Tuy chưa thể xác định COVID-19 có phải vũ khí sinh học của Trung Quốc, nhưng đại dịch này xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Điều này khiến người dân nhiều nước đang kêu gọi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, buộc Bắc Kinh phải trả giá cho hành vi của mình.
Sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị chỉ trích ở khắp nơi. Các công ty luật ở Mỹ và Israel gần đây đã khởi xướng các vụ kiện quốc tế chống lại Trung Quốc, đòi bồi thường thiệt hại. Công ty luật Berman Law Group của Mỹ tháng trước đã phát động vụ kiện tập thể ở bang Florida. Luật sư Jeremy Alters, người hoạch địch và dẫn dắt vụ kiện, đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh dẫn đến đại dịch bùng phát, gây nên tổn thất về sinh mạng và tài sản yêu cầu bồi thường những thiệt hại liên quan. Ông cũng chỉ ra rằng cho dù Trung Quốc từ chối chịu xét xử ở Hoa Kỳ, tòa án Hoa Kỳ vẫn có thể ra phán quyết tịch thu tài sản của Trung Quốc tại Mỹ.
Cho đến nay, đã có hơn 10.000 người từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới tham gia vào vụ kiện tập thể này. Bà Lorraine Caggiano, một trong những nguyên đơn đến từ New York, nói rằng cùng với bà, đã có tổng cộng 10 người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh và hai người trong số họ đã chết vì dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, công ty luật Shurat Hadin của Israel trong tháng này cũng đã đại diện cho một nhóm nhân viên y tế, cáo buộc Trung Quốc tích trữ vật tư y tế. Luật sư đại diện, ông Lettner cho biết ông sẽ đệ đơn kiện tại Hoa Kỳ với cáo buộc Trung Quốc che giấu tình hình, sơ suất để dịch bệnh lây lan, hành xử tồi tệ và cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng chủ quyền như một lý do để lẩn tránh tố tụng. Luật sư nhân quyền người Anh Robertson đã kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, nói rằng nếu Trung Quốc từ chối giải thích đầu đuôi vụ việc, họ sẽ phải đối mặt với áp lực quốc tế và trừng phạt kinh tế. Mới đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne (19/4) đã lên tiếng yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc. Bà Marise Payne cho rằng cần có một cuộc xem xét đánh giá độc lập, có tính quốc tế về dịch bệnh; điều tra nguồn gốc và cách xử lý bệnh dịch; khẳng định sự khẳng định về sự minh bạch của Trung Quốc phải đến từ tất cả các quốc gia quan trọng trên thế giới, sẽ là một phần của bất kỳ cuộc điều tra nào được tiến hành.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh trước đó đã đưa ra một báo cáo, nói rằng Trung Quốc cần bồi thường 3,2 ngàn tỷ bảng Anh (khoảng 31 nghìn tỷ đô la Hồng Kông) cho các nước G7 do hành vi che giấu dịch bệnh. Trong khi đó, tờ Bild được nhiều người đọc nhất ở Đức đã đăng trên báo giấy hóa đơn 160 tỉ USD cùng lá thư gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích Bắc Kinh giấu dịch. Theo đó, sự việc bắt nguồn từ hóa đơn “Những gì Trung Quốc nợ Đức” gồm nhiều mục nhỏ, ghi cụ thể các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Đức. Trong đó 50 tỉ euro bồi thường cho các doanh nghiệp nhỏ của Đức; 24 tỉ euro cho du lịch Đức vì những thiệt hại trong tháng 3 và 4; 7,2 tỉ euro cho ngành công nghiệp điện ảnh và 1 triệu euro mỗi giờ cho Hãng hàng không Lufthansa.
Được biết, các nước có thể kiện Trung Quốc thông qua Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Trọng tài thường trực, Tổ chức Thương mại thế giới, các hiệp ước đầu tư song phương và thậm chí là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Vì nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác vào thời điểm sớm, sự lây nhiễm có lẽ đã không vượt qua khỏi biên giới Trung Quốc. Trung Quốc chỉ báo cáo tình hình cho WHO vào ngày 31/12/2019 nhưng lại nói không có bằng chứng lây truyền từ người sang người. Trong khi đó, quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu cho thế giới liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng truyền nhiễm quy mô lớn. Hiệp hội Henry Jackson nhận định Trung Quốc đã làm điều ngược lại, bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ như ông Lý Văn Lượng khi ông tìm cách nói lên sự thật; đồng thời kêu gọi các nước liên minh lại để khởi động hành động chung nhằm lên án phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước một đại dịch đang khiến thế giới chao đảo. Bên cạnh đó, Hiệp hội Henry Jackson khẳng định bằng cách tính toán chi phí thiệt hại cho các nền kinh tế tiên tiến và tập hợp một loạt các quy trình pháp lý có thể có, chúng tôi đưa ra kết luận rằng thế giới có thể tìm cách bù đắp cho tác hại kinh khủng mà dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc đã gây ra.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư James Kraska, Đại học Hải quân Mỹ cho rằng Chính quyền Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế. Dựa trên các quy định của IHR, khi một quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải làm điều gì đó nhưng không làm thì chính quyền quốc gia đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trung Quốc là một thành viên tham gia IHR mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều là thành viên. Hiệp ước này yêu cầu các quốc gia phải rất thẳng thắn hoặc sẵn sàng, nhanh chóng chia sẻ thông tin về phạm vi lây lan rộng của các loại bệnh, bao gồm các chủng bệnh giống như cúm mới, chẳng hạn như COVID-19. Đây là một nghĩa vụ pháp lý được các quốc gia tự nguyện cam kết và tất cả quốc gia là thành viên của hiệp ước, bao gồm Trung Quốc, đã đồng ý thực hiện điều này. Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng cách che dấu dịch bệnh, đẩy các nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng.