Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCông hàm gian xảo của TQ hòng lừa đảo về vấn đề...

Công hàm gian xảo của TQ hòng lừa đảo về vấn đề Biển Đông tại Liên hợp quốc

Phái đoàn Thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (17/4) tiếp tục gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó trơ trẽn bịa đặt về vấn đề “chủ quyền” ở Biển Đông nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế. Song âm mưu, hành động của Trung Quốc sẽ thất bại một cách thảm hại.

Theo đó, Phán đoàn Trung Quốc gửi Công hàm có một số nội dung xuyên tạc, ngụy biện, vu cáo và “đổi trắng thay đen” một cách trắng trợn sau:

(i) Trung Quốc có “chủ quyền” đối với Quần đảo Xisha (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và vùng biển lân cận, Quần đảo Nansha (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng biển lân cận, và có “quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với các vùng biển và đáy biển có liên quan. Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” và “quyền và lợi ích hàng hải” tại các đảo Biển Đông và các vùng biển liên quan được hình thành trong “thực tiễn lịch sử lâu dài”, được chính phủ Trung Quốc thiết lập duy trì Luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

(ii) Chính phủ Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” của Quần đảo Xisha và Quần đảo Nam Sa đã được cộng đồng quốc tế “công nhận” rộng rãi. Chính phủ Việt Nam cũng đã “công nhận” rõ ràng điều này. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Tuyên bố về lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đông “thừa nhận”. Trong tuyên bố gửi Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và tán thành tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định chiều rộng lãnh hải”.

(iii) Sau năm 1975, Việt Nam “vi phạm lệnh cấm estoppel”, và đã đệ trình các yêu sách lãnh thổ “bất hợp pháp” đối với quần đảo Xisha và quần đảo Nansha, hành vi này “vi phạm” các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, Việt Nam còn cử quân đội “xâm chiếm” một số đảo và rạn san hô của Quần đảo Nansha của Trung Quốc. Trung Quốc luôn phản đối việc “chiếm đóng bất hợp pháp” của Việt Nam đối với một số đảo và rạn san hô ở quần đảo Nansha và “xâm phạm” quyền tài phán của Trung Quốc.

(iv) Việt Nam và Malaysia cùng nhau đệ trình thềm lục địa vượt 200 hải lý trên Biển Đông cho Ủy ban thềm lục địa vào ngày 6 tháng 5 năm 2009, và Việt Nam đệ trình thềm lục địa vượt 200 hải lý trên Biển Đông cho Ủy ban thềm lục địa vào ngày 7 tháng 5 năm 2009 “vi phạm” nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc này.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.

Việt Nam là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo này. Từ khía cạnh luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự cho thấy Việt Nam đã thực hiện các hành động chủ quyền thực sự đầu tiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa bằng con đường Nhà nước; Việt Nam chiếm hữu Hoàng Sa, Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình; Việt Nam cũng thực hiện chủ quyền công khai và liên tục trên hai quần đảo này.

 Căn cứ vào các nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự theo Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne năm 1888 cùng với các nguyên tắc trong Nghị quyết 2625 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đối chiếu với trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể về sự quản lý, chỉ đạo của các Nhà nước Việt Nam đương thời một cách nhất quán, liên tục, hòa bình phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne năm 1888, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà các thành viên ký kết (trong đó có cả những nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đều phải tôn trọng.

Áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

Đến năm 1950, Pháp chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), cho xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức khí tượng thế giới OMM), cho một số nhà kinh doanh ra khai thác phân chim ở Hoàng Sa và cử các đoàn khảo sát khoa học ra hai quần đảo nghiên cứu.

Lợi dụng thời điểm“tranh tối, tranh sáng” của việc chuyển giao giữa chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau cuộc bầu cử chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1956, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến tháng 01/1974, lợi dụng thời điểm nhân dân Việt Nam đang dốc sức người, sức của cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, Trung Quốc lại huy động quân đội xâm chiếm nốt nhóm đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa quản lý trước đây trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước về thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như không ngừng hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến tận năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện hợp pháp nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Đến ngày 14/3/1988, Trung Quốc mới bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những vụ xâm chiếm này rõ ràng không những đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chiếm hữu thực sự và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, như: Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nguyên tắc các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau,… Những nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và trong hàng loạt điều ước quốc tế đa phương và song phương, khu vực và toàn cầu.

Dựa trên các quy định của luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng (từ năm 1997) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh nay thuộc Khánh Hòa (từ năm 1989).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cần đọc lại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ kiện của Philippines. Khi đó, Tòa tuyên bố Toà nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Thế nên, giới chức Trung Quốc đừng nên mở mồm là “chủ quyền lịch sử”, hay “quyền lợi lịch sử” ở Biển Đông. Vùng biển này không có liên quan gì tới Trung Quốc và đã được luật pháp quốc tế xác nhận. Trung Quốc cần học lại luật và lịch sử trước khi đưa ra nhưng tuyên bố vô lối, tránh làm trò cười trò thiên hạ vì sự thiêu hiểu biết và ngu dốt của bản thân.

Vì vậy, việc Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc đưa ra công hàm cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền” ở Biển Đông là bịa đặt và không đúng sự thật. Trung Quốc hiện chỉ là nước sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép trên không cấu thành chủ quyền cho Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang “nhận vơ” chủ quyền và không có tư cách đưa ra các tuyên bố phản đối liên quan. Trung Quốc cần nhìn nhận sự thật lịch sử, chấm dứt ngay các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới