Vùng biển của các nước được xác định bởi nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, việc xác định thềm lục địa mở rộng của các nước dựa trên các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và do Ủy ban Ranh giới thềm lục địa xem xét thông qua.
Quy định về thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng
Định nghĩa:
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này và có ranh giới ngoài
Công ước Giơnevơ năm 1958 về thềm lục địa định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này và có ranh giới ngoài được xác định bởi hai tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn độ sâu 200 m – một tiêu chuẩn ấn định; Tiêu chuẩn khả năng khai thác – một tiêu chuẩn động, mâu thuẫn với tiêu chuẩn trên và chỉ phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật khai thác thềm lục địa của quốc gia ven biển. Nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.
UNCLOS 1982 định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở; quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật biển năm 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước. Quốc gia ven biển có thể nộp Báo cáo từng phần để tránh vấn đề tranh chấp trên biển và bảo đảm thời hạn, đồng thời có quyền nộp các Báo cáo thành phần khác tiếp theo sau thời hạn đã quy định. Quốc gia ven biển cần gửi Báo cáo cho Ủy ban ngay khi có điều kiện và trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong một thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gian này. Đồng thời, quốc gia ven biển thông báo tên tất cả các ủy viên của Ủy ban đã cung cấp cho mình các ý kiến về khoa học và kỹ thuật.
Cách xác định:
Theo công ước, quốc gia ven biển xác định bờ ngoài của rìa lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải bằng: (i) Một đường vạch theo đúng khoản 7 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, bằng cách nối các điểm cố định tận cùng nào mà bề dày lớp đá trầm tích ít nhất cũng bằng một phần trăm khoảng cách từ điểm được xét cho tới chân dốc lục địa; (ii) Một đường vạch theo đúng khoản 7 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, bằng cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý; (iii) Nếu không có bằng chứng ngược lại, chân dốc lục địa trùng hợp với điểm biến đồi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc. Các điểm cố định xác định trên đáy biển, đường ranh giới ngoài cùng của thềm lục địa được vạch theo đúng khoản 4, điểm a), điểm nhỏ i) Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982 và nằm cách điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý.
Mặc dù đã có khoản 5 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, một dải núi ngầm, ranh giới ngoài của thềm lục địa không vượt quá một đường vạch ra ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 350 hải lý. Khoản này không áp dụng cho các địa hình nhô cao dưới mặt nước tạo thành các yếu tố tự nhiên của rìa lục địa, như các thềm, ghềnh, sông núi, bãi hoặc mỏm.
Quốc gia ven biển ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bằng cách nối liền các điểm cố định xác định bằng hệ tọa độ kinh vĩ độ, thành các đoạn thẳng dài không quá 60 hải lý. Bên cạnh đó, quốc gia ven biển thông báo những thông tin về ranh giới các thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II Công ước về Luật biển năm 1982, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.
Ngoài ra, quốc gia ven biển gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các bản đồ và các điều chỉ dẫn thích đáng, kể cả các dữ kiện trắc địa, chỉ rõ một cách thường xuyên ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình. Tổng thư ký công bố các tài liệu này theo đúng thủ tục. Tuy nhiên, điều này không xét đoán trước vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau.
Chế độ pháp lý của thềm lục địa:
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Những quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa của mình là những đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa (bao gồm các tài nguyên không sinh vật và các tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư), thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của các quốc gia đó;
Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Các quyền này tồn tại một cách ipso facto and ab initio.
Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc cáp;
Khi quốc gia ven biển tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thì phải có một khoản đóng góp theo quy định của Công ước;Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này;Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được;Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gia.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được lập ra trong khuôn khổ Công ước Luật biển 1982 để đảm bảo tôn trọng việc xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa gồm 21 ủy viên là chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn, do các quốc gia thành viên tham gia Công ước lựa chọn trong số công dân của mình, đảm bảo một sự đại diện công bằng về địa lý, các uỷ viên này thi hành các chức trách của mình với tư cách cá nhân. Việc bầu cử các ủy viên của Ủy ban được tiến hành trong một hội nghị của các quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu tập tại trụ sở của Liên Hợp quốc. Số đại biểu cần thiết là hai phần ba số quốc gia thành viên. Những ứng cử nào thu được hai phần ba số phiếu của các đại biểu có mặt và bỏ phiếu, thì trúng cử ủy viên của Ủy ban. Mỗi vùng địa lý được tuyển chọn ít nhất ba ủy viên. Các ủy viên của Ủy ban được bầu với một nhiệm kỳ là 5 năm. Họ có thể được bầu lại.
Quốc gia thành viên nào đã giới thiệu ứng cử viên vào Uỷ ban phải bảo đảm mọi khoản chi tiêu cho uỷ viên đó khi thi hành phận sự của mình nhân danh Uỷ ban, quốc gia ven biển hữu quan phải chịu các chi phí có liên quan đến những ý kiến đóng góp thuộc phạm vi chức năng của Uỷ ban. Chi phí Văn phòng của Uỷ ban do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc bảo đảm.
Ngày 13/3/1997, Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa đã công bố danh sách 21 thành viên trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đến nay, Ủy ban đã tổ chức ba kỳ bầu cử với các nhiệm kỳ: 1997-2002; 2002-2007; 2007-2012. Chủ tịch hiện nay là ngài Albuquerque Alexandre Tagore Medeirois de – quốc tịch Brazil. Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa thường họp 2 lần/ năm (vào mùa xuân và mùa thu) tại trụ sở của Liên Hợp quốc ở New York. Việc triệu tập các phiên họp được phê duyệt bởi Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong các nghị quyết hàng năm của mình về biển và luật biển.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa có chức năng xem xét các số liệu và các thông tin khác do các quốc gia ven biển gửi đến có liên quan đến ranh giới ngoài thềm lục địa, khi thềm lục địa này mở rộng quá 200 hải lý và đưa ra các kiến nghị theo đúng Điều 76, và Giác thư thỏa thuận (Memorandum d’accord) đã được Hội nghị Luật biển lần thứ III của Liên Hợp quốc thông qua ngày 29/8/1980. Bên cạch đó, Uỷ ban cũng có chức năng cung cấp các ý kiến về khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng các số liệu cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa theo yêu cầu của quốc gia ven biển liên quan.
Nếu thấy cần thiết, Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa có thể hợp tác với Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Tổ chức thủy văn quốc tế và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền khác nhằm thu thập các số liệu khoa học và kỹ thuật có thể giúp cho Uỷ ban hoàn thành trách nhiệm.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa hoạt động thông qua hai tiểu ban gồm bảy ủy viên được chỉ định một cách cân bằng theo yêu cầu của quốc gia ven biển gửi lên các ủy viên của Ủy ban. Quốc gia ven biển khi đã gửi một đơn yêu cầu lên Ủy ban, thì có thể gửi các đại diện của mình tới tham gia các công việc thích hợp, nhưng không có quyền biểu quyết. Khi xem xét các đơn yêu cầu của các quốc gia ven biển, tiểu ban sẽ gửi các kiến nghị của mình lên Ủy ban. Sau đó, Ủy ban chuẩn y các kiến nghị của Tiểu ban theo đa số hai phần ba các ủy viên và bỏ phiếu. Các kiến nghị của Ủy ban được gửi bằng văn bản tới quốc gia ven biển đã đưa đơn yêu cầu cũng như cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Nếu không đồng ý với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa, quốc gia ven biển gửi lên cho Ủy ban trong một thời hạn hợp lý một đơn yêu cầu đã được xem xét lại hoặc một đơn mới.
Theo quy định của Ủy ban, các quốc gia tham gia Công ước trước 13/5/1999 phải nộp Báo cáo quốc gia cho Uỷ ban RGTLĐ là 13/5/2009. Nếu sau thời hạn 10 năm như quy định của Công ước Luật biển 1982 mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (Báo cáo đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa kéo dài vượt quá 200 hải lý.
Đến hạn ngày 13/5/2009, đã có 50 Báo cáo quốc gia được chính thức đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa. Ngoài ra, đã có 44 quốc gia nộp Báo cáo các thông tin sơ bộ về thềm lục địa của mình, đồng thời đăng ký trong thời gian nhất định sẽ hoàn thành Báo cáo để trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa (Uỷ ban chỉ ghi nhận nhưng không xem xét các báo cáo thông tin sơ bộ). Tính đến ngày 29/4/2011, đã có 56 Báo cáo chính thức được gửi đến Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa.
Việt Nam thực hiện đúng quy trình
Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật biển 1982 và của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa cũng như điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển và yêu cầu về chính trị, pháp lý, từ năm 2002 đến 2009, Việt Nam đã tiến hành xây dựng Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý gồm 3 khu vực là khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia), trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.
Ngày 6/5/2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Malaysia nộp Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và ngày 7/5/2009, Phái đoàn Việt Nam đã nộp tiếp Báo cáo riêng của ta khu vực phía Bắc, bảo đảm thời hạn là ngày 13/5/2009. Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình bày Báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày Báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa.