Hai chuyên gia về Biển Đông của Viện Hudson là Patrick Cronin và Ryan Neuhard đã đưa ra những phân tích, nhận định rằng dưới thời Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển hướng sang thực hiện chính sách đối ngoại mang tính đàn áp và coi thường luật pháp hơn. Những diến biến ở khu vực Biển Đông là ví dụ rõ ràng nhất.
Thời kỳ “trỗi dậy hòa bình” và theo đuổi một “thế giới hài hòa” đã qua. Sau khi từng bước tích lũy quyền lực, Chính phủ Trung Quốc hiện nay dường như có ý định sử dụng sức mạnh đó để áp đặt sở thích của mình lên người khác. Điều đó được thể hiện khi Trung Quốc trực tiếp ép buộc các nước khác phải nhượng bộ. Tuy nhiên, điều đó cũng được thể hiện khi các chính sách mang tính ép buộc của Trung Quốc khiến các bên thứ ba phải chủ động thông qua các chính sách thân thiện với Đảng Cộng sản Trung Quốc do e ngại làm Bắc Kinh khó chịu .
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng trở nên sẵn sàng thách thức và đôi khi trực tiếp vi phạm các cam kết hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Chính phủ Trung Quốc ký kết các hiệp ước nhưng chỉ tuân thủ khi nào cảm thấy thuận tiện. Ví dụ nổi bật nhất trong vấn đề Biển Đông là việc Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông, vốn là một phần của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.
Điều thậm chí diễn ra thường xuyên hơn là việc Trung Quốc luôn muốn làm theo ý mình thông qua hành vi áp đặt các nước láng giềng nhỏ hơn, những nước vốn phải đối mặt với một lựa chọn sống còn: để Bắc Kinh tự do hành động hoặc từ bỏ lợi ích kinh tế đồng thời đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, kể từ phán quyết năm 2016, Tổng thống Duterte đã cho phép Trung Quốc “chà đạp” lên chủ quyền của Philippines nhằm đổi lấy miếng mồi nhử là những lời hứa hẹn về cơ sở hạ tầng mà phần lớn vẫn chưa được thực hiện. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo đá nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trái với quy tắc của ASEAN và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC).
Những thay đổi này phản ánh một mô hình mà trong đó Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp đặt lối tư duy độc đoán với các nước bên ngoài giống như với người dân trong nước. Điều này cho thấy, nếu như có cơ hội, Chính phủ Trung Quốc sẽ đối xử với các nước láng giềng như những đối tượng chứ không phải đối tác. Việc Chính phủ Trung Quốc ưa thích các mục tiêu và phương thức độc đoán, phi pháp là lý do dẫn tới căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong cộng đồng quốc tế. Nếu Chính phủ Trung Quốc thể hiện ý định ôn hòa và tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh sự trỗi dậy của nước này. Tuy nhiên, thay vào đó, Bắc Kinh lại làm phức tạp thêm vấn đề liên quan tới hành vi ác ý của họ với một chiến dịch kỳ lạ, tuyên truyền về việc họ đã tỏ ra cởi mở và công bằng ra sao và rằng bất kỳ ai phản đối lập trường của Bắc Kinh đều không muốn Trung Quốc giành được chỗ đứng xứng đáng.
Hành vi của Trung Quốc cũng bộc lộ một mô hình quan trọng khác. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần xây dựng sức mạnh vượt trội so với các quốc gia khác trong một lĩnh vực nào đó nhưng cũng đồng thời trấn an rằng họ sẽ không sử dụng sức mạnh đó để chống lại những nước này. Sau đó, khi Trung Quốc trở thành bên tham gia chiếm ưu thế trong lĩnh vực đó thì Chính phủ nước này lại lạm dụng sức mạnh để ép buộc các quốc gia dễ tổn thương hay các tập đoàn đa quốc gia. Ví dụ, Trung Quốc xây dựng sức mạnh kinh tế vượt trội so với các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ. Đối với những sự phụ thuộc sâu sắc hơn về kinh tế, nước này tạo ra vỏ bọc “đôi bên cùng có lợi” và chờ đợi cho đến khi Trung Quốc có được vị thế đối tác thương mại chủ chốt của những quốc gia này. Sau đó, Trung Quốc lại sử dụng đòn bẩy tài chính để ép buộc những nước này.
Một báo cáo của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) năm 2018 đã mô tả chi tiết một số vụ việc đáng chú ý: Lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010, hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy năm 2010, hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines năm 2012, hạn chế du lịch đến Đài Loan năm 2016, tính phí nhập khẩu các sản phẩm khai mỏ từ Mông Cổ năm 2016, việc đóng cửa chuỗi siêu thị Lotte và hạn chế du lịch và nhập khẩu văn hóa phẩm Hàn Quốc năm 2016. Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trong khi vẫn trấn an các nước khác rằng họ sẽ không sử dụng sức mạnh đó để chèn ép các nước láng giềng. Sau đó, khi quân đội Trung Quốc giành được lợi thế vượt trội so với các nước láng giềng, Bắc Kinh bắt đầu triển khai sức mạnh quân sự của nước này.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các lực lượng quân sự, bao gồm cả tên lửa chống hạm, đến các cấu trúc địa hình trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bắc Kinh cũng cử các tàu cảnh sát biển có vũ trang cỡ tàu khu trục để hộ tống ngư dân nước này đánh bắt cá trái phép vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc cũng cử các tàu dân quân biển sử dụng tia laser để làm lóa mắt các phi công bay trên không phận quốc tế. Trung Quốc cũng đe dọa các nước láng giềng thông qua việc triển khai các tàu khảo sát đại dương, các giàn khoan và số lượng lớn tàu đánh cá, tất cả đều do lực lượng dân quân biển, cảnh sát biển và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc hộ tống và bảo vệ.