Nền kinh tế thế giới khó có thể hưởng lợi từ chương trình kích thích kinh tế hậu COVID-19 ‘cầm chừng’ cho đến nay của Trung Quốc.
Trái với thường lệ, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố kết quả cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 10/2019. Kết quả này cho thấy, người Trung Quốc đã có mức nợ cá nhân cao thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát.
Khoảng một nửa trong gần 30.000 hộ gia đình Trung Quốc tham gia điều tra sống trong tình cảnh nợ nần, với mức nợ trung bình là 72.000 USD và 2/3 trong đó là dưới dạng thế chấp tài sản đảm bảo. Điều đó có nghĩa là 60% tài sản hộ gia đình tư nhân tại Trung Quốc được đầu tư vào bất động sản và chỉ 1/5 là đầu tư tiền mặt.
Bằng cách công bố kết quả điều tra này Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ẩn ý muốn lý giải vì sao các biện pháp của chính phủ Trung Quốc cho đến nay có thể chưa đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo Ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS, Bắc Kinh đã ban hành một chương trình khích lệ kinh tế trị giá 4% GDP so với gói kích thích kinh tế tương đương 10% GDP được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước. Vào năm 2016, các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc tương đương 2% tổng sản phẩm kinh tê của nước này.
Các quan điểm trái chiều
Có thể có nhiều quan điểm trái ngược về chương trình cứu trợ kinh tế của Trung Quốc. Một quan điểm cho rằng người Trung Quốc có nhiều tiền của dự trữ hơn người Mỹ. Trong khi người Trung Quốc tiết kiệm khoảng 1/3 thu nhập sau thuế, thì người Mỹ chỉ để dành được khoảng 7% thu nhập sau thuế của mình, nhờ vậy tình hình nợ ít nặng nề hơn tại Trung Quốc. Song cũng có lập luận cho rằng rằng điều đó có nghĩa là nợ công Trung Quốc không được phép tăng mạnh trở lại.
Những người khác có thể quả quyết cho rằng mức chi của chính phủ hiện nay có thể quan trọng hơn bao giờ hết để thúc đẩy nền kinh tế và thậm chí để tránh phải trả một số nợ lớn hơn trong tương lai.
Rõ ràng, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn sau cuộc khủng hoảng corona. GDP quý I/2020 của Trung Quốc đã giảm 6,8% và đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ. Vì thế, việc chính phủ Trung Quốc tin tưởng có thể khắc phục tình hình vói các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 4% GDP gây ra nhiều tranh cãi.
Thúc đẩy mức chi tiêu của người tiêu dùng cần được ưu tiên vì ngành dịch vụ đã từ lâu là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 60% tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc. Chỉ riêng trong hai tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc giảm 2% và giảm 16% trong tháng 3.
Người tiêu dùng vẫn dè dặt
Có thể nói, thời kỳ dịch bệnh tồi tệ nhất tại Trung Quốc đã qua và nền kinh tế Trung Quốc đang từng bước hồi phục trở lại. Song khác với thời kỳ sau đại dịch SARS, mức tiêu thụ chưa có sự đột biến và đang tăng một cách chậm chạp. Người dân Trung Quốc trở nên thận trọng hơn đặc biệt vì lo sợ làn sóng nhiễm bệnh thứ hai ập đến.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Tài chính – Kinh tế Tây Nam Trung Quốc căn cứ vào cuộc điều tra 28.000 hộ gia đình, trên 1/2 gia đình được khảo sát có kế hoạch sẽ tiết kiệm nhiều hơn và giảm bớt chi tiêu sau khi đại dịch COVID-19 thuyên giảm. Khoảng 40% đối tượng tham gia cho biết họ sẽ không thay đổi thói quen và chỉ 9% dự định tăng mức chi tiêu so với trước đại dịch.
Liệu sức mua của người tiêu đùng có hồi phục trở lại sau quý đầu năm giảm mạnh vẫn còn là một câu hỏi. Ngoài mức nợ gia đình tăng cao, một sự khác biệt lớn so với thời kỳ hậu SARS đó là tầm quan trọng của mức tiêu thụ hiện nay đối với hoạt động kinh tế Trung Quốc.
Cách làm khác biệt
Khác với chính phủ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, các nước đã triển khai các kế hoạch kích thích kinh tế toàn diện, Bắc Kinh có thiên hướng lựa chọn phương pháp tiếp cận scattergun (bắn tỉa) để đưa nền kinh tế vào guồng quay trở lại. Chính phủ Trung Quốc công bố giảm thuế, cắt giảm lãi suất và hoàn trả một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn phê chuẩn các chương trình phiếu khách hàng và hỗ trợ thanh khoản cho các công ty. Riêng tại thành phố Hàng Châu, số lượng phiếu khách hàng trị giá 64 triệu USD đã được quy đổi trong vòng 56 giờ đồng hồ.
Ý tưởng kéo dài ngày nghỉ cuối tuần đang được thảo luận ở một vài tỉnh để thúc đẩy du lịch nội địa bởi nguồn thu này theo dự báo sẽ giảm 69%.
Tuy nhiên, chưa chắc có sự đầu tư vào bất kỳ những dự án cơ sở hạ tầng lớn. Người phát ngôn PBoC cho hay: “Quá nhiều chương trình kích thích kinh tế dồn dập có thể dẫn tới lạm phát và tăng các mức hạn nợ”. Thị trường xây dựng chung cư, sân bay và tàu hoả cao tốc tại Trung Quốc đã bão hoà hơn 10 năm trước.
Có thể thấy lần này Trung Quốc sẽ kiềm chế tham gia thúc đẩy kinh tế toàn cầu bằng cách tiếp nhận mức nợ cao hơn. Thay vì đó, Bắc Kinh đang cố gắng đạt hiệu quả lớn nhất bằng cách hành động “nhỏ giọt” chỉ khi thực sự cần thiết ít nhất ở thời điểm hiện tại