Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả: TQ hành xử “côn đồ” trên Biển Đông

Giới học giả: TQ hành xử “côn đồ” trên Biển Đông

Thời gian gần đây, khi các nước đang tập trung mọi nguồn lực đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã gia tăng nhiều hoạt động khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông nhằm củng cố yêu sách “chủ quyền” tròng vùng biển này.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông như xây dựng và đưa vào sử dụng trạm “nghiên cứu khoa học” trên đá Chữ Thập và đá Subi, tiến hành tập trận trên Biển Đông, cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, đưa tàu khảo sát vào hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam và các nước, cho tàu khu trục Type-052D tấn công máy bay tuần tra của Mỹ… những hành động trên của Trung Quốc bị chính giới, chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhận định lên án, cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng cả thế giới đang bận rộn với việc chống đại dịch COVID-19 để leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Chuyên gia Kelsey Broderick, nhà phân tích Trung Quốc tại Eurasia Group, nhận định, về cơ bản, Trung Quốc không để việc bùng phát đại dịch làm ảnh hưởng đến việc theo đuổi các vấn đề chính sách đối ngoại của họ. Theo Broderick, không chỉ Biển Đông, Bắc Kinh còn gây sức ép lên Đài Loan. Có thể Trung Quốc đang kỳ vọng rằng những hành động ấy sẽ gửi đến các quốc gia Biển Đông thông điệp nước này sẽ không chùn bước trong bất kỳ trường hợp nào. Tương tự, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nhận xét việc gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có gì mới” dù hầu hết mọi người đều nghĩ Trung Quốc lợi dụng đại dịch để lấn tới. Hiện không có dấu hiệu Trung Quốc sẽ ngừng lại việc thiết lập quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp.

Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng “chuyển lửa ra ngoài” bằng cách gây sóng gió ở Biển Đông để khỏa lấp những lo lắng mà người dân Trung Quốc đang phải đối mặt vì ảnh hưởng của đại dịch. Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang bị ràng buộc trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng gây ra từ đại dịch. Vậy nên lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh giao lại cho các cơ quan chức trách địa phương tiến hành các động thái tạo sức ép nhằm khẳng định chủ quyền trên biển. Sớm hay muộn thì việc Trung Quốc tìm cách gây hấn ở Biển Đông cũng sẽ diễn ra. Cùng quan điểm với ông Poling, chuyên gia Broderick cũng nhận định các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông hay Đài Loan đều muốn gửi thông điệp đến người dân nước họ về sự lãnh đạo mạnh mẽ của người cầm quyền.

Chuyên gia Collin Koh (Đại học Nanyang, Singapore) nhận định có những lời đồn về việc đại dịch có khả năng ảnh hưởng đến năng lực an ninh, quốc phòng của Trung Quốc. Điều đó có thể khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế hiểu nhầm rằng đại dịch có thể khiến Trung Quốc lơ là với vấn đề lợi ích trên biển. Đó là lý do khiến Trung Quốc tiếp tục tiến hành hoạt động gây sức ép ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc liên tục sử dụng các chiêu trò “thăm dò”, “khảo sát khoa học”, “phục vụ dân sinh” hay “phúc lợi chung” để che giấu mục tiêu “khống chế” Biển Đông mà không cần nổ 1 viên đạn. Trên thực tế, Trung Quốc đang muốn biến hành động tự tiện nghiên cứu tài nguyên dầu khí và địa chất ở khu vực Biển Đông thành một chuyện thường lệ mà các quốc gia khác trong khu vực không thể làm gì, ngoài các phản đối ngoại giao. Sau khi tuyên bố kết thúc nhiệm vụ của tàu Hải Dương 8 vào tháng 10/2019, Trung Quốc tự tin tiếp tục đưa con tàu này quay trở lại Biển Đông năm nay. Dù cho mục tiêu của con tàu này là khảo sát hay thăm dò địa chất ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay của quốc gia khác trong khu vực Biển Đông, thì cũng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc tin rằng thế giới rồi sẽ quen với việc Trung Quốc đơn phương thực hiện các hành động xác định chủ quyền ở khu vực Biển Đông như chính sách đơn phương cấm đánh bắt cá hằng năm mà Trung Quốc bắt đầu triển khai vào năm 1999, rồi chấp nhận việc cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc từ năm 2012 – 2015.

Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales) cho rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của Trung Quốc là một sự “tuyên truyền và hoàn toàn đánh lạc hướng” dư luận. Theo vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, cần phải có thêm chi tiết về vụ đụng độ mà Trung Quốc lại “chưa cung cấp bằng chứng bằng video để hỗ trợ cho tuyên bố của họ”. Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với Reuters rằng đây là hành động của Bắc Kinh nhằm một lần nữa đưa ra các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở trên Biển Đông. Trung Quốc đang lợi dụng việc đánh lạc hướng vào đại dịch virus corona để tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giữa lúc Mỹ và châu Âu đang phải đối phó với loại virus mới.

Theo giới chuyên gia, các nước cần tăng cường hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Elbridge Colby – từng là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ – cho rằng để ngăn chặn mục tiêu tạo chuyện đã rồi của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải ngăn chặn kế hoạch của Bắc Kinh từ ngay khi mới bắt đầu; cho rằng việc chấp nhận chuyện đã rồi của Trung Quốc đã tạo sức mạnh cho nước này thực hiện các mục tiêu lớn hơn. Đảo Chữ Thập sau khi Trung Quốc cải tạo đã trở thành một căn cứ quan trọng cho Trung Quốc trong tiếp liệu cho tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm khu đặc quyền kinh tế Việt Nam trong nhiều tháng liền năm ngoái. Lần này có lẽ không là ngoại lệ. Các quốc gia trong khu vực cần phải có cách tiếp cận khác hơn. Đã đến lúc các quốc gia ASEAN phải đoàn kết như bó đũa thông qua việc thiết lập thiết chế tuần tra hàng hải chung. Đây cũng là câu chuyện “bây giờ hay không bao giờ” trước khi mọi thứ quá trễ.  Thiết chế này là sự hợp tác đa phương cảnh sát biển của các quốc gia trong khu vực. Để tránh gây căng thẳng quá mức, cơ chế hợp tác đa phương tuần tra chung này mang tính dân sự hay bán quân sự giữa các lực lượng tuần duyên hay cảnh sát biển, thay vì giữa các lực lượng hải quân các nước. Nếu cần thiết có sự hỗ trợ thì cơ chế đa phương này cần có mô hình mở rộng với các quốc gia đối tác như các thể chế khác của ASEAN như ASEAN+3, ADMM+ để thúc đẩy việc tuần tra có hiệu quả như đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, tập huấn năng lực hoạt động và kỹ thuật, cũng như cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh cũng như từ các máy bay giám sát. Việc tuần tra chung không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên biển của các quốc gia trong khu vực mà còn cung cấp các dịch vụ cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (bão lụt). Các quốc gia trong khu vực đã đến lúc nhận thức những xung đột có thể bùng phát ở khu vực Biển Đông không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia tranh chấp nào mà là câu chuyện chung của toàn khu vực và đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất trong khối. Tiến sỹ Zach Abuza (Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ) cho rằng với việc chính phủ khu vực và các nước khác toàn tâm cho nhiệm vụ ứng phó dịch COVID-19, bên cạnh đó là rất nhiều chính phủ đang chịu ơn sự viện trợ của Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng đang lợi dụng sự lơi lỏng trong ánh mắt giám sát của quốc tế. Tàu khảo sát Trung Quốc được hộ tống bằng 5 tàu hải cảnh. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đang triển khai tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hải quân khác. Sẽ rất đáng chú ý nếu họ sử dụng nghiên cứu địa chất như một bài diễn tập về khả năng tương tác, phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới