Saturday, September 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu tư nhân bắt tàu TQ: Khó thực thi vì Bắc Kinh...

Tàu tư nhân bắt tàu TQ: Khó thực thi vì Bắc Kinh quá hung hăng

Việc giới chuyên gia Mỹ đề xuất chính quyền Tổng thống Donald Trump cấp giấy ủy quyền cho các tàu tư nhân tấn công, bắt giữ hoặc tiêu diệt tàu thương mại của đối thủ là một đề xuất hay, nhưng khó triển khai trên thực tế vì Trung Quốc quá hung hăng và sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn trên biển.

Theo thông tin trên, chuyên gia Mark Cancian và Brandon Schwartz thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu căng thẳng ở Biển Đông, Washington nên cấp giấy ủy quyền cho các tàu tư nhân tấn công, bắt giữ hoặc tiêu diệt tàu thương mại của đối thủ. Theo đó, chiến lược dùng tàu tư nhân vừa “hợp pháp và tốn chi phí thấp” lại giúp kiềm chế hiệu quả việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển thay vì kích động dẫn đến chiến tranh toàn diện. Bên cạnh đó, đội tàu thương mại là điểm yếu của Trung Quốc và nếu chúng bị tấn công sẽ làm suy yếu toàn bộ nền kinh tế và đe dọa sự ổn định của nước này.

Được biết chiến lược trên đã từng có tiền lệ trong lịch sử. Cụ thể, từ giữa thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 18, tàu tư nhân được một số chính quyền phương Tây nâng cấp thành tàu chiến. Tuy nhiên, việc làm này sau đó bị một loạt các hiệp ước quốc tế khác nhau ra đời vào giữa thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 không công nhận. Điểm đáng chú ý là Washington chưa chính thức ký kết bất kỳ hiệp ước nào nói trên. Đồng thời, hiến pháp Mỹ cũng có điều khoản cho phép cho Quốc hội trao quyền cho tàu tư nhân bắt giữ tàu thương mại của đối thủ. Mỹ chưa ban hành bất kỳ giấy ủy quyền bắt giữ nào cho tàu tư nhân kể từ năm 1907 vì lý do chiến lược và điều kiện chính sách lúc bấy giờ chứ không phải xem đây là điều bất hợp pháp.

Theo nhà bình luận quân sự Hông Kông Tống Trung Bình, việc cổ súy sự phân ly kinh tế như cách mà giới lãnh đạo bảo thủ của Mỹ đang làm hiện nay sẽ đẩy nước này vào nguy cơ đối đầu trực diện, thậm chí là xung đột với Trung Quốc. Khi người Mỹ đã quyết định hành động cứng rắn chống lại cái gọi là đối thủ hoặc kẻ thù thì họ sẽ không hạn chế hay loại trừ bất kỳ biện pháp nào. Giáo sư Julia Xue – Trưởng bộ môn Luật Quốc tế tại ĐH Giao thông hàng hải (Trung Quốc) khẳng định hai tác giả người Mỹ đã diễn giải sai luật pháp quốc tế. Ngoài ra, những vấn đề mà hai ông đề cập thuộc về phạm trù tập quán quốc tế mà cả nước Mỹ cũng bị ràng buộc. 

Trong khi đó, TS Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng đây là một ý tưởng sai lầm về mặt chính trị. Chiến lược dùng tàu tư nhân là một hành động khiêu khích châm ngòi cho sự trả đũa từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hành vi này thậm chí còn có thể được xem là cố ý sử dụng vũ lực và sẽ khiến Mỹ bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Cũng vì lý do này, chuyên gia trên nhận định Washington khó có khả năng xem xét nghiêm túc một đề xuất như vậy và những bài viết dạng này chỉ nên được xem là ý kiến chủ quan của một số nhà nghiên cứu có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Cùng quan điểm trên, có ý kiến cho rằng đề xuất trên sẽ khó khả thi và kể cả trong trường hợp được Mỹ thông qua, thì nó cũng không thể thực hiện được. Vì hiện Trung Quốc đã trở thành một cường quốc trên biển, có số lượng tàu hàng, tàu chiến vào loại nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc được biết đến là một nước sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn để bảo vệ cái gọi là “lợi ích” và “chủ quyền” trên biển. Điển hình là việc nước này bất chấp luật pháp quốc tế, sự phản đối của các nước, ngang nhiên sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tiến hành cải tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông; liên tục sử dụng lực lượng chấp pháp càn phá, tấn công tàu cá, tàu công vụ của Việt Nam; đưa các loại tàu thăm dò, khảo sát vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981trong vùng biển của Việt Nam… Không những vậy, Trung Quốc còn là nước có thói quen không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Điển hình là tuyên bố, thái độ của Trung Quốc về phán quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài (12/7/2016) khi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.

Do đó, nếu đề xuất trên được thông qua, Trung Quốc sẽ không từ thủ đoạn để tấn công trả đũa Mỹ, bao gồm việc sử dụng lực lượng hải quân, hải cảnh… tấn công các tàu hàng của Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới