Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh mang số hiệu 3302 tới hoạt động trong khu vực gần bãi cạn Scarborough, nơi mà Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát trái phép từ Philippines sau vụ va chạm tàu giữa hai bên hồi năm 2012.
Theo thông tin trên, Trung Quốc đã tàu Hải cảnh 3302 rời khỏi cảng ở thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) hôm 5/4 và đến bãi cạn Scarborough hôm 8/4. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tàu hải cảnh 5302 tuần tra trái phép gần bãi Cỏ Mây từ ngày 6/3 còn tàu hải cảnh 5202 xuất hiện gần đảo Thị Tứ hôm 3/4. Hai thực thể này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát trái phép.
Thời gian gần đây, Trung Quốc không chỉ gia tăng các hoạt động tuần tra, giám sát quanh khu vực bãi cạn Scarborought, mà còn chuẩn bị sẵn sàng bồi đắp, biến bãi cạn này thành đảo nhân tạo mới ở Biển Đông. Chuyên gia Philippines Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines từng cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị hoạt động bồi đắp Scarborough/Hoàng Nham trước khi Tòa trọng tài quốc tế (12/7/2016) ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, âm mưu trên của Trung Quốc đã bị ngăn cản bởi sự hiện diện của các máy bay chiến đấu A-10 Warthogs và F/A-18 thuộc quân đội Mỹ theo Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Manila và Washington. Liên quan vấn đề này, kênh ABS CBN nhận định, vào lúc đó, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng phi pháp trên 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và việc bồi đắp Scarborough sẽ giúp Trung Quốc gia tăng kiểm soát Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thực chất là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía Tây. Bãi cạn được tạo thành từ một chuỗi rạn san hô và đá có hình tam giác với chu vi 55 km và tổng diện tích (gồm cả vùng nước cạn) là 150 km2. Phá nước nông có diện tích 130 km2 và độ sâu 15 m. Trong bãi cạn, có một vài hòn đá, trong đó có hòn mà Trung Quốc gọi là Nam nham, cao từ 0,5 – 3 m; nhiều rạn đá ngầm chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. Gần cửa vào của phá nước có một phế tích của tháp sắt cao 8,3 m do Hải quân Philippines dựng lên vào năm 1965. Hiện nay, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham; Đài Loan và Trung Quốc xem bãi cạn này là một phần của quần đảo Trung Sa. Philippines thì cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1092 (UNCLOS) công nhận. Kể từ năm 1997, Philippines đòi chủ quyền đối với bãi cạn này.
Trước tháng 4 năm 2012, cả Trung Quốc lẫn Philippines đều không duy trì sự hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Ngư dân Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đã từng tới đây khai thác hải sản. Vào những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, hải quân Philippines từng bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đi vào khu vực bãi cạn này.
Tranh chấp bùng phát từ khi tàu Philippines phát hiện ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản bị cấm ở bãi cạn và định tịch thu. Ngày 8 tháng 4 năm 2012, khi Philippines phát hiện một số tàu cá của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Hải quân Philippines phát biện 8 tàu cá Trung Quốc, Sau khi kiểm tra tàu, nhà chức trách Philippines đã phát hiện ra số lượng lớn hải sản bị đánh bắt trái phép. Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Sau khi nhận được thông báo của các tàu, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tới khu vực này, chặn lối vào đầm phá và ngăn cản việc nhà chức trách Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này. Ngày 10 tháng 4 năm 2012, hai tàu hải giám Trung Quốc ngăn chặn một tàu chiến Philippines khỏi việc bắt giữ những ngư dân Trung Quốc. Sau khi các tàu đánh cá rời bãi cạn, tàu của chính phủ hai bên vẫn duy trì nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền với Scarborough. Tới cuối tháng 5 năm 2012, Trung Quốc triển khai thêm 7 tàu hải giám và các tàu của Ủy ban nghề cá. Nhiều tàu chính phủ và tàu cá của Trung Quốc vẫn hoạt động quanh bãi cạn, nơi Bắc Kinh và Manila có tranh chấp chủ quyền căng thẳng suốt hơn hai tháng các tàu của chính phủ nước này vẫn sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ quanh bãi cạn tranh chấp trên cơ sở nhu cầu thi hành luật pháp, quản lý và duy trì tại đó. Kể từ tháng 6/2012, Trung Quốc đã duy trì kiểm soát tại bãi cạn Scarborough và cho quân đồn trú lâu dài trên bãi này.