Từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi các nước trên thế giới, từ giàu có, hùng mạnh như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật đến nghèo nàn lạc hậu như các nước châu Phi hay trung bình như các nước Đông Á, trong đó có cả Trung Quốc, đang phải điêu đứng vật lộn với đại dịch Covid-19 thì Bắc Kinh lại có nhiều động thái gia tăng các hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế ở Biển Đông. Dường như những “mất mát” do đại dịch Covid-19 gây ra cho Trung Quốc không “thấm” vào đâu nên nước này vẫn tranh thủ “thời cơ” dịch bệnh hoành hành để khai thác thế yếu, thế khó mà các nước trong và ngoài khu vực đang gặp phải để giành lợi thế nhiều nhất và chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo mang tầm chiến lược mới ở vùng biển quan trọng này.
Động thái đầu tiên, thu hút sự quan tâm chú ý và đề phòng cảnh giác nhất của các nước trong khu vực và có liên quan là hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ trong hơn 3 tháng qua, Bắc Kinh đã có tới 4 cuộc diễn tập quân sự khác nhau. Đó là: 1/ Đầu tháng 3/2020, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông với sự tham gia của 2 máy bay săn ngầm. 2/ Ngày 10/03/2020, Không quân và Hải quân Trung Quốc đã diễn tập chung mô phỏng các cuộc “chạm trán” trực diện với máy bay và tàu chiến nước ngoài “xâm lược” Biển Đông. 3/ Cuối tháng 3/2020, cùng thời điểm Mỹ đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu vào Biển Đông tập trận, một căn cứ hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Trung Quốc đã tổ chức tập trận với kịch bản tập trung vào Biển Đông, theo đó, các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu đã tập bắn đạn thật, thử nghiệm hơn 20 khoa mục, bao gồm phòng không, chống tàu, chống tàu ngầm, tiến công trên bộ, điều hướng hạm đội, công tác chính trị thời chiến… Đây là cuộc tập trận tác chiến đa chiều đầu tiên với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu phối hợp. 4/ Ngày 12/04/2020, tàu sân bay Liêu Ninh được 5 tàu quân sự hộ tống vượt qua eo biển Đài Loan tiến vào Biển Đông tập trận.
Cùng với diễn tập quân sự, Bắc Kinh còn đưa nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại ra các thực thể chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Ngày 29/03/2020, vệ tinh thương mại của Israel phát hiện máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc “đưa hàng tiếp tế” đến đá Chữ Thập. Ngày 06/04/2020, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Bắc Kinh đang lên kế hoạch đưa thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 đến Biển Đông muộn nhất là năm 2022. Thủy phi cơ AG600 được sử dụng trong công tác cứu hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, hỗ trợ cho việc phát triển, khai thác, thăm dò tài nguyên biển. Nhưng đồng thời nó cũng là loại phương tiện đổ bộ, đáp ứng khả năng tiếp cận nhanh các đảo nhỏ, bãi đá ở Biển Đông mà Trung Quốc đang rất muốn “làm chủ”. Không những thế, Trung Quốc còn đã và đang tận dụng các công nghệ mới nổi, trong đó có tia laser vào trong lĩnh vực quân sự để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ngoài biển, trong đó có Biển Đông nhằm ngăn cản Hải quân Mỹ và đồng minh. Tháng 5/2019, các tàu dân quân biển Trung Quốc bị nghi ngờ đã sử dụng tia laser thương mại chống lại các phi công trực thăng của Hải quân Australiahoạt động ở Biển Đông trong cuộc tập trận Ấn Độ – Thái Bình Dương 2019. Gần đây nhất, ngày 17/02/2020, một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã dùng tia laser chiếu vào một máy bay do thám của Mỹ hoạt động trên biển Philippines.
Động thái tiếp theo là những biểu hiện nhằm tiếp tục khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đầu tháng 02/2020, Bắc Kinhcông khai tuyên bố khánh thành 2 trạm nghiên cứu biển mới trên đá Subi và đá Chữ Thập ở Trường Sa. Trước đây, họ đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu tương tự trên đá Vành Khăn. Trong khi đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi là 3 trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến chúng thành “tiền đồn” ở Biển Đông. Đến đầu tháng 3/2020, vệ tinh của nhiều nước đã phát hiện rất nhiều tàu cá (thực chất là các tàu vũ trang) của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã dịch chuyển trọng tâm hoạt động sang cụm đảo Sinh Tồn – một nhóm cấu trúc và đảo nhỏ ở gần khu vực trung tâm của Biển Đông hơn, để Bắc Kinh có thể kiểm soát các tuyến đường hàng hải đi qua đây. Sự hiện diện của những tàu này đồng nghĩa với việc Trung Quốc “cắm cờ” tại vùng biển cách xa đất liền của họ đến cả gần 1.000 cây số để tiếp tục khẳng định “chủ quyền” phi lý mà không cần sự hiện diện công khai của lực lượng quân sự vì điều đó có thể dẫn đến việc lên án của cộng đồng quốc tế.Mới nhất, trung tuần tháng 4/2020, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đã lại “phăm phăm” từ Bắc Hoàng Sa, thẳng đường tiến xuống vùng biển giáp ranh Malaysia và dường như đang muốn “thăm dò” tài nguyên ở “vùng nước lịch sử của Trung Quốc” ở tận Nam Trường Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gia tăng rất mạnh hoạt động tuyên truyền về “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông. Họ đặc biệt cổ vũ cho các luận điểm, bằng chứng về cái gọi là “Tứ sa” của Trung Quốc và sử dụng vấn đề khai thác thành công băng cháy ở Biển Đông để cổ vũ người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn kinh tế – xã hội cho nước này. Bộ Tài nguyên Trung Quốc loan báo, trong khoảng thời gian từ 17/02 đến 18/03/2020, khi virus corona bắt đầu lây lan mạnh tại các quốc gia trên khắp thế giới, nước này đã khai thác thành công khí tự nhiên từ băng cháy tại khu vực phía Bắc Biển Đông, trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực khai thác băng cháy dưới đáy đại dương bằng phương pháp kỹ thuật khoan giếng ngang. Thành công trên phần nào sẽ củng cố nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị, nếu không nói là “độc quyền” các mỏ dầu khí chưa được khai thác trong phạm vi họ gọi là “đường chín khúc” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn với vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna phía bắc Indonesia.
Biện minh cho những động thái có vẻ như muốn làm “nóng” tình hình, Đại tá Lý Hoa Dân, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Trung Quốc liền đổ cho rằng, Mỹ đã có nhiều hành vi khoe “cơ bắp”, khiêu khích và khuấy động “rắc rối” ở Biển Đông nên Trung Quốc buộc phải hành động như thế. Trong khi đó, Châu Trần Minh – chuyên gia quân sự của Trung Quốc thì vừa khoe khoang, vừa dậm dọa: Cho đến nay, tất cả các hệ thống vũ khí, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 đều đã được triển khai tới các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa. Do đó, nếu Hải quân Mỹ tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực “sẽ là động lực” để Hải quân Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận hơn nữa.
Song, dưới con mắt của các chuyên gia nghiên cứu thì những động thái trên của Trung Quốc được coi là những nỗ lực của nước này trong việc khai thác thế suy yếu của Mỹ, cũng như những khó khăn mà các nước trong khu vực đang gặp phải do đại dịch Co-vid-19 gây ra để giành thêm lợi thế tại khu vực được coi là một trong những trọng điểm chiến lược của thế giới. Hơn hai tháng nay, mặc dù là quốc gia đóng vai trò lớn trong việc bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực, nhưng Mỹ đang phải “vật lộn” với tình hình đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất đối với nước này. Nhà Trắng đã phải thực hiện hàng loạt biện pháp đặc biệt, bao gồm cả giãn cách xã hội lẫn tung gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Lực lượng của Lầu Năm Góc cũng được huy động để chống lại đại dịch Covid-19 theo Đạo luật sản xuất quốc phòng. Theo đó, Quân đội Mỹ sẽ cung cấp các dịch vụ y tế quan trọng, sản xuất và chuyển các thiết bị y tế cấp thiết cho các cơ quan và cơ sở dân sự. Trong khi đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng khiến các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn chiến lược. Philippines và Malaysia đã phải ra lệnh phong tỏa thủ đô hành chính và thương mại của mình trong vài tuần và giao cho quân đội trách nhiệm thực thi lệnh phong tỏa. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và một số quan chức an ninh hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đang phải tự cách ly, Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines Felimon Santos Jr đã dương tính với virus corona. Việt Nam tuy số lượng người nhiễm Covid-19 ít hơn nhưng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tuần… Ông Collin Koh – nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam của Singapore nhấn mạnh: “Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này. Thế nhưng sự thật là hoàn toàn ngược lại. Quân đội Trung Quốc được lệnh duy trì sự sẵn sàng chiến đấu cao nhất bất chấp virus corona hoành hành như thế nào”. Còn ông Zack Cooper – một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề an ninh châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tiếp tục thái độ quyết đoán và cứng rắn trong tranh chấp ở Biển Đông cho dù cả thế giới đang phải dồn sức chống đỡ đại dịch Covid-19.
Nói như vậy, có nghĩa Trung Quốc đang lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộngđể trục lợi ở Biển Đông. Điều đó có lẽ không sai bởi Trung Quốc xưa nay được coi là bậc thầy về tận dụng thời cơ. Minh chứng cho điều này là năm 1974, họ đã lợi dụng việc Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam, quân ngụy Sài Gòn suy yếu để nhanh chóng “xơi tái” Hoàng Sa của Việt Nam; năm 1988, họ lại tận dụng chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô sụp đổ để đưa quân chớp nhoáng “nuốt chửng” 06 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giờ đây, họ lại đang: Một là, phát động chiến dịch viết lại câu chuyện về đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc tuyên truyền rằng, Quân đội Mỹ đã đem virus corona chủng mới tới Vũ Hán, Trung Quốc. Hai là, nỗ lực chia rẽ quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống, trong đó có nước gần đây đã cam kết gửi các tàu hải quân tham gia các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ dẫn dắt ở Biển Đông. Ba là, thực hiện chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” và cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề như Italy, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu để gây ảnh hưởng, đi kèm với đó họ vẫn không quên tuyên truyền về yêu sách “đường chín khúc” trên Biển Đông. Bốn là, tiếp tục thể hiện sự răn đe với các nước bằng sức mạnh “cơ bắp” thông qua các động thái quân sự như đã nói ở trên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc luôn quan tâm đến thế thời, và có lẽ đây là lúc họ nghĩ mình “gặp thời” nên phải nhanh chóng hành động để đạt mục đích. Vì thế ai đó cho rằng, Trung Quốc tạm ngừng tay “xâm chiếm, thuộc địa hóa” Biển Đông trong lúc này là chuyện viển vông. Thực ra, ban đầu khi tâm dịch bùng phát tại Vũ Hán với số người chết quá lớn, Trung Quốc có vẻ hơi bối rối ở trong nước, nhưng những hành động ở bên ngoài, nhất là trên Biển Đông vẫn không hề giảm sút. Sau này, khi thế giới, bao gồm cả Mỹ cũng bùng phát dịch, Trung Quốc dần dần ổn thì nước này lại tiếp tục lộng hành hơn ở Biển Đông. Hành động của họ khiến người ta cảm thấy hình như các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy thời cơ đã đến để Bắc Kinh xác định lại không gian chiến lược mới của mình thông qua các biện pháp cứng rắn.
Từ đó, người ta không thể không đặt câu hỏi rằng: Phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị làm một điều gì đó “kinh thiên, động địa” để hoàn thành giấc mơ “đường chín khúc”, biến Biển Đông trở thành “ao nhà” của họ. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng các cảng biển và những cơ sở hạ tầng như đường băng, các căn cứ quân sự để quân đội của họ có thể sử dụng vào thời điểm xảy ra khủng hoảng trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã triển khai nhiều tàu ngầm ở Ấn Độ Dương để giám sát hoạt động của các tàu chiến và tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Một số chuyên gia của ASEAN về Biển Đông đã cảnh báo, tất cả những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông từ đầu năm đến nay đều được thực hiện khá rộng khắp, đồng bộ và rất chặt chẽ. Biển Đông có thể tạm thời đang yên, nhưng rõ ràng là không thể ổn trước các động thái rất đáng quan ngại của Trung Quốc. Các nước trong và ngoài khu vực phải hết sức cảnh giác và theo dõi chặt chẽ, có sự đoàn kết thống nhất trong lời nói và hành động để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc trong thời gian tới.
Comments are closed.