Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngASEAN trước “cơn bão” khiêu khích phi pháp của TQ trên Biển...

ASEAN trước “cơn bão” khiêu khích phi pháp của TQ trên Biển Đông

Năm 2020, có lẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với ASEAN trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích của cả Khối cũng như từng nước thành viên. Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông đã đặt ra những thách cho các nước thành viên ASEAN.

Khó khăn, thách thức chồng chất

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới ngày 24/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 35.078 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.758 trường hợp mới mắc bệnh. Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.272 người dân ở khu vực này thiệt mạng. Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm. Khoảng 1 triệu lao động nhập cư người Indonesia đang lâm vào cảnh túng quẫn khi chính quyền Malaysia ban hành lệnh phong toả một phần đất nước để hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Trong khi đó, ít nhất 27 triệu người Thái bị mất việc trong các lĩnh vực du lịch, giải trí và thực phẩm. Khi đường hàng không bị đóng băng và hàng chục triệu du khách không thể đến Thái Lan vì dịch bệnh, nền kinh tế đã biến thành một hoang mạc khi công ăn việc làm và tiền lương đều biến mất. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại tại một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia và Lào… Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 268, ngày thứ 7 liên tiếp không phát sinh ca dương tính nào mới và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 224.

Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc liên tục cho tàu chiến của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa. Trong khi nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là “Quận Tây Sa” và “Quận Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Cùng ngày, Trung Quốc lại ngang ngược công bố tên, kinh độ, vĩ độ của 80 thực thể trên Biển Đông, trong đó có nhiều điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam 50-60 hải lý.

Hành động gần đây của Trung Quốc là bước đi để mà hiện thực hoá chiến lược chiếm trọn Biển Đông. Như ta biết, trước đây Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông – thứ đã bị vô hiệu hoá bằng Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 2016. Sau  đó Trung Quốc giao cho các học giả nghiên cứu để tìm ra những chiến thuật mới. Vào năm 2017, Trung Quốc bắt đầu hé lộ cái gọi là Tứ Sa, trong đó Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo bao gồm 4 hệ thống đảo. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc công bố yêu sách Tứ Sa, bằng quyết định hành chính là thành lập hai đơn vị đơn vị quản lý trên biển Đông, Trung Quốc thể chế hóa chiến lược Tứ Sa của mình.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang sử dụng chính sách gây căng thẳng bằng một cuộc “xâm lược mềm”, với mưu tính thâm sâu, được thực hiện theo từng bước để thăm dò và đánh giá mức độ phản ứng của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Cụ thể, tàu hải cảnh của họ tiến hành đâm va tàu cá Việt Nam để tạo tâm lý hoang mang cho những ngư dân đang làm ăn hòa bình trên biển. Ngay sau đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 được hộ tống bằng tàu hải cảnh tiến vào Biển Đông, di chuyển theo tàu khai thác dầu của Malaysia, tiến vào vùng biển của nước này. Sự việc tiếp tục được Trung Quốc đẩy lên với quyết định thành lập 2 đơn vị hành chính và đặt tên hàng chục các thực thể nhằm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam có chủ quyền.

Trung Quốc tìm cách chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Trong nhiều năm, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn là “điểm đen” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Do vùng biển này liên quan trực tiếp đến tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối. Điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Để tác động, chi phối ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… hòng lôi kéo, chia rẽ lập trường chung của Khối. 

Theo đó, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc – CCB (25/4/2018) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì từng khẳng định,Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh với Indonesia, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia sang thời kỳ phát triển mới; tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc “đe dọa” các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4/2018) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. Trước đó, ông Lưu Chấn Dân cũng cảnh báo bất cứ phán quyết trọng tài nào cũng “đi ngược” với Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002 và việc đi ngược lại DOC chỉ mang lại “kết quả tiêu cực”.

Không những vậy, Trung Quốc còn sử dụng công cụ truyền thông đại chúng tích cực đưa tin, tuyên truyền về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, cho rằng một số nước ASEAN đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc thường đưa tin cho rằng tranh chấp “một bộ phận quần đảo Trường Sa” không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN; các bên nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác; Theo quy định trong Điều 4 DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải; Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại. Trước đó, trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi Campuchia vì “luôn đứng bên cạnh, hiểu và ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Trung Quốc còn tìm cách biện minh cho các hành động lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Phát biểu bên lề diễn đàn ASEAN SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (27/4/2018) tuyên bố, mỗi nhà nước ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tách hiệp hội; khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN cũng như công nhận sự tăng trưởng của ASEAN là điều quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc muốn thiết lập hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Hy vọng rằng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tuân thủ DOC đã ký kết. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp cận, phân hóa dần dần từng nước ASEAN. Malaysia (2015) dự định không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, song do sức ép của Mỹ và Nhật Bản buộc Malaysia phải thay đổi quyết định. Thái Lan trong thời gian gần đây đã xa lánh phương tây, tăng cường các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, nhất là kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền hồi năm ngoái. Thủ tướng Campuchia nhiều lần công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua ASEAN mà cần phải giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước tranh chấp.

COC sẽ rơi vào bế tắc

Việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn lập hai khu hành chính, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang có giai đoạn tìm kiếm sự đối thoại cho việc ký kết COC để giảm thiểu bớt căng thẳng trên khu vực này. Với hành động này của Trung Quốc đã khiến cho môi trường hòa bình trên Biển Đông ngày càng có nguy cơ căng thẳng cao hơn.

Bên cạnh đó, hội nghị đầu tiên của ASEAN đã được hoãn và vẫn còn hy vọng rằng sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới đây. Việc không có cuộc họp ASEAN sẽ khiến các quốc gia như Việt Nam khó khăn trong việc phản đối các hành vi của Trung Quốc. Vì vậy, nếu cuộc họp được tổ chức vào tháng 8 ở Việt Nam, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác phản đối sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nêu rõ với các thành viên ASEAN rằng Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận một COC, trong đó xác định rõ khu vực địa lý được COC điều chỉnh, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính khả thi, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên, và mở cửa cho sự gia nhập các quốc gia ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực phải hợp sức cùng với nhau để truyền bá thông tin về tình hình thực tế ở Biển Đông cho cộng đồng quốc tế nắm được. Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch của ASEAN, đây là những điều kiện thuận lợi để hành động tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin ngoại giao cả ở trong và ngoài nước. Đồng thời, Việt Nam có thể sử dụng các tổ chức phi chính phủ, ví dụ như Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị của Việt Nam là một tổ chức rất uy tín ở Việt Nam và có đối tác ở khắp thế giới. Họ có thể tích cực giới thiệu về chủ trương, đường lối của Việt Nam. Đây là những cách đúng đắn, cho thấy Việt Nam là một bên có trách nhiệm, đề xuất giải quyết các vấn đề ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan.

Phản ứng cứng rắn của Việt Nam, Philippines và Malaysia

Trước những hoạt động phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tại vùng biển của mình ở Biển Đông, được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982. Mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết, vào lúc 17h17 chiều 22/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã nhận được công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Philippines, trong đó cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi đã chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines trên vùng biển nước này. Thứ hai, việc Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cái gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm Bãi cạn Scarborough và rặng san hô Fiery là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario cũng kêu gọi chính phủ nước này phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Theo ông, Philippines cần phải cảnh giác với những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trung Quốc đã không ngừng “tận dụng” thời điểm khó khăn này để tiếp tục theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp, mở rộng sự bành trướng ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của người dân Philippines nói riêng, các quốc gia ASEAN và thế giới nói chung khi đặt hai trạm nghiên cứu và đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin (23/4) kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới