Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVận dụng sai nguyên tắc Estopel: Sự thiếu hiểu biết hay cố...

Vận dụng sai nguyên tắc Estopel: Sự thiếu hiểu biết hay cố tình làm sai để mưu đồ lợi ích trên Biển Đông

Trong Công hàm (17/4), phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc lại một lần nữa rêu rao về “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông, đồng thời trích dẫn, vận dụng nguyên tắc estopel để ngụy biện cho yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khía cạnh luật quốc tế, Trung Quốc đã cố tình vận dụng sai nhằm đạt âm mưu, ý đồ của mình trong vấn đề chủ quyền trên biển.

Trong công hàm mới nhất, phái đoàn Trung Quốc ngang ngược cho rằng sau năm 1975, Việt Nam “vi phạm” nguyên tắc estoppel, và đã đệ trình các yêu sách lãnh thổ “bất hợp pháp” đối với quần đảo Xisha (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và quần đảo Nansha (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), vu cáo hành vi này “vi phạm” các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, đồng thời xuyên tạc Việt Nam còn cử quân đội “xâm chiếm” một số đảo và rạn san hô của Quần đảo Nansha. Trung Quốc luôn phản đối việc “chiếm đóng bất hợp pháp” của Việt Nam đối với một số đảo và rạn san hô ở quần đảo Nansha và “xâm phạm” quyền tài phán của Trung Quốc.

Được biết, phía Trung Quốc thường đưa ra lập luận là vì Việt Nam đã “công nhận” chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa và nay Việt Nam khước từ không công nhận điều đó thì Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estopel trong luật quốc tế.

Nguyên tắc pháp lý “trước sau như một” – Estoppel

“Estoppel” bắt nguồn từ chữ Pháp estouppail, estopper và tiếng La tinh là “stupa”. Chữ “estoppel” được Từ điển Collins của nước Anh định nghĩa như sau: “Estoppel” là quy tắc về bằng chứng, theo đó, một cá nhân không được phép phủ nhận sự thật về điều mà trước đây người này đã tuyên bố hoặc về những sự kiện mà người này cho là có thật’. Nói một cách nôm na đó là nguyên tắc phải “trước sau như một”.

Theo thông lệ trong hệ thông luật của Pháp, Anh, Mỹ, có ít ra là 4 loại quy tắc về bằng chứng: Estoppel by conduct, Estoppel by deed, Estoppel by record và Equitable estoppel. Trong 4 loại bằng chứng kể trên thì Equitable estopel được sử dụng nhiều nhất trong Luật Ủy thác (Law of Trust) và Luật vi phạm dân sự (người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường, Law of Tort). Equitable estoppel lại phân ra làm hai: Proprietary estoppel (bằng chứng liên quan đến tài sản) và Promissory estoppel (bằng chứng liên quan đến lời hứa). Trong luật pháp và thực tiễn quốc tế, nguyên tắc này cũng đã được vận dụng để xem xét những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ có liên quan đến những tuyên bố của đại diện có thẩm quyền của các bên tranh chấp. Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó gây thiệt hại cho quốc gia khác.

Vì vậy, “estoppel” phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia khiếu nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia khiếu nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”…

Việt Nam không vi phạm estopel

Từ trước đến nay, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực. Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo của Việt Nam nằm giữa Biển Đông mà phạm vi của chúng đã được xác định trong các tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa bao giờ (bao gồm cả Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) công nhận Trung Quốc có “chủ quyền” ở Biên Đông. Áp dụng những nội dung trên của nguyên tắc estoppel vào bức thư của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho thấy nó thiếu cả 4 điều kiện: (1) thái độ, lời tuyên bố của một quốc gia nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; (2) thái độ, lời tuyên bố đó phải được thể hiện rõ ràng; (3) thái độ, lời tuyên bố đó phải được thể hiện liên tục; (4) khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động hoặc phải chịu thiệt hại.

Theo điều kiện thứ nhất của estoppel, bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không phải là tuyên bố của Việt Nam về từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vì các lẽ:

Một là, căn cứ Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 (được các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc bảo trợ) trong đó có các điều khoản về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Đông Dương, đồng thời công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Tuy nhiên, theo Hiệp định này, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền (chứ không phải là chia thành hai quốc gia độc lập- như một số người gần đây nhầm lẫn), lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý miền Bắc, còn miền Nam Việt Nam do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam) tiếp quản kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này và không có thẩm quyền để quyết định về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lúc bấy giờ. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ quyền này cả…

Hai là, Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thời điểm đó có thẩm quyền quản lý hai quần đảo, thì theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có thẩm quyền để quyết định những vấn đề liên quan đến việc từ bỏ hay chuyển nhượng lãnh thổ của quốc gia đất nước cho nước ngoài. Bởi theo Điều 32 Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 9/11/1946, các vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu dân ý với điều kiện 2/3 tổng số nghị viện (đại biểu Quốc hội) đồng ý và cách thức phúc quyết sẽ do luật định. Trong thực tiễn xét xử và các án lệ quốc tế đều cho thấy rằng,yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) là một trong hai điều kiện quan trọng nhất để áp dụng tập quán Estoppel.

Theo điều kiện thứ hai của estoppel, tính “rõ ràng” của bức thư cũng không đáp ứng như yêu cầu. Nội dung bức thư chỉ đề cập việc “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc” và “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”, không một từ nào đề cập quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chứ nói gì đến việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam và công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Rõ ràng nội dung Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề có sự ghi nhận hay nhắc tới vấn đề chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vậy nên không thể khẳng định rằng Việt Nam với tuyên bố này đã khẳng định sự từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo này. Ngay cả trong Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc cũng thể hiện sự mập mờ trong việc đề cập chủ quyền đích thực của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vì ở điểm (4) của Tuyên bố này chỉ nói đến chiếm lại Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị Mỹ cưỡng chiếm mà không hề đề cập đến việc chiếm lại Tây Sa và Nam Sa (?!).

Theo điều kiện thứ ba của estoppel, tính “liên tục” của bức thư cũng không được đáp ứng. Không có bất kỳ minh chứng nào về việc sau bức thư của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1958 thì Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa “tiếp tục” thể hiện quan điểm từ bỏ chủ quyền. Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Tòa đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại”.

Theo điều kiện thứ tư của estoppel, quốc gia nại estoppel cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó. Điều kiện này cũng đã trở thành nguyên tắc trong các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế. Ví dụ, trong bản án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch/Hà Lan, Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó.

Như vậy, bức thư của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không hề gây thiệt hại gì cho phía Trung Quốc. Trung Quốc không hề bị thiệt hại mà còn được hưởng lợi, còn Việt Nam thì không những không có được lợi ích gì mà trái lại còn rơi vào thế bất lợi: nguy cơ bị mất chủ quyền lãnh thổ. Hơn nữa, lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử quốc tế đã cho thấy rằng một lời hứa chỉ có giá trị ràng buộc khi lời hứa đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Tòa xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được thể hiện trong bối cảnh, trong những điều kiện nào.

Do đó, xét một cách khách quan và toàn diện, căn cứ những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, theo các điều kiện của thuyết estoppel và thực tiễn xét xử quốc tế, dựa trên những căn cứ pháp lý, lịch sử và chính trị, bức thư ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có mục đích nhằm ủng hộ Trung Quốc chống lại chính sách bao vây trên biển của Mỹ trong eo biển Đài Loan, đe dọa tới nền an ninh quốc gia của Trung Quốc vào thời kỳ đó, hoàn toàn không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ nào chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Ngoài ra, từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam cũng như công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Từ đó cho thấy, Trung Quốc đang cố tình viện dẫn và áp dụng sai nguyên tắc Estoppel cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Lịch sử, luật quốc tế và hành động thực tế luôn chứng minh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông và Nhà nước Việt Nam luôn thực thi, triển khai tất cả các biện pháp để bảo vệ chủ quyền của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới