Sunday, September 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Trung tăng cường hiện diện ở eo biển Đài Loan:...

Mỹ – Trung tăng cường hiện diện ở eo biển Đài Loan: Căng thẳng leo thang

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đang ngày càng mất kiểm soát và lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quân đội Mỹ và Trung Quốc liên tục điều tàu chiến, máy bay trình sát hoạt động trong khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Quân đội Mỹ (10/4) đã điều tàu tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Barry lớp Arleigh Burke di chuyển qua eo biển Đài Loan. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết tàu trên được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 để hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, từ 10-13/4, Mỹ liên tục điều máy bay trinh sát di chuyển qua eo biển Đài Loan tới khu vực Biển Đông. Theo đó, Mỹ đã điều máy bay trinh sát RC-135U số hiệu 64-14847, 02 máy bay EP-3E số hiệu 157318 và 159893, máy bay RC-135W số hiệu 62-4139 bay qua Biển Đông.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến qua khu vực eo biển Đài Loan. Ngày 25/3, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan; ngày 15/2, một tàu chiến Mỹ đã băng qua eo biển Đài Loan song không tiết lộ tên con tàu trên, chỉ cho biết rằng đây là một đợt quá cảnh thông thường khi nó băng qua eo biển theo hướng Nam; ngày 17/1, một tàu khu trục tên lửa hành trình USS Shiloh (CG-67) cũng đã thực hiện hành trình tương tự. Phía Hải quân Mỹ cho biết việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhấn mạnh Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động của tàu thuyền, máy bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trong khi đó, Trung Quốc (10/4) cũng đã điều máy bay đánh bom H-6 và J-11 tập trận trên vùng biển này về phía Tây Nam Đài Loan. Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tập trận và áp sát không phận Đài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh vừa đưa ra chỉ trích Đài Bắc liên quan các tuyên bố lên án Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona ở Trung Quốc và Mỹ chưa thể khống chế, khiến người dân trong nước đang ngày càng lên án, chỉ trích sự yếu kém của Chính quyền. Để giảm bớt áp lực, Mỹ và Trung Quốc đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu tăng cường hiện diện trong khu vực eo biển Đài Loan.

Phía Trung Quốc muốn thông qua việc tăng cường hiện diện trong khu vực Đài Loam nhằm tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước về diễn biến tình hình dịch bệnh, giảm sự chỉ trích, lên án của người dân; khích lệ tinh thần yên nước, lòng tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc; đồng thời nó cũng sẽ khiến người dân dần lấy lại niềm tin vào Chính quyền. Trong khi đó, Mỹ muốn thể hiện sự hiện diện của Mỹ ở Đài Loan nhằm truyền tải một số thông điệp: Thứ nhất, Mỹ thể hiện cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trước sự gây hấn của Trung Quốc; thứ hai, Mỹ đủ khả năng kiểm soát khu vực Biển Đông, Đài Loan hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bất chấp diễn biến tình hình dịch bệnh và một loạt tàu sân bay của Mỹ phải tạm dừng hoạt động vì các ca nhiễm COVID-19.

Được biết, Trung Quốc nhiều lần bị các hành động ủng hộ Đài Loan của chính quyền Tổng thống Donald Trump chọc giận. Các hành động này bao gồm bán nhiều vũ khí cho Đài Loan hơn, tàu Mỹ tuần tra gần eo biển Đài Loan và mới đây nhất là chuyến thăm Washington của nhân vật số 2 Đài Loan Lại Thanh Đức hồi tháng 2. Đài Loan là vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ loại trừ khả năng dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này. Vì vậy, khu vực eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc là nguồn gây căng thẳng thường xuyên. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã tăng cường tuần tra qua eo biển, mới đây nhất là gần 1 tháng trước. Trung Quốc tuyên bố Mỹ đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi ủng hộ Đài Loan. Cũng như các nước khác, Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng lại là nguồn hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất cũng như nguồn cung cấp vũ khí chính.

RELATED ARTICLES

Tin mới