Từ đầu tháng 4 đến nay Trung Quốc liên tục có những hành động càn rỡ trên Biển Đông. Những hành động mới nhất là đưa tàu Hải Dương 8 trở lại biển Đông chưa rõ với ý đồ gì. Đặc biệt trắng trợn là hôm 18/4 Chính phủ Trung Quốc đã ngang nhiên ra quyết định thành lập cái gọi là 2 huyện Tây Sa và Nam Sa thuộc TP Tam Sa.
Tây Sa chính là quần đảo Hoàng Sa và Nam Sa là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động ăn cướp này cần phải được lên án mạnh mẽ, cần phải đề nghị đưa ra Tòa quốc tế để phán xét.
Có một câu hỏi đặt ra: Vì sao Bắc Kinh lại ngang ngược làm nhiều trò lố vào lúc này, như cách nói dân dã là “đục nước thả câu”? Lúc này là lúc cả thế giới đang dồn sức chống đại dịch Covid-19. Lửa đang cháy rừng rực cần phải dập lửa thì tên trộm giở trò khoét ngạch, hôi của. “Lửa cháy” mạnh nhất là ở Mỹ, một siêu cường mà Trung Quốc gờm mặt.
Cụ thể là, Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Tổng số ca tử vong do Covid-19 đã lên đến gần 41.000 ca. Còn tổng số ca nhiễm bệnh đã lên gần 800.000 ca (tính đến ngày 20/4).Trong đó, bang New York chiếm gần một nửa số trường hợp tử vong do Covid-19 ở Mỹ. Tính chung, tỷ lệ tử vong ở Mỹ tăng dần, từ 1,35% cuối tháng 3, lên 4% ngày 15/4, lại tăng lên 5% ngày 18/4.
Trở lại việc Trung Quốc quyết định thành lập hai huyện đảo “trùm” lên đất đã có chủ là Việt Nam, chúng ta thấy việc này là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tự tạo ra “bằng chứng” quyền kiểm soát hành chính đối với Biển Đông. Bởi lâu nay, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông liên tục bị các nước trong khu vực bác bỏ, kể cả Tòa án quốc tế. Cái mà nước này đuối lí nhất là không hề có bằng chứng về hệ thống quản lý hành chính đối với các vùng biển mà họ đặt ra yêu sách.
Nếu có huyện đảo Tây Sa, Nam Sa thì Trung Quốc sẽ giương lên cái “bằng chứng” để củng cố hồ sơ pháp lý. Nói về mục tiêu lâu dài thì Trung Quốc thông qua bàn đạp biển Đông mà vươn lên vị trí bá chủ thế giới. Rõ ràng Trung Nam Hải đang cố gắng khai thác thời điểm toàn cầu đang đối phó đại dịch để thể hiện vai trò “lãnh đạo” và là “nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu đáng tin cậy” của thế giới.
Mặc dù nhiều nước lên án khẩu trang và bộ kit xét nghiệm mà Trung Quốc gửi đến các nước không đảm bảo chất lượng, đó là hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng Bắc Kinh vẫn cao giọng rằng, họ có “trách nhiệm” của một siêu cường trong việc giúp các nước khác chống đại dịch. Tưởng như Trung Quốc dốc toàn lực vào việc chống dịch, nhưng không thể lường hết những con bài toan tính phía sau. Một con bài mà xưa nay họ thường dùng đó là gương bẫy bắt thỏ. Cái bẫy đó giăng ra không ngoài mục đích dẫn đến việc xung đột bằng quân sự.
Lúc này đây nếu xung đột về quân sự, điều dễ thấy là các nước đang bị Trung Quốc bắt nạt như Việt Nam, Indonesia, Philippines…yếu thế hơn về quân sự. Các nước này chỉ có thể thắng khi hợp tác chặt chẽ, dựa chắc vào luật pháp quốc tế, lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết, liên tục.
Còn đối với Mỹ? Ngoài những tuyên bố mạnh mẽ, Wasinghton cần có những thông điệp mạnh hơn. Cụ thể là tăng cường các hoạt động tuần tra; đưa ra những động thái có tính chất thông điệp sẵn sàng có những phản ứng cứng rắn. Sức mạnh trong thực tế, trong thực địa là ở sức mạnh quân sự. Đối phương không thể bị đè bẹp bởi những tuyên bố chung chung.
Giờ đây nếu đọ sức về Hải quân trên biển, Mỹ có ưu thế vượt trội. Hiện tại, Hải quân Mỹ vẫn duy trì các năng lực đã triển khai đảm bảo chắc chắn rằng Hải quân Trung Quốc khó có khả năng gây tổn hại cho Mỹ. Các máy bay trinh sát của hải quân và không quân Mỹ vẫn đang theo dõi, giám sát rất chặt nhóm tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.
Nhưng mối đe dọa ghê gớm nhất của Hải quân Mỹ với Trung Quốc lại đến từ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và từ 31 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc Lực lượng tàu ngầm khu vực Thái Bình Dương. Trong số đó có bốn tàu ngầm đóng tại Guam, chỉ cần hai ngày là có thể đến được giữa Biển Đông. Những tàu ngầm hạt nhân này có khả năng hoạt động gần, thậm chí cực gần đội tàu Trung Quốc mà rất khó bị phát hiện. Các tàu này còn trang bị loại ngư lôi Mark-48 hiện đại nhất, có thể khống chế tàu Liêu Ninh mà Trung Quốc đang rất huênh hoang khoe với giới quân sự thế giới .
Hy vọng sau cơn choáng váng bởi đại dịch Covid-19, Mỹ sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn trên Biển Đông để răn đe, ngăn chặn nhà cầm quyền Băc Kinh.