoài những bài ca ngợi trên truyền thông nhà nước Trung Quốc kiểm soát, vẫn có những lời thì thầm của dư luận theo dõi hoạt động ngoại giao của Tập Cận Bình và so sánh với 2 người tiền nhiệm. Trong năm 2011 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ và gặp Obama, hai bên ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh. Giang Trạch Dân thăm Mỹ năm 1997, chuyến đi này hai bên cũng ra tuyên bố chung.

Thời đại Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc phát triển theo chiến lược giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình. Nhưng khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã ném nó váo sọt rác và bắt đầu ra sức ép Hoa Kỳ với chính sách khiêu khích lãnh thổ với láng giềng. Việc thiếu một tuyên bố chung khi thăm chính thức nước Mỹ cho thấy cách tiếp cận hung hăng của họ Tập đã phản tác dụng, ít nhất là đến thời điểm hiện nay.

Nhìn về tương lai, nếu không có gì thay đổi ông Tập Cận Bình sẽ dẫn dắt Trung Quốc đến năm 2023, trong khi ông Obama sắp nghỉ hưu vào tháng Giêng năm 2017. Tập Cận Bình có thể chờ đợi sang đời Tổng thống Mỹ kế tiếp để theo đuổi mục tiêu thiết lập “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Nhưng nếu thất bại, ông Bình sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo chỉ làm xấu đi quan hệ Trung – Mỹ, nói cách khác Tập Cận Bình thấp kém hơn Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, ít nhất là về mặt ngoại giao.

RELATED ARTICLES

Tin mới